Thương vụ ngàn tỷ chông chênh, cổ phiếu Quốc Cường Gia Lai lao dốc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Ngụp lặn dưới đáy thị trường và từng bị nhắc nhở vì vi phạm công bố thông tin, trong nửa đầu năm 2017 cổ phiếu QCG đã tăng như vũ bão. Tuy nhiên, ngay sau ĐHCĐ, mã cổ phiếu này bất ngờ lao dốc. Phải chăng nhà đầu tư đang tháo chạy?

“Cơn điên” cổ phiếu QCG

Nửa đầu năm 2017, cổ phiếu QCG của Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai (QCGL, HOSE: QCG) là một trong những mã cổ phiếu có bước tăng thần kỳ nhất trên thị trường chứng khoán.

 
Cổ phiếu QCG của Quốc Cường Gia Lai là một trong những mã cổ phiếu tăng bất thường trong nửa đầu năm 2017.
Cổ phiếu QCG của Quốc Cường Gia Lai là một trong những mã cổ phiếu tăng bất thường trong nửa đầu năm 2017.


Từ đầu năm đến cuối tháng 3-2017, giá cổ phiếu QCG được giao dịch với biên độ từ 3.500 – 6.500 đồng/CP. Thậm chí có thời điểm, giá cổ phiếu này rơi xuống 3.400 đồng/CP, mức giá chỉ bằng 1/10 so với thời kỳ đỉnh cao của QCGL. Thế nhưng sau đó là những chuỗi phiên tăng nhảy vọt đáng kinh ngạc.

Bước “lột xác” mạnh mẽ nhất của cổ phiếu QCG bắt đầu từ tháng 4 và đến cuối tháng 6/2017, màu tím xuất hiện thường xuyên trên bảng chỉ số của QCG với hàng chục phiên tăng trần liên tiếp. Từ mức thanh khoản chỉ vài chục đến vài trăm nghìn giao dịch mỗi phiên, trong 3 tháng này, khối lượng giao dịch tăng mạnh, có phiên lượng khớp lệnh lên đến vài triệu đơn vị.

Cơn sốt bất thường đẩy giá cổ phiếu QCG từ nguy cơ trở thành “giấy lộn” lên gần chạm mốc 30.000 đồng/CP, mức giá nhiều doanh nghiệp kinh doanh địa ốc niêm yết phải mơ ước.

Giá cổ phiếu QCG tăng nhanh bắt nguồn từ thông tin công ty của doanh nhân Cường “Đô la” hoàn tất chuyển nhượng dự án Khu dân cư Phước Kiển (huyện Nhà Bè, TP.HCM) cho Sunny Island, một đối tác được cho có liên quan đến Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. QCGL cho biết đã nhận tạm ứng 50 triệu USD (hơn 1.100 tỷ đồng) của đối tác này để tất toán nợ vay với Ngân hàng BIDV.

Tại ĐHCĐ thường niên diễn ra vào ngày 29/6 vừa qua, bà Nguyễn Thị Như Loan – Chủ tịch HĐQT QCGL bất ngờ phủ nhận thông tin đã hoàn tất chuyển nhượng dự án Phước Kiển cho Sunny Island như đồn đoán trước đó, đồng thời cho biết công ty đang xem xét có nên bán đứt hay hợp tác đầu tư với đối tác. Điều này có nghĩa giai đoạn khó khăn của QCGL vẫn chưa đi qua và gần như ngay lập tức, giá cổ phiếu QCG đã bắt đầu chững lại và lao dốc.

Cụ thể, từ mức giá 29.000 đồng/CP đóng phiên 29/6, cổ phiếu QCG giảm sàn liên tiếp 3 phiên với mức giảm trung bình gần 7%/phiên, về mức 23.400 đồng/CP. Xu hướng giảm sâu tiếp tục diễn ra cho đến phiên giao dịch 11-7, trị giá cổ phiếu QCG chỉ còn ở mức 22.800 đồng/CP. Không chỉ giá trị bị mất đi khá lớn, lượng giao dịch khớp lệnh cũng giảm đáng kể xuống còn vài trăm ngàn đơn vị mỗi phiên.

“Vỡ mộng” dự án Phước Kiển

Bên cạnh việc chuyển nhượng dự án Phước Kiển, còn các thông tin hỗ trợ góp phần đẩy giá cổ phiếu QCG lên cao trong thời gian qua, đó là QCGL dự chi tạm ứng cổ tức 8,6% bằng tiền mặt lần đầu tiên kể từ năm 2011 và một nhà đầu tư có tiếng tại thị trường Việt Nam là ông Lê Quốc Hưng bất ngờ trở thành cổ đông lớn của công ty. Ông Hưng cùng vợ nắm giữ hơn 14 triệu cổ phiếu QCG, tương ứng 5,11%.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, dự án Phước Kiển vẫn là điểm tựa cho cổ đông lẫn nhà đầu tư và đến nay QCGL vẫn chưa quyết bán đứt hay hợp tác đầu tư. Điều này có nghĩa các khoản vay và giá trị hàng tồn kho địa ốc của công ty vẫn chưa có lời giải.

Trong quá trình đàm phán chuyển nhượng dự án Phước Kiển, tại ĐHCĐ mới đây, bà Nguyễn Thị Như Loan chia sẻ, đối tác Sunny Island buộc QCGL cam kết những điều khoản rất ngặt nghèo nên công ty vẫn chưa đặt bút ký. Một trong số điều khoản đó là đến tháng 10/2017, QCGL phải hoàn tất công tác giải phóng mặt bằng, nếu không sẽ bị phạt 25 triệu USD.

Được biết, đến tháng 7-2017, tỷ lệ giải tỏa tại dự án Phước Kiển mới đạt 92%, vẫn còn 8% là đất bờ đê và đất người dân lấn chiếm cất nhà từ trước rất khó giải tỏa. Trường hợp không ký bán 100% dự án Phước Kiển, QCGL cũng rất khó thu xếp khoản tài chính hơn 1.100 tỷ đồng để trả cọc cho đối tác trong tình hình tài chính hiện tại.

Kế hoạch năm 2017, QCGL đặt mục tiêu doanh thu 2.500 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 720 tỷ đồng. Một điều đáng lưu ý là 5 năm trở lại đây, chưa có năm nào QCGL đạt được kế hoạch kinh doanh do chính HĐQT đề ra.

Đơn cử như năm 2016, ban lãnh đạo đặt mục tiêu lợi nhuận 100 tỷ đồng nhưng kết thúc năm con số này chỉ dừng lại ở mức khiêm tốn, 44 tỷ đồng. Trong khi đó, kết quả kinh doanh quý 1/2017 của công ty Cường “Đô la” cũng không mấy khởi sắc khi doanh thu đạt 270 tỷ đồng và lợi nhuận vỏn vẹn 2,4 tỷ đồng.

Theo infonet

Có thể bạn quan tâm

Giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, giải ngân vốn đầu tư công tại Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương

Giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, giải ngân vốn đầu tư công tại Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương

(GLO)- Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo số 92/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang tại buổi làm việc với 3 địa phương (Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương) về tình hình, giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, giải ngân vốn đầu tư công, xây dựng hạ tầng, xuất nhập khẩu.
Gia Lai: Đề xuất kiểm tra việc triển khai thực hiện hóa đơn điện tử bán lẻ xăng dầu

Gia Lai: Đề xuất kiểm tra việc triển khai thực hiện hóa đơn điện tử bán lẻ xăng dầu

(GLO)-Chiều 14-3, Cục Thuế tỉnh Gia Lai, Sở Công Thương, Sở Khoa học và Công nghệ, Cục Quản lý thị trường đã họp bàn, thống nhất các nội dung đề xuất thành lập Đoàn liên ngành kiểm tra doanh nghiệp, cửa hàng bán lẻ xăng dầu về việc triển khai thực hiện hóa đơn điện tử.