Bỗng dưng thành "con nợ"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Không dính đến công ty tài chính qua bất kỳ hình thức vay nào, nhưng nhiều người bỗng dưng bị liên lụy vô cớ khi nhân viên của những công ty này liên tục “dội bom” điện thoại nhờ nhắn nợ giùm…

Bị nhắn nợ với tần suất 30 lần/ngày!

Là nạn nhân trong vụ nhắn nợ của một người quen, chị Nguyễn Thị Hồng M. (nhà ở phường Thống Nhất-TP. Pleiku) liên tục bị những nhân viên bộ phận nhắc nợ của Công ty Tài chính FE Credit gọi điện thoại “khủng bố” 6-7 tháng nay với lý do “người quen của chị không nghe máy buộc lòng tôi phải gọi cho chị và nhờ chị nhắn lại với người này đến thanh toán nợ”. Chị Nguyễn Thị Hồng M. cho hay: “Mấy lần đầu tôi thấy việc này cũng bình thường, họ nhờ nên tôi vẫn tìm cách gọi điện cho người vay nhưng không tài nào liên lạc được và tôi cũng đã báo lại tình hình cho bên công ty tài chính. Tưởng là được yên, song càng về sau tần suất gọi điện ngày một dày lên, có ngày 10 cuộc, có ngày cả 30 cuộc gọi, bất kể sáng, trưa, chiều, tối, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến công việc và cả sinh hoạt. Có người gọi điện nói còn nghe lọt lỗ tai, chứ có người nói năng rất hầm hồ như là tôi nợ họ. Lần nào gọi họ cũng nhai đi nhai lại cái kiểu nhắn nợ ấy khiến tôi không chịu nổi, trong khi trước lúc cho người đó vay họ không hề gọi điện thẩm tra xem tôi có đồng ý lấy số điện thoại của mình làm số tham chiếu vào hồ sơ của người vay hay không”.

 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Quá ngán ngẩm khi phải tiếp chuyện với những người xưng là nhân viên nhắc nợ của công ty tài chính, chị M. cho biết, khi thấy số điện thoại từ công ty này chị không nghe máy nữa, nhưng các nhân viên cũng không tha, họ tiếp tục lấy số khác gọi vào máy chị. “Khi tôi thẳng thắn yêu cầu không được gọi cho tôi nữa, thì họ lại buông lời xúc phạm, thậm chí còn hăm dọa là sẽ tiếp tục gọi cho đến khi nào tôi liên lạc được với người vay mới thôi”-chị Nguyễn Thị Hồng M. bức xúc nói.

Trường hợp bị “dội bom” điện thoại như vậy không phải là hiếm. Anh Nguyễn Trung H. (nhà ở phường Hoa Lư-TP. Pleiku) cho biết: Có lần, một số điện thoại lạ gọi vào máy anh và hỏi nhanh rằng anh có phải là người thân quen của chị L. không. Khi anh trả lời là phải, người này liền cúp máy. Lúc đó anh H. cũng không hề biết họ gọi hỏi vậy để làm gì. Cho đến mấy tháng sau, anh H. bất đắc dĩ trở thành nạn nhân của kiểu đòi nợ phản cảm của một công ty tài chính. “Nhiều lần nhân viên bên công ty tài chính gọi điện nhắn nợ, tôi đều trả lời dứt điểm là không thể liên lạc được với người này, nhưng rồi họ cứ gọi đi gọi lại rất nhiều lần. Mình không nợ nần gì bên công ty tài chính đó nhưng suốt ngày cứ bị làm phiền! Chặn số này họ lấy số khác gọi, cứ như kiểu “khủng bố” tinh thần. Không lẽ mình cũng phải đổi số?!”-anh H. nói.

Cấm kiểu đòi nợ phản cảm

Trao đổi với P.V, chị Nguyễn Thị Thu Hương-nhân viên tư vấn hỗ trợ trả góp của Công ty Tài chính HD SAISON, cho biết: Khi tham gia hình thức trả góp, ngoài các thủ tục theo yêu cầu, khách hàng cần cung cấp 2 số điện thoại (1 số của người trong gia đình và 1 số của người thân quen) để làm số tham chiếu lưu hồ sơ. Đối với những khoản vay dưới 6 triệu đồng thì công ty cam kết không gọi điện cho người thân nhắn nợ khi người vay không trả đúng hạn, còn trên 6 triệu đồng thì thực hiện nhắn nợ.

Hình thức hỗ trợ mua hàng trả góp đang rất phổ biến và có mặt ở hầu hết các cửa hàng điện thoại, điện máy, nội thất lớn nhỏ. Nhiều cửa hàng cho biết, hiện có khoảng 40-50% lượng khách mua hàng qua hình thức trả góp. Đáp ứng nhu cầu này, toàn tỉnh có trên 200 điểm giao dịch của các công ty tài chính đăng ký hoạt động. Việc phát triển hình thức mua hàng trả góp đã đáp ứng nhu cầu của người dân vì thủ tục đơn giản, nhanh chóng. Thông thường, một hồ sơ được xét duyệt trong khoảng thời gian chỉ 30 phút, mặt khác cho vay mua hàng trả góp là tín chấp nên hình thức này rất rủi ro trong thu hồi nợ vay. Vì vậy, ngoài việc áp dụng lãi suất cao, để thu hồi nợ, biện pháp quản lý tiền vay của các công ty tài chính là tạo sức ép đối với các “khổ chủ” có số điện thoại tham chiếu.

Nhằm ngăn chặn các hành vi đòi nợ phản cảm, trong Thông tư 43/2016/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về cho vay tiêu dùng của công ty tài chính có một số nội dung yêu cầu biện pháp đôn đốc, thu hồi nợ phải phù hợp với đặc thù của khách hàng và quy định của pháp luật. Trong đó, thời gian nhắc nợ do các bên thỏa thuận trong hợp đồng, nhưng phải trong khoảng thời gian từ 7 giờ đến 21 giờ và không bao gồm biện pháp đe dọa đối với khách hàng. Quy định này có hiệu lực từ ngày 15-3-2017, song trên thực tế kiểu đòi nợ của một số công ty tài chính vẫn khiến nhiều người vô cùng bức xúc.

Thảo Nguyên

Có thể bạn quan tâm