Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bắt đầu phát huy hiệu quả

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Tình hình xuất nhập khẩu thực tế của Việt Nam trong những tháng đầu năm 2017 cho thấy những quyết sách hỗ trợ doanh nghiệp (DN) phát triển của Chính phủ đã bắt đầu phát huy hiệu quả nhất định.

Chia sẻ những dự báo về tình hình phát triển kinh tế trong thời gian tới với các DN TP. HCM ngày 24-5, TS. Lê Đăng Doanh cho biết, hiện nay, DN đang phải đối mặt với nhiều khó khăn. Một số thị trường truyền thống xuất khẩu của Việt Nam như Mỹ và châu Âu đang biến động khó lường.

 

 

Cụ thể, với thị trường Mỹ, do nước này đã rút khỏi TPP, các sản phẩm thế mạnh của Việt Nam khi xuất khẩu vào thị trường này vẫn chịu sự cạnh tranh khốc liệt từ sản phẩm cùng loại của các nước như Trung Quốc, Bangladesh, Ấn Độ, Campuchia...

Riêng với thị trường châu Âu (EU) rất khó kỳ vọng vào sự tăng trưởng mới, bởi nước Anh đã rời EU cũng như quá trình bầu cử lãnh đạo mới tại nhiều nước.

Hơn nữa, theo phán quyết mới nhất của Tòa án châu Âu ngày 16-5, các Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Liên minh châu Âu (EU) và các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam, sẽ chỉ được phê chuẩn và đi vào hiệu lực khi có sự đồng ý của quốc hội mỗi nước thuộc liên minh này.

Phán quyết này sẽ tác động đối với Việt Nam khi việc phê chuẩn FTA giữa EU và Việt Nam (EUVFTA) phải được quốc hội các nước thuộc liên minh EU thông qua. Điều đó dẫn đến việc khó xác định chính xác thời gian kết thúc quy trình phê duyệt này và khi nào hiệp định thương mại này có hiệu lực hiện vẫn tiếp tục là câu hỏi để ngỏ.

Tại thị trường nội địa, theo TS. Lê Đăng Doanh, tình hình sản xuất có tăng trưởng nhưng chưa bền vững do nợ công đang ở mức kịch trần. Bên cạnh đó, từ nay tới cuối năm, khả năng phải tăng giá điện để tăng đầu tư, giảm nguy cơ thiếu điện trong những năm tới và tăng giá thuế môi trường xăng dầu từ mức 3.000 đồng/lít lên 8.000 đồng/lít sẽ gây sức ép lạm phát cho nền kinh tế.

Phát triển DN phải theo chất lượng

Tuy nhiên, theo TS. Trần Du Lịch, căn cứ vào tình hình xuất nhập khẩu thực tế của Việt Nam trong những tháng đầu năm, những quyết sách hỗ trợ doanh nghiệp phát triển của Chính phủ đã bắt đầu phát huy những hiệu quả nhất định.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước trong 4 tháng đầu năm 2017 đạt gần 126 tỷ USD, tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm 2016, trong đó tổng kim ngạch nhập khẩu đạt gần 64 tỷ USD. Mặc dù nhìn vào cán cân thương mại thì Việt Nam đang nhập siêu nhưng mặt hàng nhập siêu đa phần là nguyên liệu sản xuất. Điều này cho thấy, hoạt động sản xuất trong nước đang có những bước phục hồi mạnh.

Theo TS. Trần Du Lịch, để duy trì đà tăng trưởng kinh tế trong nước như mục tiêu đề ra, Chính phủ cần phải duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và tránh biến động tỉ giá. Đặc biệt, cần phải tăng tốc “giải quyết” bài toán nợ xấu tồn tại từ năm 2012, bởi hiện nay, vốn cho vay chưa giảm lãi suất là do nguyên nhân này. Do đó, Chính phủ  nên cho phép hình thành nhiều công ty tư nhân tham gia vào hoạt động mua bán nợ xấu để đẩy nhanh tiến độ hình thành thị trường này.

Về Nghị quyết 35 của Chính phủ, TS. Lịch cho rằng, bên cạnh việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, giảm chi phí cho doanh nghiệp, các địa phương cần xây dựng hệ thống doanh nghiệp theo hướng chất lượng chứ không chạy theo số lượng. Không nhất thiết “đẩy” các hộ kinh doanh cá thể lên DN mà cần phải định hướng cho DN lựa chọn ngành nghề sản xuất, kinh doanh phù hợp.

Theo Chinhphu.vn

Có thể bạn quan tâm

Bình Định rộng cửa thu hút đầu tư

Bình Định rộng cửa thu hút đầu tư

Lãnh đạo tỉnh Bình Định cam kết địa phương không ngừng cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường đầu tư kinh doanh để trở thành điểm đến lý tưởng của các nhà đầu tư trong và ngoài nước