Hoàng Anh Gia Lai: Nợ gia tăng hơn 3.000 tỷ đồng, lỗ ròng hơn 1.400 tỷ đồng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Mặc dù hoạt động bán bò đã mang về cho Hoàng Anh Gia Lai hơn 3.500 tỷ đồng doanh thu thuần trong năm 2016, song việc tiếp tục thua lỗ trong quý IV đã đẩy lỗ ròng cả năm của tập đoàn bầu Đức lên 1.414,7 tỷ đồng. Vay ngắn hạn giảm nhưng tổng nợ ngắn hạn của Tập đoàn vẫn đang vượt tổng tài sản ngắn hạn trên 3.000 tỷ đồng.

Doanh thu bán bò của HAGL tăng mạnh trong năm 2016, song không thể cứu tập đoàn thoát lỗ.
Doanh thu bán bò của HAGL tăng mạnh trong năm 2016, song không thể cứu tập đoàn thoát lỗ.



Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL - mã HAG) hôm 13-2 vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý IV năm 2016 cho thấy: Mặc dù đạt kết quả khả quan hơn so với cùng kỳ năm trước, song trong quý IV năm 2016 vừa rồi, HAGL vẫn phải ngậm ngùi ghi nhận lỗ sau thuế 146,4 tỷ đồng. Trước đó, trong quý IV năm 2015, tập đoàn của bầu Đức lỗ sau thuế 740,2 tỷ đồng.

Quý IV năm 2016, HAGL cho thấy sự tăng trưởng về doanh thu thuần, đạt 1.543,1 tỷ đồng, tăng 47% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, giá vốn hàng bán đồng thời cũng tăng 25% nên lợi nhuận gộp của tập đoàn chỉ còn 235,9 tỷ đồng.

Mặc dù phần lãi trong công ty liên kết chỉ chưa tới 15 tỷ đồng nhưng đây đã là nỗ lực rất lớn bởi cùng kỳ năm trước đó, chỉ tiêu này mang giá trị âm. Doanh thu hoạt động tài chính giảm sút gần 16% còn 176,6 tỷ đồng.

Sau khi trừ chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp, tập đoàn ghi nhận mức lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh là 22,5 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ 289,5 tỷ đồng). Thêm vào đó, HAGL còn có khoản lỗ khác 184,5 tỷ đồng nên đã dẫn đến kết quả lỗ kế toán trước thuế 207 tỷ đồng. Dù vậy, so với khoản lỗ 706,3 tỷ đồng của quý IV năm 2015 thì khoản lỗ của quý IV/2016 đã được thu hẹp.

Việc tiếp tục thua lỗ trong quý IV năm 2016 đã đẩy kết quả lỗ kế toán trước thuế cả năm của HAGL lên tới 1.395 tỷ đồng (năm 2015 lãi 806 tỷ đồng) và lỗ sau thuế năm 2016 ở mức 1.414,7 tỷ đồng. Trong đó, lỗ ròng của công ty mẹ là 1.020 tỷ đồng và lỗ sau thuế của cổ đông không kiểm soát là 394,6 tỷ đồng.

Thuyết minh báo cáo tài chính cho thấy, phần đóng góp lớn nhất vào cơ cấu doanh thu của HAGL năm qua là doanh thu bán bò. Theo đó, doanh thu bán bò chiếm đến gần 55% tổng doanh thu thuần năm 2016 của HAGL, với con số 3.536,8 tỷ đồng.

Trong năm 2016, HAGL phải gánh 1.690,6 tỷ đồng chi phí tài chính (tăng hơn 40% so với năm 2015), trong đó, chi phí lãi vay ở mức 1.557,1 tỷ đồng (tăng hơn 44%). Tương ứng, cứ mỗi 1 ngày trôi qua, HAGL phải trả khoảng 4,7 tỷ đồng chi phí tài chính (riêng chi phí lãi vay là 4,3 tỷ đồng mỗi ngày).

Theo số liệu tại bảng cân đối kế toán, đến thời điểm 31/12/2016, nợ phải trả của HAGL đã lên tới 36.103 tỷ đồng (tăng hơn 3.100 tỷ đồng so với đầu năm). Trong đó, nợ ngắn hạn là 13.883,3 tỷ đồng, vượt quá giá trị tài sản ngắn hạn là 10.599,9 tỷ đồng. Tài sản ngắn hạn của tập đoàn giảm hơn 2.600 tỷ trong năm 2016.

Điểm tích cực là tổng các khoản vay ngắn hạn của HAGL cuối 2016 ở mức 6.572,3 tỷ đồng, giảm gần 21% so với 1 năm trước đó, trong khi vay dài hạn tăng 10,6% lên gần 20.800 tỷ đồng.

Đáng chú ý, các khoản nợ vay ngắn hạn ngân hàng đã giảm một nửa so với cuối năm 2015. Trong đó, nợ ngắn hạn BIDV giảm gần 63% còn 707 tỷ đồng; nợ ngắn hạn Ngân hàng Liên doanh Lào Việt giảm 59% còn 350,2 tỷ đồng. Xuất hiện thêm khoản hơn 24 tỷ đồng nợ Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín.

Sáng nay, trên thị trường chứng khoán cổ phiếu HAG của HAGL tiếp tục tăng giá nhẹ, đạt mức thị giá 6.160 đồng mỗi cổ phiếu.

Theo Dantri

Có thể bạn quan tâm

Giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, giải ngân vốn đầu tư công tại Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương

Giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, giải ngân vốn đầu tư công tại Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương

(GLO)- Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo số 92/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang tại buổi làm việc với 3 địa phương (Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương) về tình hình, giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, giải ngân vốn đầu tư công, xây dựng hạ tầng, xuất nhập khẩu.
Gia Lai: Đề xuất kiểm tra việc triển khai thực hiện hóa đơn điện tử bán lẻ xăng dầu

Gia Lai: Đề xuất kiểm tra việc triển khai thực hiện hóa đơn điện tử bán lẻ xăng dầu

(GLO)-Chiều 14-3, Cục Thuế tỉnh Gia Lai, Sở Công Thương, Sở Khoa học và Công nghệ, Cục Quản lý thị trường đã họp bàn, thống nhất các nội dung đề xuất thành lập Đoàn liên ngành kiểm tra doanh nghiệp, cửa hàng bán lẻ xăng dầu về việc triển khai thực hiện hóa đơn điện tử.