Hội doanh nghiệp-Cầu nối phát triển kinh tế

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tại Hội nghị trực tuyến triển khai các nghị quyết kỳ họp thứ hai HĐND tỉnh khóa XI về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2017, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành chỉ đạo, trong quý I-2017, các huyện, thị xã, thành phố phải thành lập các hội doanh nghiệp địa phương. Đây là xu hướng chung đã được triển khai ở rất nhiều địa phương trên cả nước. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh chỉ mới có 2 địa phương thành lập hội doanh nghiệp là Đak Đoa và An Khê.
 

Chè Bàu Cạn vào vụ thu hoạch.     Ảnh: H.D
Chè Bàu Cạn vào vụ thu hoạch. Ảnh: H.D

Ông Lê Viết Phẩm-Chủ tịch UBND huyện Đak Đoa cho biết, Hội Doanh nghiệp huyện Đak Đoa được thành lập lại vào tháng 10-2016. Đây là tổ chức xã hội nghề nghiệp của các doanh nhân-doanh nghiệp thuộc các ngành, lĩnh vực kinh tế trên địa bàn huyện, được Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh tổ chức thành lập theo quy định của Điều lệ Hiệp hội và sự cho phép của UBND huyện. Được biết, trong những năm qua, Hội đã có những đóng góp quan trọng trong việc kết nối các đơn vị, doanh nghiệp đẩy mạnh kinh doanh thương mại và dịch vụ, đồng thời góp phần phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn huyện.

Đa phần doanh nghiệp trên địa bàn huyện Đak Đoa thuộc diện vừa và nhỏ, hoạt động riêng lẻ nên sức cạnh tranh chưa cao. Tình hình đó đòi hỏi các doanh nghiệp phải đoàn kết thống nhất, có tiếng nói chung để tương trợ lẫn nhau, tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Vì vậy, việc thành lập Hội Doanh nghiệp huyện là phù hợp với yêu cầu tất yếu của quá trình phát triển và cũng là xu thế chung của xã hội. Đặc biệt, trong xu thế hội nhập toàn cầu, khi sự liên kết hợp tác đang ngày càng được củng cố để gia tăng sức mạnh trong phát triển kinh tế-xã hội thì vai trò của Hội càng được khẳng định. Hiện Hội Doanh nghiệp huyện Đak Đoa đã thu hút được 29 doanh nghiệp tham gia với nhiều ngành nghề sản xuất, kinh doanh khác nhau. Hội đóng vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền các chính sách và pháp luật của Nhà nước, triển khai các chương trình, kế hoạch của UBND huyện về xây dựng và phát triển kinh tế đến các doanh nghiệp trên địa bàn.

Thành lập hội doanh nghiệp tại địa phương, ngoài mục đích giúp các doanh nghiệp đoàn kết, tương trợ, cùng nhau phát triển thì đây cũng là kênh nhanh nhất để tỉnh có thể nắm bắt tâm tư, nguyện vọng cũng như khó khăn, vướng mắc mà doanh nghiệp gặp phải trong quá trình hoạt động nhằm kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ. Song tới nay, toàn tỉnh chỉ mới có 2 địa phương thành lập hội doanh nghiệp là huyện Đak Đoa và thị xã An Khê. Nhiều doanh nghiệp cho biết, trong quá trình hoạt động đã gặp nhiều vấn đề liên quan tới chính sách, chủ trương mà nếu không thông qua các tổ chức như hội doanh nghiệp hay Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh thì khó đề xuất, kiến nghị lên các ngành, các cấp có liên quan.  

Thời gian qua, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh hoạt động rất hiệu quả. Nhiều kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp đã được Hiệp hội kiến nghị lên UBND tỉnh như giảm tỷ lệ phần trăm đơn giá thuê đất từ 2% xuống 1%; bãi bỏ phí tiết kiệm trong đấu thầu, chỉ định thầu, giúp doanh nghiệp giảm nhiều chi phí. Trong giai đoạn 2010-2013, lãi suất và điều kiện tiếp cận vốn vay ngân hàng là vấn đề “nước sôi lửa bỏng” của doanh nghiệp, Hiệp hội đã cùng Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh Gia Lai phối hợp chặt chẽ, tập trung triển khai chương trình “Kết nối ngân hàng với doanh nghiệp”, khơi thông dòng vốn giúp các doanh nghiệp đưa vào sản xuất-kinh doanh. Hiệp hội cũng thường xuyên tiếp nhận rất nhiều đề nghị trợ giúp tháo gỡ vướng mắc trong sản xuất-kinh doanh của doanh nghiệp. Những đề nghị này đều được Hiệp hội xem xét, làm việc với các cơ quan nhà nước liên quan và trả lời kết quả sớm nhất cho doanh nghiệp...

 

Bà Nguyễn Thị Sen-Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh cho biết: “Là tổ chức đại diện của doanh nghiệp trong toàn tỉnh, vì vậy, công tác bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng và hỗ trợ doanh nghiệp là hoạt động ưu tiên hàng đầu của Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh”.

Điều đó cho thấy sự cần thiết của việc thành lập các tổ chức đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp. Bởi vậy, để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành đã chỉ đạo, trong quý I-2017, các huyện, thị xã, thành phố phải thành lập hội doanh nghiệp địa phương và thường xuyên theo dõi tình hình phát triển doanh nghiệp, tổ chức đối thoại định kỳ với cộng đồng doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển.

Hà Duy

Có thể bạn quan tâm

Bình Định rộng cửa thu hút đầu tư

Bình Định rộng cửa thu hút đầu tư

Lãnh đạo tỉnh Bình Định cam kết địa phương không ngừng cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường đầu tư kinh doanh để trở thành điểm đến lý tưởng của các nhà đầu tư trong và ngoài nước