Duyên nghiệp với nghề cạo mủ cao su

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những người thợ cạo mủ thường truyền tai một câu rằng “Con phu thì lại làm phu, con thợ cạo mủ lại như cha mình”. Thế nhưng, giờ đây với những công nhân cạo mủ cao su tại Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Prông, nghề này không chỉ mang lại cho họ một cuộc sống ấm no mà hơn hết đó là duyên nghiệp và trong họ luôn dành một tình yêu lớn cho nghề…

Duyên nghiệp
 

  Thu hoạch mủ cao su. Ảnh: L.A
Thu hoạch mủ cao su. Ảnh: L.A

Chư Prông những ngày cuối năm. Về đêm trời lạnh căm, cái lạnh như thấm sâu vào da thịt. Thế nhưng, mới 3 giờ sáng, anh Rơ Lan Bin đã phải lục đục thức dậy để chuẩn bị cho ngày làm việc mới của mình. Hành trang của những công nhân đi cạo mủ cao su ngoài con dao cạo, đèn pin, xô đựng mủ, ít nhang muỗi thì còn có thêm lọ dầu để phòng gió lạnh về đêm. Trước lúc xuất phát, anh Bin bảo: “Vào mùa khô rồi, nên phải đi sớm để làm cho kịp thời gian và đúng với quy trình kỹ thuật cạo mủ mới đạt năng suất…”.  

Trong màn đêm tĩnh mịch, bám theo anh Bin lòng vòng qua những con đường đất chừng 20 phút, chúng tôi đến được vườn cây mà anh được giao khoán. Dù mới hơn 3 giờ sáng nhưng các vườn cao su của Nông trường Hòa Bình, Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Prông đã lấp lánh ánh đèn pin. Những ánh sáng lúc mờ, lúc tỏ lập lòe dưới tán rừng cao su đang chìm đắm trong màn đêm. Trước khung cảnh này, tôi cứ mường tượng như mình đang lọt vào một khu rừng đom đóm. Trong ánh sáng mờ ảo ấy, lưỡi dao cạo nhỏ xíu trong bàn tay chai sần của người thợ cạo cứ uốn lượn quanh thân cây thành một đường vòng xoắn ốc, tách đi từng sợi vỏ thanh mảnh, đều đặn vừa đủ để không chạm vào thịt cây.

Vừa thực hiện những thao tác thuần thục, anh Bin vừa nói về duyên nghiệp của anh với nghề. Hơn 30 tuổi anh mới vào làm công nhân của Công ty và anh luôn tâm niệm rằng, nghề này đến với anh như một mối lương duyên. Chẳng là trước đó, anh Bin cũng kinh qua đủ thứ nghề, từ làm nông nghiệp, rồi phụ hồ… cứ ai gọi gì làm đó, miễn là có tiền lo cho cuộc mưu sinh. Thế nhưng, công việc lúc có, lúc không mà cuộc sống thì còn bao nhiêu thứ phải lo toan. Năm 2013, trước chính sách tuyển dụng công nhân người dân tộc thiểu số của Công ty, anh Bin cũng mạnh dạn nộp hồ sơ xin việc làm. Bước chân vào nghề, nhiều người cho rằng anh đã chọn sai đường, ai đời lại xin vào làm công nhân trong khi giá mủ cao su đang lao dốc không phanh. Nghe thì cũng có lý, nhưng anh vẫn quyết tâm: “Thu nhập của công nhân hiện giờ không cao, nhưng có một công việc ổn định và phù hợp với mình thì phải cố gắng làm cho thật tốt. Có lẽ, nghề này đã chọn mình…”-anh Bin tâm sự. Dù mới vào nghề được 3 năm, nhưng trong lúc cạo mủ, anh giải thích cho tôi nghe rất cặn kẻ về chuyện kỹ thuật nào là cạo sâu cách lớp tượng tầng từ 1 đến 1,3 mm để cho mủ tốt; cạo cách lớp tượng tầng hơn 1,3 mm là cạo cạn, ít mủ; cạo sâu cách tượng tầng dưới 1 mm là cạo sát, cạo chạm gỗ là cạo phạm. Cạo sát, cạo phạm dễ làm khô miệng cạo và khó tái sinh vỏ. Tùy theo thời tiết trong năm, mùa khô cạo càng sớm càng tốt, mùa mưa khi cây khô ráo mới bắt đầu cạo... Nghe anh nói, tôi cứ ngỡ anh đã gắn bó với cây cao su từ lâu lắm rồi.

Trời vừa hửng sáng cũng là lúc các công nhân bắt đầu chuẩn bị công đoạn thu gom mủ. Trong số những công nhân đang tất bật với công việc tại Nông trường Hòa Bình, chúng tôi có cuộc trò chuyện với chị Trần Thị Hoa để hiểu thêm mối lương duyên của chị với nghề. Cơ duyên của chị Hoa với nghề này đến vào năm 2008, khi ấy gia đình chị đang ở tận Nam Định và cũng sống bằng nghề nông. Thế nhưng, năm đó do thời tiết miền Bắc quá lạnh, khiến toàn bộ diện tích lúa của gia đình chị vừa mới gieo sạ bị chết sạch. Ngẫm cuộc sống cứ tiếp tục như vậy thì biết khi nào mới khá được, thế là hai vợ chồng chị nhờ người quen xin việc rồi dắt nhau vào mảnh đất biên cương Chư Prông lập nghiệp. Sau lớp đào tạo kỹ thuật cạo mủ cao su gần 1 tháng, chị gắn bó với nghề này từ đó. Đến nay, đã gần 10 năm làm nghề, cuộc sống gia đình chị giờ đã ổn định hơn: “Tôi vẫn thầm cảm ơn cơ duyên đã đưa tôi đến với nghề này, dù có vất vả, nhưng cuộc sống đã không còn cảnh thiếu trước hụt sau…”. Chị còn khoe rằng, nhờ nghề này mà giờ gia đình chị cũng đã mua được đất để trồng 800 trụ hồ tiêu.

Trong số 1.470 công nhân cạo mủ của Công ty, mỗi người đến với nghề theo một cách khác nhau, nhưng qua tiếp xúc thì hầu hết họ đều nghĩ rằng việc gắn bó với Công ty, với cây cao su như là một mối lương duyên và đây là cái nghiệp gắn liền với cuộc đời mình.

Không yêu khó giữ được nghề

 

Ảnh: L.A
Ảnh: L.A

Làm công nhân cạo mủ cao su, dù ở thời điểm nào thì đây vẫn được xem là một nghề lắm nỗi nhọc nhằn. Để hoàn thành tốt công việc, người công nhân phải biết vượt qua khó khăn và những nỗi sợ vô hình của bản thân, mà ở đó nếu không có tình yêu nghề thì khó có thể gắn bó được với nghề.

 Anh Bùi Xuân Thành-công nhân Nông trường Thống Nhất đã có thâm niên hơn 10 năm làm công nhân cạo mủ cao su. Chừng đó thời gian đủ để anh nghiệm ra những khó khăn nhọc nhằn của công việc: “Nghề cạo mủ thì phần lớn thời gian phải sống về đêm, với những người có gia đình rồi thì nỗi vất vả nhân lên gấp bội, nhất là việc chăm sóc con cái. Do hai vợ chồng tôi đều là công nhân, nên từ khi các cháu còn nhỏ đã phải gửi ông bà, khi lớn lên thì đứa lớn chăm đứa bé. Nhiều khi bước chân đi làm cũng thấy không yên tâm, nhưng vì công việc, vì tình yêu với nghề đành phải gác lại mọi sự lo lắng…”-anh Thành chia sẻ. Cùng chung nỗi niềm ấy, chị Trần Thị Hoa-công nhân Nông trường Hòa Bình cho hay đã gần 10 năm nay số lần gia đình chị được đoàn viên cũng chẳng được là bao. “Do đặc thù công việc nên hai vợ chồng phải gửi con lại ở quê (tỉnh Nam Định) nhờ ông bà chăm, nhiều khi nhớ con da diết, nhưng biết làm sao được. Mỗi năm, vợ chồng tôi chỉ về quê một vài lần để thăm con rồi quay trở vào. Cũng có nhiều lúc muốn từ bỏ để trở về quê chăm sóc con cái, nhưng không đành lòng vì nghề này như đã ăn sâu vào máu thịt của tôi và cũng nhờ nó mà cuộc sống gia đình mới được như ngày hôm nay…”. Nói đến đây, đôi mắt của chị Hoa như ngấn lệ.

 Ngoài những ưu tư được giấu kín trong lòng, với nghề cạo mủ cao su, các công nhân còn phải gồng mình giấu đi nỗi sợ hãi khi phải làm việc trong đêm. Nào là vấn đề an ninh-trật tự, rồi trong quá trình lao động gặp những hiểm họa như: rắn, rết, bò cạp... chực chờ. Vất vả là vậy, nhưng với họ, đã chọn nghề này thì phải có một tình yêu lớn lao, khi đó mới chấp nhận được cuộc sống quanh năm suốt tháng gắn liền với những lô cao su, chỉ đến khi cao su vào mùa rụng lá thì lúc đó họ mới có được những giây phút thảnh thơi.

Thấu hiểu được những vất vả, khó khăn của công nhân cạo mủ, lãnh đạo Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Prông luôn quan tâm và đặt quyền lợi của công nhân lên hàng đầu. Tuy giá mủ cao su trên thị trường không thuận lợi, nhưng để công nhân yên tâm lao động, Công ty đã triển khai nhiều giải pháp với tinh thần tất cả vì người lao động, dù khó khăn đến mấy cũng đảm bảo mọi chế độ, lương, thưởng đúng thời hạn cho người lao động với mức bình quân 4 triệu đồng/người/tháng. Công ty cũng rà soát những công nhân có thu nhập từ hộ kinh tế gia đình, nếu chưa ổn định sẽ tạo điều kiện để công nhân nhận khoán ở những vườn cây tái canh để trồng xen canh các loại cây trồng nhằm tăng thu nhập, ổn định đời sống; đảm bảo duy trì các chế độ, thăm hỏi, tặng quà cho người lao động những dịp lễ, Tết… Chính nhờ làm tốt các mặt công tác, nên những năm qua, dù đời sống có nhiều thay đổi khi giá mủ cao su xuống thấp, nhưng công nhân của Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Prông luôn quyết tâm gắn bó và đồng hành cùng với Công ty vượt qua mọi khó khăn.

 Lê Anh

Có thể bạn quan tâm