Cơ giới hóa để phát triển vùng nguyên liệu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Với mục tiêu giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất và chất lượng mía, cải thiện thu nhập cho nông dân trong tình hình biến đổi khí hậu ngày càng khó lường, Công ty TNHH một thành viên Thành Thành Công Gia Lai (TTCS Gia Lai) đã đầu tư đồng bộ hệ thống trang-thiết bị cơ giới hóa từ khâu trồng, chăm sóc, bón phân đến thu hoạch mía. Đây là một trong những giải pháp thiết thực cho vùng nguyên liệu mía khu vực Đông Nam tỉnh.

Đầu tư để cơ giới hóa

 

Đưa cơ giới vào phục vụ sản xuất.                                                                                                                                            Ảnh: N.D
Đưa cơ giới vào phục vụ sản xuất. Ảnh: N.D

Theo số liệu thống kê, diện tích mía đầu tư trên vùng nguyên liệu của TTCS Gia Lai trong các năm qua tăng lũy tiến, đáp ứng công suất ép 6.000 tấn mía/ngày. Tuy nhiên, về khách quan, mặt bằng năng suất mía những năm qua thấp và có xu hướng giảm. Trước thực tế đó, Công ty đã áp dụng nhiều chính sách khuyến nông, hỗ trợ không hoàn lại trên 15 tỷ đồng để khuyến khích các hộ trồng mía áp dụng cơ giới hóa, tưới mía và cải tạo đất. Mặc dù vậy, năng suất mía bình quân toàn vùng vụ mùa 2016-2017 chỉ đạt khoảng 60 tấn/ha.

Nghịch lý trên xuất phát từ thực trạng biến đổi khí hậu, đặc biệt là tình trạng nắng hạn gay gắt kéo dài 4 năm qua dẫn đến nhiều hệ lụy như mía khô héo, tái sinh kém sau thu hoạch, nhiễm sâu bệnh… Bên cạnh đó, người trồng mía chưa chú trọng chất lượng khâu làm đất, đặc biệt là tưới mía trong thời điểm mùa khô và tình trạng mía trắng lá chưa được xử lý triệt để.

Để tiết giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng suất và chất lượng mía nguyên liệu, TTCS Gia Lai khuyến khích các hộ trồng mía áp dụng cơ giới hóa theo hướng đồng bộ. Trong niên vụ 2015-2016, toàn vùng nguyên liệu đã trồng mới được 3.400 ha. Một trong những nét nổi bật là toàn bộ diện tích này đã được cơ giới hóa khâu làm đất. Trong đó, diện tích làm đất đúng kỹ thuật yêu cầu sử dụng máy cày sâu là 1.800 ha; trồng và chăm sóc bằng máy khoảng 800 ha để thực hiện thu hoạch bằng máy trong thời gian tới.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc cơ giới hóa, Công ty đã phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện việc hợp thửa, phá bờ lô tạo thành những cánh đồng lớn chuyên canh mía. Hiện nay, Công ty đầu tư gần 100 ha trên các mô hình cánh đồng lớn với 8 điểm, diện tích mỗi điểm từ 5 ha trở lên. Theo đánh giá của bà con nông dân, năng suất thực thu trên những cánh đồng lớn áp dụng cơ giới hóa đồng bộ đạt cao hơn những diện tích không cơ giới hóa 20-30 tấn/ha. Các mô hình cánh đồng mía lớn ở 4 xã năm nay đạt năng suất 80-100 tấn/ha.

Đầu tháng 10-2016, Công ty đã đầu tư bổ sung dàn máy kéo công suất lớn được nhập từ Thái Lan và các dàn canh tác hiện đại trị giá khoảng 20 tỷ đồng, đồng thời đầu tư khoảng 30 tỷ đồng hỗ trợ các hộ trồng mía mua máy móc, với mục tiêu 50% diện tích vùng nguyên liệu sẽ được cơ giới hóa đồng bộ trong vòng 2 năm tới. Đây là bước đột phá lớn để tăng năng suất mía vùng nguyên liệu, góp phần ổn định diện tích canh tác và nâng cao thu nhập của người trồng mía.

Hiệu quả bước đầu

 

Nông dân tham quan cánh đồng mía lớn.                                             Ảnh: N.D
Nông dân tham quan cánh đồng mía lớn. Ảnh: N.D

Hiện việc kiểm soát cỏ thường mang tính chất đối phó bằng phương pháp thủ công hoặc lạm dụng hóa chất (thuốc diệt cỏ). Khi áp dụng cơ giới đồng bộ, việc kiểm soát sẽ được tiến hành dựa trên việc kết hợp cơ giới và hóa học, giúp tăng năng suất mía 15-20% và cắt giảm 50% chi phí hóa chất, hạn chế những tác động tiêu cực đến cây trồng và môi trường. Bên cạnh đó, việc sử dụng máy móc để làm đất, xử lý cỏ dại, bón phân… cũng giúp tiết giảm sức lao động, tiết kiệm chi phí thuê nhân công. Theo đó, cây mía xuống giống kịp thời vụ và phát triển tốt hơn. Việc thu hoạch bằng máy giúp cắt sát gốc mía, tạo điều kiện để mía tái sinh tốt, giảm chi phí xén gốc sau thu hoạch tối thiểu 1 triệu đồng/ha, sử dụng ít công lao động, mía thu hoạch được vận chuyển kịp thời, đảm bảo mía tươi, chất lượng cao hơn. Ngoài ra, việc thu hoạch mía bằng máy đã để lại cho đồng ruộng một lượng lớn phân hữu cơ từ lá mía, giúp nông dân tiết kiệm tối thiểu trên 3 triệu đồng/ha tiền băm lá mía để cày vùi, cải tạo đất...
 

Trong thời gian sắp tới, Công ty tiếp tục đầu tư và hỗ trợ kinh phí để áp dụng cơ giới hóa trên diện tích trồng mới khoảng 5.000 ha. Trong đó, Công ty hỗ trợ 2 triệu đồng/ha cho diện tích đất cày ngầm với khoảng 1.500 ha, 500.000 đồng/ha cho diện tích cày sâu với khoảng 2.000 ha, trồng chăm sóc và thu hoạch mía bằng cơ giới khoảng 1.200 ha. Cùng với đó, Công ty hỗ trợ 3 triệu-5 triệu đồng/ha cho hình thức tưới béc quay cố định tiết kiệm chi phí đầu tư và đem lại hiệu quả cao… Việc kết hợp cơ giới hóa đặc biệt là cày ngầm và tưới béc có thể giúp cho năng suất cây mía tăng 20-30 tấn/ha

Bà Vũ Thị Lan-quyền Giám đốc Nguyên liệu TTCS Gia Lai

Trên các cánh đồng mía lớn tại Tây Ninh (thuộc các công ty ngành đường của Tập đoàn Thành Thành Công), việc ứng dụng cơ giới hóa trong canh tác mía đã đạt được nhiều kết quả tích cực; tiêu biểu là việc máy cày có thể cày sâu tới 0,8 mét, gấp 3 lần kỹ thuật truyền thống; không lật các tầng đất mà để tạo rãnh trữ nước chống hạn hoặc thoát nước. Trồng mía bằng máy cắt khúc, tăng được số mầm hữu hiệu trên đơn vị diện tích. Thu hoạch bằng máy chặt sát gốc, băm lá mía 8-15 tấn/ha giữ ẩm và cải tạo đất. Với việc cơ giới hóa đồng bộ, năng suất niên vụ 2015-2016 tăng 35%, giá thành giảm 20% so với niên vụ trước.

Theo ông Trần Đình Dũng (thôn Đoàn Kết, xã Chư Răng, huyện Ia Pa), gia đình ông có 60 ha mía áp dụng cơ giới hóa từ 4 năm nay. Để thực hiện mô hình này, ông được TTCS Gia Lai tạo điều kiện tham quan học tập tại các đơn vị sản xuất mía đường của Tập đoàn Thành Thành Công. Bên cạnh đó, Công ty cũng hỗ trợ ông và các gia đình trong thôn vay vốn theo chính sách của Nhà nước (hỗ trợ 100% lãi suất 2 năm đầu và 50% lãi suất năm thứ 3) để mua thiết bị canh tác từ khâu làm đất đến thu hoạch, hiện tại cơ giới hóa được khoảng 90% diện tích. Việc cơ giới hóa mang lại nhiều hiệu quả, không phải lo thiếu công. Hiện tại, ông còn tham gia đội dịch vụ của Công ty để cày, bừa, bón phân và thu hoạch cho các hộ trồng mía trên toàn vùng nguyên liệu.

Bà Vũ Thị Lan-quyền Giám đốc Nguyên liệu TTCS Gia Lai cho biết: Xác định cơ giới hóa là một trong những giải pháp căn cơ nhằm nâng cao năng suất và chất lượng mía, những năm qua, Công ty không ngừng đầu tư máy móc thiết bị cho các hộ nông dân. “Chúng tôi tập trung áp dụng cơ giới hóa đồng bộ cho các mô hình liên kết trồng mía tạo cánh đồng mẫu lớn trên vùng đất lúa 1 vụ của các hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại vùng 4 xã Đông sông Ba. Đây là kết quả của sự đồng hành giữa Nhà nước, chính quyền địa phương, doanh nghiệp và người dân để góp phần giảm nghèo, vươn lên làm giàu. Các mô hình là địa chỉ tham quan, học hỏi, là niềm tin, sự kỳ vọng mới của hơn 4.000 hộ dân trồng mía tại địa phương”.

Để đạt được hiện quả cao trong việc áp dụng cơ giới hóa, Công ty đã nhận được sự hỗ trợ của các cấp chính quyền địa phương. Với kết quả bước đầu từ các mô hình cánh đồng mẫu lớn đã triển khai, Công ty sẽ tiếp tục nhân rộng trên toàn vùng nguyên liệu, góp phần giúp người dân vượt qua các khó khăn hiện tại, theo đúng phương châm “Trách nhiệm của chúng ta là làm giàu cho người nông dân”.

Nguyễn Diệp

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai: Đề xuất kiểm tra việc triển khai thực hiện hóa đơn điện tử bán lẻ xăng dầu

Gia Lai: Đề xuất kiểm tra việc triển khai thực hiện hóa đơn điện tử bán lẻ xăng dầu

(GLO)-Chiều 14-3, Cục Thuế tỉnh Gia Lai, Sở Công Thương, Sở Khoa học và Công nghệ, Cục Quản lý thị trường đã họp bàn, thống nhất các nội dung đề xuất thành lập Đoàn liên ngành kiểm tra doanh nghiệp, cửa hàng bán lẻ xăng dầu về việc triển khai thực hiện hóa đơn điện tử.