Sát cánh cùng người lao động để vượt khó

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Dù đang gặp muôn vàn khó khăn trong sản xuất, kinh doanh khi giá mủ cao su trên thị trường đang xuống thấp, song trong thời gian qua, Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Prông vẫn luôn kề vai sát cánh, chăm lo đời sống của người lao động để họ yên tâm sản xuất, cùng Công ty vượt qua giai đoạn khó khăn này…

Tất cả vì người lao động

Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Prông (Công ty) hiện đang quản lý 9.000 ha cao su tại huyện Chư Prông và 3.500 ha cao su trồng tại Vương quốc Campuchia, cùng 122,9 ha cà phê. Hệ thống tổ chức của Công ty hiện có 7 nông trường, 3 xí nghiệp, 34 đội sản xuất với tổng số lao động 2.668 người, trong đó lao động người dân tộc thiểu số là 1.224 (chiếm 45,87%). Năm 2011 và 2012 được xem là thời kỳ hoàng kim của Công ty, khi giá mủ cao su đạt hơn 90 triệu đồng/tấn mủ khô, thu nhập bình quân của người lao động đạt gần 9 triệu đồng/tháng. Nhưng đến thời điểm này, giá mủ cao su xuống thấp chỉ còn hơn 27 triệu đồng/tấn mủ khô, nên thu nhập bình quân của người lao động giảm xuống còn hơn 3 triệu đồng/tháng.

 

Dây chuyền chế biến mủ cao su.
Dây chuyền chế biến mủ cao su.

Trước những khó khăn kéo dài của ngành cao su nói chung và của Công ty nói riêng, Ban Giám đốc Công ty vẫn nỗ lực hết sức để thực hiện nhiều biện pháp chăm lo đời sống của người lao động. Ông Lương Văn Quý-Chủ tịch Công đoàn Công ty cho biết: “Ngay khi giá mủ cao su xuống thấp, ảnh hưởng trực tiếp đến kinh doanh của Công ty và đời sống của người lao động, Ban Giám đốc cùng với Công đoàn Công ty đã đến tận các tổ, đội động viên mọi người yên tâm sản xuất. Ngoài ra, Công ty cũng đã triển khai nhiều giải pháp với tinh thần tất cả vì người lao động, dù khó khăn đến mấy cũng đảm bảo mọi chế độ, lương, thưởng đúng thời hạn cho người lao động của Công ty…”.

Theo đó, giải pháp đầu tiên của Công ty là chủ động đẩy mạnh phong trào thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; rà soát những công nhân có thu nhập từ hộ kinh tế gia đình, nếu chưa ổn định đời sống sẽ tạo điều kiện để công nhân nhận khoán ở những vườn cây tái canh để trồng xen canh các loại cây trồng nhằm tăng thu nhập, ổn định đời sống.  Đến nay, với hơn 2.000 ha cao su tái canh, trồng mới, Công ty đã giao cho hàng trăm hộ công nhân được trồng xen canh các cây lương thực và 67 ha khác giao cho 45 hộ trồng cà phê, hồ tiêu theo các quy định của Tập đoàn.

 

Hướng dẫn kỹ thuật ghép giống cao su.
Hướng dẫn kỹ thuật ghép giống cao su.

Ngoài ra, Công ty luôn duy trì các chế độ, thăm hỏi, tặng quà cho người lao động những ngày lễ, Tết, hiếu hỷ và những lúc khó khăn. Tiếp tục thực hiện các chính sách như xây nhà “Mái ấm Công đoàn”, xây nhà tình nghĩa cho các gia đình chính sách, đồng bào nghèo. Tích cực triển khai các hoạt động văn hóa-văn nghệ-thể thao nhằm nâng cao đời sống tinh thần cho người lao động… Chính từ những nỗ lực đó, thời gian qua, dù thu nhập giảm sút hơn 50% nhưng người lao động của Công ty vẫn luôn ổn định tư tưởng, yên tâm lao động sản xuất.

Đồng lòng vượt khó

Nói về việc Công ty và người lao động cùng đồng lòng vượt khó thì có lẽ Nông trường An Biên và Nông trường An Phú (đứng chân trên địa bàn các xã biên giơi Ia Púch và Ia Mơr, huyện Chư Prông) đáng để nhiều nơi phải nể phục. Tại những nông trường này có hơn 400 công nhân là người dân tộc thiểu số đều trú tại xã Ia Boòng và Ia Mơr (huyện Chư Prông), nên mỗi ngày để đến được vườn cây, họ phải đi xe máy vượt qua quãng đường đất đỏ dài hơn 50 km. Trong khi đó, toàn bộ diện tích cao su đang trong giai đoạn kiến thiết cơ bản nên lương của công nhân-lao động ở đây cũng chỉ đạt gần 3 triệu đồng/người/tháng. Ông Trịnh Đình Luận-Giám đốc Nông trường An Biên cho biết: “Do vườn cao su tại Nông trường đang trong giai đoạn kiến thiết cơ bản nên cũng không có nguồn thu nào để giúp tăng thu nhập và hỗ trợ cho người lao động. Khó khăn là vậy nhưng trong những năm qua, được sự động viên, quan tâm của Ban Giám đốc Công ty và Nông trường, người lao động ở đây vẫn tạo ra bầu không khí lao động hăng say, sôi nổi cùng tinh thần hăng hái; hầu như không có công nhân nào xin nghỉ việc mà vẫn quyết tâm bám trụ, đồng lòng vượt khó cùng Công ty...”. Để ổn định đời sống, giúp công nhân yên tâm lao động sản xuất, Công ty và huyện Chư Prông cũng đã có kế hoạch và tờ trình để xin cấp đất xây dựng nhà ở cho công nhân của 2 nông trường An Biên và An Phú tại nơi 2 nông trường đứng chân và hiện đang chờ phê duyệt.

 

Thu hoạch mủ cao su.
Thu hoạch mủ cao su.

Trong khi chờ đợi giá mủ cao su trên thị trường ổn định trở lại, Công ty cũng đã triển khai các giải pháp, tập trung vào các mục tiêu như: nâng cao năng suất lao động bằng cách điều chỉnh suất đầu tư vào vườn cây; công nhân khai thác thực hiện các biện pháp thay đổi chế độ cạo ở từng vườn theo tình hình thực tế, thay đổi chế độ cạo để tăng năng suất lao động; tiếp tục thực hiện trả lương theo doanh thu ở từng thời điểm, đảm bảo cho thu nhập bình quân của công nhân đạt từ 4 triệu đồng/người/tháng trở lên. Bên cạnh đó là nâng cao sản lượng và chất lượng sản phẩm; thực hiện tiết kiệm, giảm giá thành sản xuất kinh doanh… Các chính sách, giải pháp của Công ty triển khai trong thời gian qua đã nhận được sự đồng thuận, chia sẻ của người lao động nên dù còn gặp nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh, người lao động của Công ty vẫn luôn đồng lòng để cùng Công ty vượt qua mọi khó khăn thử thách.

Lê Anh 

Có thể bạn quan tâm