Nhớ một thời "cục gạch"... đút túi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trong thời đại bùng nổ công nghệ như hiện nay, smartphone là chọn lựa của đa số người tiêu dùng, vậy nhưng cũng còn không ít người vẫn luôn giữ bên mình một chiếc điện thoại chỉ với tính năng nghe gọi và nhắn tin. Điều đó lý giải vì sao dòng điện thoại này vẫn có đất sống…

Feature phone-dòng điện thoại phổ thông dùng bàn phím, hay điện thoại “cục gạch” vẫn là tên gọi thể hiện đặc điểm chung nhất của dòng điện thoại này, đó là siêu rẻ, siêu bền, vô cùng tiện lợi.

Hoài cổ Feature phone…

 

  Điện thoại “cục gạch” vẫn là lựa chọn của số ít người tiêu dùng. Ảnh: T.N
Điện thoại “cục gạch” vẫn là lựa chọn của số ít người tiêu dùng. Ảnh: T.N

Chừng mười mấy hai chục năm về trước, điện thoại di động được xem như một thứ xa xỉ, là điều mơ ước của nhiều người. “Một chiếc điện thoại bàn phím mà bây giờ gọi là rẻ như bèo thì lúc đó một công chức như mình phải nhận mấy tháng lương mới mua nổi. Chiếc Nokia 8210 là điện thoại đầu tiên mình dùng, đó cũng là món quà bà xã dành tặng chồng sau ngày cưới. 2 năm sau, khi chiếc điện thoại này hết mốt, mình định bán đi nhưng rồi lại cất vào tủ làm kỷ niệm và lên đời bằng con Nokia 8250, mà cũng trùng một sự kiện đặc biệt của gia đình. Từ đó đến nay chắc phải sử dụng qua chục chiếc điện thoại, từ trắng đen đến điện thoại màu, rồi mình mới bắt đầu chuyển sang dùng smartphone. Tiếc quá chỉ giữ lại chiếc điện thoại đầu tiên, chứ không đã đủ bộ sưu tập rồi”-anh C.H. (phường Hoa Lư, TP. Pleiku) cười khi nghĩ về kỷ niệm đáng nhớ.

Nói về thị trường điện thoại bàn phím với những mẫu mã rất đẹp và độc, từng làm mưa làm gió trong những năm đó, anh Bảo Hoàng-chủ một cửa hàng điện thoại trên đường Trường Chinh (TP. Pleiku) kể: “Lúc đó ở Pleiku cửa hàng điện thoại chưa mọc lên nhiều, về quy mô cũng không lớn. Những dòng điện thoại của các hãng Nokia, Motorola, Philips gần như chiếm lĩnh thị trường, mỗi một dòng điện thoại ra mới là cửa hàng phải đặt hàng rất lâu mới có. Thời đó, máy mới bán ra, máy cũ thu vào, cửa hàng nhỏ như mình kinh doanh gọi là có ăn, chứ không ế ẩm như giờ. Nói thẳng ra, người tiêu dùng làm gì có nhiều sự lựa chọn như hiện nay”. Anh Bảo Hoàng cho biết: Khoảng năm 2007, khi bắt đầu xuất hiện chiếc iPhone và những năm sau đó công nghệ mới ra đời và phát triển thì feature phone đã vắng bóng dần, thay vào đó smartphone làm chủ thị trường điện thoại di động.

Giờ đi đến bất cứ cửa hàng điện thoại di động nào, dù lớn hay nhỏ, hình ảnh những chiếc điện thoại bàn phím, ngoài tên gọi “cục gạch”, thường được gọi vui là điện thoại “cùi bắp”, đã tự lắng mình trước sự tinh tế, sang trọng của dòng cảm ứng hiện đại. Có khi nó được chủ cửa hàng trưng bày khép nép ngay trong những góc khuất của quầy kệ, ai cần mua chắc phải hỏi may ra mới thấy.

“Cục gạch” vẫn còn đất sống?

Anh Đoàn Dương-quản lý cửa hàng điện thoại Thế giới Di động (đường Nguyễn Tất Thành, TP. Pleiku) cho biết: Nhiều mẫu điện thoại bàn phím của Nokia, Samsung trước đây rất được ưa chuộng thì nay phải nhường chỗ cho những dòng điện thoại bàn phím có số lớn (vì đối tượng người dùng feature phone bây giờ chủ yếu là những khách hàng lớn tuổi), hay loại điện thoại có thời lượng pin sử dụng lâu. Bán chạy nhất vẫn là điện thoại của các hãng: Mobiestar, Philips, Mobile… Không thống kê riêng doanh số bán hàng của feature phone, nhưng nó vẫn đảm bảo khả năng tiêu thụ nhất định.

Tại một số chuỗi cửa hàng lớn khác ở Pleiku như: Viễn Thông A, FPT, các nhân viên bán hàng cũng đều có chung nhận xét như vậy. Theo họ, dù đây là thời đại bùng nổ smartphone từ bình dân cho đến cao cấp, nhưng không ít người vẫn thích sử dụng thêm điện thoại bàn phím bên cạnh một chiếc điện thoại cảm ứng tích hợp mọi tính năng vượt trội. “Điện thoại cảm ứng để lướt internet, điện thoại “cục gạch” để nghe gọi, rất tiện. Nhiều dòng điện thoại “cục gạch” có thể chia sẻ pin cho điện thoại cảm ứng khi cần thiết, giống như cục sạc dự phòng vậy đó”-anh Ánh, một khách hàng chia sẻ.

Hiện trên thị trường có những loại dung lượng pin “khủng” có thể sử dụng đến 3 tuần mới cạn như Kechaoda, Rover… Những loại này dùng làm đèn pin cũng khá hiệu quả. Hay có loại có khả năng chống nước rất tốt, máy có 3 sim 3 sóng… Đó cũng là những chiếc điện thoại lý tưởng để những người đi rừng tìm đến.

“Cho con cái xài điện thoại “cục gạch” sẽ yên tâm hơn là cho xài smartphone. Mình đút túi thêm một chiếc điện thoại phím để lắp sim khuyến mãi cũng rất tiết kiệm. Những điện thoại kiểu này lỡ làm mất, rớt bể cũng không tiếc”-anh Quang Minh (phường Trà Bá, TP. Pleiku) nói lý do vì sao vẫn trung thành với dòng điện thoại này.

Rõ ràng, với giá cả rất mềm, chỉ từ 200.000 đồng đến 850.000 đồng, dòng điện thoại feature phone dù “cùi bắp” nhưng lại rất hữu dụng, do đó vẫn có một chỗ đứng rất riêng trên thị trường.

Thảo Nguyên

Có thể bạn quan tâm

Giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, giải ngân vốn đầu tư công tại Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương

Giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, giải ngân vốn đầu tư công tại Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương

(GLO)- Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo số 92/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang tại buổi làm việc với 3 địa phương (Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương) về tình hình, giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, giải ngân vốn đầu tư công, xây dựng hạ tầng, xuất nhập khẩu.
Gia Lai: Đề xuất kiểm tra việc triển khai thực hiện hóa đơn điện tử bán lẻ xăng dầu

Gia Lai: Đề xuất kiểm tra việc triển khai thực hiện hóa đơn điện tử bán lẻ xăng dầu

(GLO)-Chiều 14-3, Cục Thuế tỉnh Gia Lai, Sở Công Thương, Sở Khoa học và Công nghệ, Cục Quản lý thị trường đã họp bàn, thống nhất các nội dung đề xuất thành lập Đoàn liên ngành kiểm tra doanh nghiệp, cửa hàng bán lẻ xăng dầu về việc triển khai thực hiện hóa đơn điện tử.