Đẩy mạnh cải cách nhằm hỗ trợ doanh nghiệp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp (DN) bằng chính sách cụ thể, cùng với việc nỗ lực cải cách hành chính (CCHC), hỗ trợ DN phát triển theo tinh thần các nghị quyết của Chính phủ đang được cả hệ thống chính trị tỉnh ta triển khai thực hiện.

Gia Lai là một trong các địa phương thực hiện khá tốt việc triển khai các nhiệm vụ liên quan đến việc đăng ký kinh doanh, thành lập DN theo quy định mới. Đến nay, công tác tiếp nhận và xử lý hồ sơ trên lĩnh vực đăng ký kinh doanh đã được thực hiện ổn định trên hệ thống đăng ký DN quốc gia (đã thực hiện đăng ký kinh doanh qua mạng). Số thủ tục hành chính giảm từ 100 xuống còn 42 thủ tục.

 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Về giải quyết hồ sơ, đã rút ngắn giải quyết từ 5 ngày xuống còn 3 ngày làm việc và hiện đang tiếp tục rút ngắn xuống còn 2 ngày đối với hồ sơ đăng ký thành lập mới DN, 1 ngày đối với hồ sơ thay đổi nội dung đăng ký DN và 1/2 ngày đối với các hồ sơ đơn giản (tạm ngừng hoạt động và hoạt động trở lại, thay đổi và cập nhật thông tin DN…). Bên cạnh đó, ngành chức năng đã thực hiện liên thông cấp mã số thuế tự động giữa cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế, từ quy trình xử lý tối đa 2 ngày xuống còn tối đa 1 ngày và sắp tới chỉ dưới 1/2 ngày. Công tác tiếp nhận và xử lý hồ sơ trên lĩnh vực đầu tư và xây dựng cơ bản mới áp dụng triển khai trên phần mềm ứng dụng “một cửa liên thông” của tỉnh; hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001: 2008 để vận hành các quy trình xử lý và tác nghiệp trong giải quyết thủ tục hành chính…

Đối với lĩnh vực thuế, nhiệm vụ CCHC thuế đạt kết quả tốt khi đã triển khai nộp thuế điện tử với khoảng 90% số DN đăng ký. Qua đó, giảm sự quá tải của hệ thống quản lý thuế, giảm chi phí cho cả cơ quan thuế và DN. Đây là bước tiến quan trọng trong việc hiện đại hóa công tác thu nộp ngân sách, giảm chi phí hành chính thuế, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh cho DN.

Được tiếp cận hình thức nộp thuế điện tử ngay từ khi mới triển khai, bà Đặng Thị Mỹ Dung-Giám đốc Công ty TNHH Phạm Dực, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nữ DN Gia Lai, nhận  xét: “Khi sử dụng hình thức nộp thuế điện tử, DN có thể thực hiện nộp thuế mọi lúc, mọi nơi, theo dõi được tình hình nộp ngân sách nhà nước qua tài khoản và được sử dụng các dịch vụ gia tăng ưu đãi của ngân hàng. Hầu hết DN cho rằng, nộp thuế điện tử giúp họ tiết kiệm chi phí và thời gian giao dịch, đơn giản thủ tục giấy tờ khi thực hiện nghĩa vụ thuế. Ngoài nộp thuế điện tử, CCHC lĩnh vực thuế, hỗ trợ DN còn thực hiện ở một số nội dung khác như: triển khai đồng bộ, hiệu quả các chính sách về thuế mới, các ưu đãi về thuế cho DN; giải quyết kịp thời, đúng quy định việc hoàn thuế, tạo điều kiện cho DN quay vòng vốn nhanh…”.

Trong kế hoạch hành động triển khai Nghị quyết 19 của Chính phủ, tỉnh cũng triển khai công tác CCHC thuế trên 3 nhóm chỉ tiêu là hoàn thuế, quản lý rủi ro trong thanh-kiểm tra thuế, thời gian và kết quả xử lý khiếu nại về thuế. Cùng với đó là triển khai thực hiện đạt 100% kê khai thuế điện tử, 90% DN nộp thuế điện tử và hoàn thuế điện tử theo tiến độ triển khai của Tổng cục Thuế. Công khai cơ sở dữ liệu về hoàn thuế, cải tiến quy trình, hồ sơ, thủ tục nộp thuế, đảm bảo rõ ràng, minh bạch, rút ngắn thời gian hoàn thành thủ tục khai và nộp thuế, phấn đấu thời gian nộp thuế không quá 168 giờ/năm, đến năm 2020 giảm còn 110 giờ/năm.

Theo ông Nguyễn Tuấn-Tổng Thư ký Hiệp hội DN tỉnh Gia Lai: Khi nhu cầu hỗ trợ, hợp tác của DN tăng lên thì việc nâng cao chất lượng điều hành, cải cách, tạo thuận lợi cho DN phát triển luôn là vấn đề trọng tâm đặt ra với các sở, ngành. Theo đó, công tác CCHC phải diễn ra ở mọi mặt, mọi lĩnh vực, trong đó chủ yếu liên quan đến lĩnh vực đất đai, đăng ký kinh doanh, đăng ký đầu tư, lĩnh vực thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội, cấp phép xây dựng. Cải cách để tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng luôn được DN lưu tâm.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Văn Cư-Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh cho biết: Ngân hàng đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng chú trọng đổi mới, cải tiến các quy trình, thủ tục cung cấp sản phẩm dịch vụ, tạo thuận lợi cho khách hàng. Bên cạnh đó, thực hiện một số giải pháp nhằm hỗ trợ DN, nhất là DN nhỏ và vừa tiếp cận vốn tín dụng, rà soát, đổi mới quy trình cho vay theo hướng đơn giản hóa thủ tục, giảm phiền hà, bảo đảm an toàn vốn và phù hợp với quy định của pháp luật. Nâng cao năng lực thẩm định để rút ngắn thời gian giải quyết cho vay. Nghiên cứu, xây dựng các chương trình vay vốn với lãi suất hợp lý, khuyến khích đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng để tăng khả năng tiếp cận vốn của DN. Bên cạnh đó, tiếp tục chỉ đạo triển khai có hiệu quả chương trình kết nối doanh nghiệp-ngân hàng và chương trình bình ổn giá nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn cho DN…

Thảo Nguyên

Có thể bạn quan tâm

Bình Định rộng cửa thu hút đầu tư

Bình Định rộng cửa thu hút đầu tư

Lãnh đạo tỉnh Bình Định cam kết địa phương không ngừng cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường đầu tư kinh doanh để trở thành điểm đến lý tưởng của các nhà đầu tư trong và ngoài nước