Công ty Cà phê Gia Lai: Một phần tư thế kỷ- Một hướng đi…

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Có lẽ không một loại cây nào lắm nỗi thăng trầm như cà phê: Giá cả biến động mỗi vụ, mỗi tháng và thậm chí mỗi ngày… Vị đắng của hạt cà phê, Công ty Cà phê Gia Lai cũng như bao doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã nếm trải để bây giờ tìm được cho mình một thế đứng vững chắc giữa sóng gió thị trường vẫn không ngừng vây bủa…
Năm 1985, UBND tỉnh Gia Lai-Kon Tum chủ trương thành lập Công ty Cà phê tỉnh. Bấy giờ cà phê chưa vào thời thịnh, hầu như chỉ các doanh nghiệp nhà nước mới trồng. Vốn ít, kỹ thuật chưa vững, công nhân làm việc theo lối hiệu lệnh, hiệu quả là cà phê trồng lên như một thứ để minh họa… Từng có chuyện tưởng như đùa: Buổi sáng hôm đó, Nông trường Ia Pát tiến hành giao khoán cho công nhân trồng mới. Chiều Giám đốc đi kiểm tra đã thấy cây héo rũ. Cà phê ươm bầu, sao lại có sự vô lý như vậy? Nghi ngờ, ông nhổ một cây lên xem thử và vô cùng kinh ngạc: Cà phê không rễ! Thì ra công nhân được giao khoán ươm cây đã cắt cành cà phê cắm vào bầu rồi đem trồng cho đủ số(!).
Niềm vui được mùa. Ảnh: Đ.T
Niềm vui được mùa. Ảnh: Đ.T
Hậu quả của lề thói làm ăn tắc trách trong cơ chế bao cấp đã ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh của Công ty nhiều năm sau này. Tuy nhiên nặng nề nhất vẫn là quãng thời gian từ 1999 đến 2001. Giá cả xuống thấp chỉ bằng một nửa chi phí sản xuất đã khiến Công ty thua lỗ trên 21 tỷ đồng. Cùng thời điểm, Công ty gần như đã trở thành “con nợ” lớn nhất trong ngành Cà phê.
Sáng suốt, bình tĩnh với mỗi thử thách trong từng thời điểm để có những quyết sách kinh doanh đúng đắn, 5 năm sau ngày thành lập, với chỉ hơn 74 ha ban đầu, Công ty đã mở rộng diện tích lên gần 355 ha và đến cuối năm 1995 đã tăng gần 670 ha. Song song với mở rộng diện tích, năng suất đã được cải thiện đáng kể: Từ 290 kg nhân/ha năm 1985 đã vượt lên gần 1.300 kg- gấp 4,4 lần. Đây có thể coi là thời điểm mở đầu thành công “cuộc cách mạng vườn cây” lần thứ nhất…
Tuy nhiên thực tế tiềm năng đất đai, lao động chỉ mới được khơi dậy bước đầu. Công nhân nông nghiệp cũng như người nông dân, đất đai, vườn cây phải có cơ chế để tạo nên một tình yêu máu thịt, một tiền đồ của cuộc sống trong họ thì mới khơi dậy được tối đa nội lực. Năm 2005, nhận rõ những nhược điểm trong cơ chế khoán cũ, Ban Giám đốc Công ty đã nghiên cứu xây dựng cơ chế khoán mới. Tính ưu việt của cơ chế khoán đã thực sự thổi một luồng gió mới vào niềm tin của người lao động. 100% công nhân người Kinh, 80% công nhân người dân tộc thiểu số đã viết đơn tự nguyện chấp nhận phương án khoán mới… “Cuộc cách mạng vườn cây” lần thứ 2 đã mang lại những hiệu quả hơn mong đợi: Năng suất nhiều vườn cây đã đạt trên 20 tấn quả tươi/ha. Cá biệt có vườn cây đã thiết lập mức kỷ lục 30 tấn… Chỉ trong năm 2006 hầu hết công nhân người Kinh đã trả xong các khoản nợ còn tồn đọng-kể cả những công nhân có số nợ lên đến 20 tấn quả tươi. Cũng từ năm 2006, công quản lý, chi phí sản xuất đã được giảm xuống mức thấp nhất…
Tạo được sự chuyển biến khả quan về năng suất, Công ty đồng thời chú trọng chất lượng sản phẩm. Với việc hoàn thiện hệ thống quản lý chất lượng và được cấp chứng chỉ ISO.9001-2000, ngoài uy tín sản phẩm được nâng cao ở thị trường nội địa, Công ty đã xuất khẩu trực tiếp được hơn 10.000 tấn cà phê sang các thị trường Anh, Pháp, Mỹ, Thụy Sỹ… với kim ngạch đạt 7,3 triệu USD. Đà thua lỗ liên tục nhiều năm đã được chấm dứt, lợi nhuận của Công ty mỗi năm một tăng. Nếu năm 1990 lợi nhuận chỉ đạt 43 triệu đồng thì đến năm 2009 đã vượt lên 5,584 tỷ đồng. Nghĩa vụ với Nhà nước đã được thực hiện mỗi năm mỗi tăng… Thước đo hiệu quả của sản xuất kinh doanh đã thể hiện rõ rệt qua việc cải thiện đời sống cho người lao động: Hơn 700 cán bộ, công nhân, trong đó trên 100 công nhân người dân tộc thiểu số được giải quyết việc làm ổn định. Năm 2005, mức thu nhập bình quân thực tế đã đạt trên 10 triệu đồng/năm (không tính thu nhập vượt khoán), đến năm 2009 đã vượt lên 36 triệu đồng/người/năm. Phúc lợi xã hội của người lao động đã được cải thiện một bước đáng kể: Tất cả đã tạo nên một không khí phấn khởi thi đua lao động sản xuất, một niềm tin vào sự đi lên tất yếu của Công ty…
Sân phơi của Công ty Cà phê Gia Lai. Ảnh: Đ.T
Sân phơi của Công ty Cà phê Gia Lai. Ảnh: Đ.T
Là một doanh nghiệp còn nhiều khó khăn do nhiều nguyên nhân, song ngay cả những giai đoạn khó khăn nhất, Công ty vẫn chưa bao giờ lãng quên trách nhiệm xã hội trên địa bàn đứng chân. Không kể hàng ngàn hộ dân nhờ sự tác động gián tiếp của Công ty đã trở thành những nông hộ sản xuất, kinh doanh cà phê, biến cải được cuộc sống đói nghèo thì các vùng Ia Pát (xã Dun, huyện Chư Sê), Ia Phìn (huyện Chư Prông), làng Bồ (xã Ia Yok, huyện Ia Grai) với vai trò hạt nhân của Công ty, đã trở thành những vùng sản xuất cà phê trọng điểm, những khu dân cư trù phú với cơ sở hạ tầng điện- đường- trường- trạm được đầu tư hoàn chỉnh…
Điển hình với vai trò này là xã Ia Phìn. Vốn là một tụ điểm di dân kinh tế mới, trước năm 1992, Ia Phìn đã được Nhà nước đầu tư  một công trình thủy lợi khá lớn vào thời điểm đó. Một dự án phát triển cà phê quốc doanh đã được triển khai nhưng chỉ vài năm sau kết quả chỉ là những thửa cà phê manh mún hoang tàn. An ninh trật tự trở nên phức tạp với nạn trộm cắp, phá bĩnh… Năm 1993, Công ty được giao triển khai lại dự án… Một trang mới đã được mở ra cho một vùng đất giàu tiềm năng chỉ với một thời gian ngắn. Bây giờ thì Ia Phìn đã trở thành một vùng trọng điểm cà phê với diện tích lên đến hàng ngàn ha, gần 100 lao động của hai làng Bạc I và Dyang đã trở thành công nhân. Từ một “điển hình” về sự phức tạp xã hội, Ia Phìn đã trở thành một điển hình nông thôn mới của huyện Chư Prông…
Có thể nói rằng trong ngành nông nghiệp, sản xuất, kinh doanh cà phê đang là nghề khó nhất trong bối cảnh hiện nay: Giá cả liên tục biến động trong khi chi phí sản xuất không ngừng tăng cao. Một nghề kinh doanh khó khăn đến có thể cô vào một câu ngắn gọn “được đó và mất đó”. Tình hình đòi hỏi người cầm lái doanh nghiệp một mặt phải luôn biết cách duy trì yếu tố sống còn là năng suất-giá thành- chất lượng sản phẩm, mặt khác phải có một cái nhìn sáng suốt, nhạy bén trên thương trường… Nhưng như thế vẫn là chưa đủ: Một phẩm chất khác cũng vô cùng cần thiết-đó là vai trò tổ chức xã hội…  Có lẽ hơn ai hết, Giám đốc Võ Ngọc Hiếu là người ý thức được những phẩm chất cần có này…
Những năm gần đây, với tình hình sản xuất, kinh doanh được cải thiện, Công ty đang tiếp tục đẩy mạnh vai trò xã hội trên địa bàn đứng chân. Ngoài việc đóng góp tích cực cho các nguồn quỹ xã hội lên đến 1,3 tỷ đồng từ năm 2005-2009, thêm 2 làng đồng bào dân tộc thiểu số ở thị trấn Chư Sê được Công ty kết nghĩa. Với tâm nguyện đưa đời sống bà con thoát khỏi đói nghèo, nhiều sự hỗ trợ tích cực đã được Công ty triển khai như: Hỗ trợ phân bón, hướng dẫn kỹ thuật canh tác, cấp quần áo, sách vở và đồ dùng học tập cho các cháu học sinh nghèo…
Là đời Giám đốc thứ 4, xuất thân từ cán bộ ngành Tài chính, được điều về Công ty giữ chức vụ Giám đốc chưa đầy 5 năm, phải tháo gỡ hàng loạt khó khăn với món nợ gần chục tỷ đồng để lại nhưng ông đã sớm tìm ra những quyết sách đúng, tạo được sự chuyển biến có thể nói là khả quan nhất trong quãng thời gian 25 năm.
Tất nhiên mỗi thời điểm có mỗi khó khăn đặc thù nhưng vai trò của cá nhân vẫn là sự quyết định… “Tuy đã tạo được những chuyển biến cơ bản nhưng khó khăn của Công ty vẫn còn nhiều”-  Giám đốc Hiếu tâm sự và cho biết bài toán khó nhất hiện nay của Công ty vẫn là làm sao để tiếp tục tăng năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm, trong khi nhiều vườn cây di chứng của thời bao cấp đã già cỗi, phẩm cấp kém, khó vực lên bằng các giải pháp chăm sóc thông thường… Đã có một quyết sách khá táo bạo là triển khai phương án trồng 100 ha hồ tiêu thay thế số vườn cây già lão này. Đất đai, khí hậu Chư Sê thích hợp với hồ tiêu đã quá rõ, sự thành công của phương án này chỉ còn là vấn đề thời gian…
So với nhiều công ty cà phê trên địa bàn tỉnh ta, chặng đường 25 năm của Công ty Cà phê Gia Lai chưa phải đã “lão thành”. Khó khăn trong mỗi thời điểm, nhìn nhận một cách công bằng thì gần như công ty nào cũng phải nếm trải ở mỗi mức độ khác nhau. Điều quan trọng là ý chí để vượt lên sau mỗi lần nếm trải… Không phải ngẫu nhiên mà Nhà nước đã ghi nhận ý chí và bản lĩnh ấy với các phần thưởng: Huân chương Lao động hạng nhất, hạng nhì; bằng khen của Thủ tướng Chính phủ… Cơ hội và thử thách luôn song hành thì mỗi phần thưởng cũng là nguồn động lực song hành với Công ty trong chặng đường phía trước…
Đăng Vương




Có thể bạn quan tâm

Gia Lai: Đề xuất kiểm tra việc triển khai thực hiện hóa đơn điện tử bán lẻ xăng dầu

Gia Lai: Đề xuất kiểm tra việc triển khai thực hiện hóa đơn điện tử bán lẻ xăng dầu

(GLO)-Chiều 14-3, Cục Thuế tỉnh Gia Lai, Sở Công Thương, Sở Khoa học và Công nghệ, Cục Quản lý thị trường đã họp bàn, thống nhất các nội dung đề xuất thành lập Đoàn liên ngành kiểm tra doanh nghiệp, cửa hàng bán lẻ xăng dầu về việc triển khai thực hiện hóa đơn điện tử.