Khi nghệ nhân ưu tú bị... lãng quên?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sau 4 năm được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú kèm theo mức khen thưởng một lần, đến nay, chế độ chính sách, sự đãi ngộ dành cho những người đã sống cùng di sản và đóng góp to lớn cho văn hóa dân gian, dân tộc vẫn là vấn đề còn nhiều trăn trở.
Cùng với quyết định phong tặng danh hiệu cho các Nghệ nhân Ưu tú là sự ra đời của Nghị định 109/2015/NĐ-CP ngày 28-10-2015 về việc hỗ trợ đối với Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn. Nghị định chính thức có hiệu lực từ ngày 1-1-2016. Tính đến nay đã tròn 3 năm kể từ ngày nghị định này đi vào cuộc sống, vậy nhưng việc hỗ trợ tiền trợ cấp sinh hoạt hàng tháng, bảo hiểm y tế, chi phí mai táng cho các nghệ nhân có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn ở tỉnh ta vẫn là câu chuyện còn bỏ ngỏ.
  Nghệ nhân hát kể sử thi Nhưr (xã Ya Hội, huyện Đak Pơ) sống trong nghèo khổ, bệnh tật nhưng không nhận được sự đãi ngộ nào sau 4 năm được phong tặng danh hiệu. Ảnh: Hoàng Ngọc
Nghệ nhân hát kể sử thi Nhưr (xã Ya Hội, huyện Đak Pơ) sống trong nghèo khổ, bệnh tật nhưng không nhận được sự đãi ngộ nào sau 4 năm được phong tặng danh hiệu. Ảnh: Hoàng Ngọc
Trong số 15 nghệ nhân được phong tặng danh hiệu đợt 1-2015, hiện mới chỉ có 3 nghệ nhân được hưởng trợ cấp hàng tháng là 700 ngàn đồng/người, đó là nghệ nhân Rơ Mah Kim (huyện Đức Cơ), các nghệ nhân Rơ Châm HMut và Rơ Châm Uek (huyện Chư Pah). Đây cũng là mức hỗ trợ thấp nhất theo quy định. Vậy còn các nghệ nhân khác? Tại xã Ya Hội (huyện Đak Pơ) có 3 nghệ nhân kể sử thi được trao danh hiệu cao quý này trong đợt 1 là Đinh Tim, Đinh Yie và Nhưr. Ngoài nghệ nhân Đinh Yie từng là cán bộ xã có lương hưu thì 2 nghệ nhân còn lại đã già yếu, hoàn cảnh rất khó khăn, lại bệnh tật. Còn nhớ cách đây 3 năm, lúc lên TP. Pleiku nhận danh hiệu, các nghệ nhân bước đi đã không vững. Phần lớn các nghệ nhân còn lại đều có hoàn cảnh tương tự. 
Sự chậm trễ, thiếu sót trong việc chi trả chế độ cho nghệ nhân theo quy định có nguyên nhân từ đâu? Ông Nguyễn Quốc Việt-Trưởng phòng Bảo trợ xã hội (Sở Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết: “Ngay sau Nghị định 109/2015/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực, từ năm 2016 đến nay, Sở đã ban hành 2 văn bản, một là hướng dẫn các địa phương căn cứ theo Nghị định, rà soát lại hoàn cảnh cụ thể của các nghệ nhân để có mức hỗ trợ phù hợp. Văn bản thứ 2 yêu cầu các địa phương báo cáo tình hình thực hiện”. Tuy nhiên, theo ông Việt, các địa phương chỉ căn cứ vào danh sách hộ nghèo của địa phương, nghệ nhân nào trong danh sách thì được nhận mức hỗ trợ đối với người “có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn” mà không hề căn cứ vào quy định liên quan và tình hình thực tế. Ông Việt thừa nhận, việc một số nghệ nhân có hoàn cảnh khó khăn nhưng không nằm trong danh sách được nhận trợ cấp là có phần thiếu sót của ngành Lao động-Thương binh và Xã hội khi không đi xác minh thực tế mà dựa hoàn toàn vào báo cáo từ cơ sở.
Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Quang Tuệ-Trưởng phòng Quản lý Di sản (Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch) cho rằng: “Sự chậm trễ kể trên, theo tôi có thể bao gồm cả lý do Nghị định 109/2015/NĐ-CP chia các nghệ nhân đã được phong tặng thành nhiều đối tượng khác nhau, từ đó áp dụng các mức trợ cấp chưa thực sự công bằng, ít mang tính động viên. Cụ thể, Nghị định có 3 mức trợ cấp hàng tháng: 1 triệu đồng, 850 ngàn đồng và 700 ngàn đồng tùy theo hoàn cảnh sống của mỗi người. Nói một cách nôm na, nghệ nhân càng có mức sống thấp, càng cô đơn và càng bệnh tật nặng thì càng có cơ hội được hưởng mức tiền cao hơn. Liệu có đúng không khi đều là Nghệ nhân Ưu tú nhưng số tiền trợ cấp lại không giống nhau hoặc có người được nhận có người lại không? Tôi cho rằng đây không phải việc từ thiện, nhân đạo nên không thể căn cứ vào gia cảnh, bệnh tật để xét trợ cấp nhiều hay ít hoặc không trợ cấp. Các Nghệ nhân Ưu tú chính là những con người có tài năng đặc biệt, họ tự đào tạo mình, có nhiều cống hiến cho cộng đồng, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Không có lý gì họ bị “phân biệt đối xử” về khoản trợ cấp hàng tháng cả”.
Trong khi đó, do tuổi cao, sức yếu nên nhiều nghệ nhân đã không còn đủ sức để... chờ trợ cấp. Đến nay có 2 nghệ nhân đã qua đời là bà HBen (huyện Kông Chro) và ông Mlí (huyện Đak Đoa). Không chỉ các Nghệ nhân Ưu tú mà đội ngũ nghệ nhân gắn liền với di sản văn hóa dân tộc, những truyền nhân cuối cùng của văn hóa dân gian đã và đang lặng lẽ rời bỏ thế giới này mà chưa nhận được bất kỳ sự đãi ngộ nào. Đội ngũ từng được UNESCO vinh danh bằng một danh hiệu cao quý-”Báu vật nhân văn sống”, những con người có công thực hành, lưu giữ và truyền dạy di sản văn hóa phi vật thể cho các thế hệ sau, là một phần không thể tách rời của di sản-còn chưa được quan tâm xứng đáng, nói gì đến những người tài hoa, vô danh khác đang sống lặng lẽ khắp các buôn làng.
Tết đang cận kề. Đã có ai nghĩ đến việc thăm hỏi, trao tặng chút quà mang tính chất động viên các nghệ nhân, khi mà tỉnh ta vừa mới tổ chức thành công một lễ hội vinh danh di sản “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”? 
 Hoàng Ngọc

Có thể bạn quan tâm

Việc tốt quanh ta

Việc tốt quanh ta

(GLO)- Cuộc sống hàng ngày quanh ta có rất nhiều người tốt với việc làm có ích, thiết thực cho cộng đồng, xã hội.
“Thân cò” nuôi chồng bị mù và 3 con nhỏ

“Thân cò” nuôi chồng bị mù và 3 con nhỏ

(GLO)- Nhà nghèo, nuôi 3 con nhỏ, lại thêm người chồng đột nhiên bị mù cả 2 mắt nên gánh nặng cơm áo hàng ngày càng đè lên đôi vai gầy của chị Rơ Châm Thủy (SN 1984, trú tại làng Kênh, xã Nghĩa Hòa, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai).
 Ngày hội “Tháng ba biên giới” tại xã Ia O

Ngày hội “Tháng ba biên giới” tại xã Ia O

(GLO)- Ngày 23-3, Nhóm từ thiện Fly To Sky phối hợp với Huyện Đoàn-Hội LHTN Việt Nam-Hội đồng Đội huyện Ia Grai, Chi hội Nhà báo các Báo thường trú tại Gia Lai tổ chức Ngày hội “Tháng ba biên giới” với chủ đề “Biên cương Tổ quốc tôi” tại Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc (xã Ia O, huyện Ia Grai).