Công trình nước sạch hơn nửa tỷ đồng bị bỏ hoang

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Công trình nước sinh hoạt tập trung làng Gran, xã Ia Hlốp do Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Sê (Gia Lai) làm chủ đầu tư xây dựng với kinh phí hơn 500 triệu đồng và đưa vào sử dụng cuối năm 2012. Nhưng công trình này lại không được sử dụng một cách hiệu quả dẫn đến hư hỏng và bị bỏ hoang gần 1 năm nay.
Chị Rơ Mah Xuân (làng Gran) cho biết, gia đình chị cũng có giếng nước nhưng vì không thường xuyên nạo vét nên nguồn nước không đảm bảo vệ sinh. Do đó, trước đây, chị thường xuyên ra giọt nước của làng cách nhà hơn 1 km để lấy nước về uống, còn nước giếng chỉ dùng để tắm giặt. Cuối năm 2012, khi công trình nước sinh hoạt tập trung làng Gran được đưa vào sử dụng kéo nước về tận nhà, dân làng rất phấn khởi. Thế nhưng, chỉ 2 tháng sau, đường ống dẫn nước từ công trình này đã bị hư hỏng nên gia đình chị không còn được sử dụng nguồn nước sạch này nữa. “Nước sạch không còn nên gia đình tôi phải quay trở lại lấy nước giọt về dùng. Vào mùa khô, nhiều hộ cũng đi lấy nước nên tôi thường phải dậy từ 3 giờ sáng để không phải mất công chờ”-chị Xuân cho hay.
  Công trình nước sinh hoạt tập trung làng Gran (xã Ia Hlốp, huyện Chư Sê) hiện đang xuống cấp, hư hỏng.       Ảnh: H.T
Công trình nước sinh hoạt tập trung làng Gran (xã Ia Hlốp, huyện Chư Sê) hiện đang xuống cấp, hư hỏng. Ảnh: H.T
Cách nhà chị Xuân gần 500 m, gia đình chị Rah Lan Len cũng phải ngày ngày ra suối lấy nước về uống mặc dù hệ thống ống dẫn nước từ công trình nước sinh hoạt tập trung của làng kéo tới tận nhà. Theo chị Len, trước đây, gia đình chị có thói quen ra con suối gần nhà lấy nước về sử dụng. Khi công trình nước sinh hoạt tập trung của làng được đưa vào sử dụng, gia đình chị không còn phải ra suối lấy nước nữa. Tuy nhiên, mới được 2 tháng, thấy nhiều hộ dân ngưng sử dụng nước từ công trình này vì không có tiền đóng tiền điện, gia đình chị cũng ngưng theo. “Thời gian gần đây, nhiều lần sử dụng nước suối để uống, con mình hay bị đau bụng nên mình cũng muốn sử dụng lại nước từ công trình. Song vì công trình bị hỏng nên đành phải sử dụng nước suối”-chị Len tâm sự.
Dẫn chúng tôi ra công trình nước sinh hoạt tập trung, Trưởng thôn Rơ Mah Híp cho biết, thực tế, 97 hộ dân của làng đều có giếng nước nhưng các giếng này chỉ sâu từ 25 m trở lại nên thường xuyên bị cạn vào mùa khô. Bên cạnh đó, người dân còn có quan niệm nước để uống nhất định phải là nước tự chảy. Vì vậy, họ thường ra suối hoặc các giọt nước lấy nước về uống dù không đảm bảo vệ sinh. Khi công trình nước sinh hoạt tập trung của làng đi vào hoạt động, có 14/97 hộ được lắp đường ống dẫn nước về nhà. Tất cả họ đều tin tưởng sử dụng vì cho rằng nước được dẫn từ công trình qua hệ thống ống cũng là nước tự chảy. Tuy nhiên, sau khi sử dụng được 2 tháng, ngoài một số đường ống bị hỏng, nhiều hộ vì không có tiền đóng tiền điện đã ngưng sử dụng. Đến mùa khô năm 2016, thời tiết khô hạn dẫn đến thiếu nước trầm trọng, người dân mới sử dụng lại nước từ công trình nhưng cũng chỉ được 2 tháng. Do ít được sử dụng nên đến đầu năm 2018, công trình đã bị hư hỏng. “Khi công trình ngưng sử dụng và sau đó bị hư hỏng, người dân tiếp tục lấy nước từ các giọt về uống nên không đảm bảo vệ sinh. Do đó, chúng tôi mong Nhà nước quan tâm sửa chữa và hỗ trợ tiền điện để người dân có nước sạch sử dụng”-ông Híp kiến nghị.
Ông Nguyễn Văn Đương-Chủ tịch UBND xã Ia Hlốp-cho biết: Công trình nước sinh hoạt tập trung làng Gran được xây dựng từ nguồn vốn Chương trình 134 với tổng kinh phí trên 506 triệu đồng. Sau khi đưa vào sử dụng hồi tháng 10-2012, xã đã bàn giao công trình cho thôn quản lý. Đầu năm 2018, xã đã phối hợp với ngành chức năng của huyện xuống kiểm tra và phát hiện công trình bị hư hỏng. Trong khi đó, 83 hộ dân của làng chưa được lắp đặt đường ống dẫn nước cũng có nhu cầu sử dụng nguồn nước sạch. Vì vậy, để giải quyết tạm thời vấn đề này, UBND xã đã làm việc với Trường THCS Nguyễn Chí Thanh (đứng chân trên địa bàn làng) xin nước sạch từ công trình của trường cho người dân sử dụng. “Ngoài công trình nước sinh hoạt tập trung làng Gran, trên địa bàn xã còn có công trình nước sinh hoạt tập trung làng Plong 2 cũng bị hư hỏng nhiều năm. Do đó, xã đã có tờ trình gửi UBND huyện, Phòng Nông nghiệp và PTNT đề nghị quan tâm hỗ trợ kinh phí sửa chữa, nâng cấp nhằm phát huy hiệu quả của công trình cũng như cấp nước sạch cho người dân sử dụng”-ông Đương cho hay.
Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Văn Hợp-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Sê-cho biết, công trình nước sinh hoạt tập trung làng Gran và làng Plong 2 là 2 trong nhiều công trình nước sinh hoạt tập trung trên địa bàn huyện sử dụng không hiệu quả. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến điều này nhưng chủ yếu là do người dân không đóng tiền điện, không sử dụng dẫn đến hư hỏng. Hiện tại, Phòng đang tổng hợp các công trình sử dụng không hiệu quả trên toàn huyện và thu thập ý kiến của xã để có hướng xử lý phù hợp. “Nếu các xã cam kết quản lý tốt các công trình nói trên thì huyện sẽ tiến hành sửa chữa. Nếu không, huyện sẵn sàng đưa nước từ Nhà máy nước Chư Sê về các xã, trong đó có xã Ia Hlốp theo chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn do Ngân hàng Thế giới tài trợ. Tuy nhiên, dù là giải quyết theo hướng nào thì UBND các xã phải vận động người dân cam kết sử dụng nước sạch thì mới phát huy được hiệu quả”-ông Hợp nói.
Hồng Thương

Có thể bạn quan tâm

Việc tốt quanh ta

Việc tốt quanh ta

(GLO)- Cuộc sống hàng ngày quanh ta có rất nhiều người tốt với việc làm có ích, thiết thực cho cộng đồng, xã hội.
“Thân cò” nuôi chồng bị mù và 3 con nhỏ

“Thân cò” nuôi chồng bị mù và 3 con nhỏ

(GLO)- Nhà nghèo, nuôi 3 con nhỏ, lại thêm người chồng đột nhiên bị mù cả 2 mắt nên gánh nặng cơm áo hàng ngày càng đè lên đôi vai gầy của chị Rơ Châm Thủy (SN 1984, trú tại làng Kênh, xã Nghĩa Hòa, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai).
 Ngày hội “Tháng ba biên giới” tại xã Ia O

Ngày hội “Tháng ba biên giới” tại xã Ia O

(GLO)- Ngày 23-3, Nhóm từ thiện Fly To Sky phối hợp với Huyện Đoàn-Hội LHTN Việt Nam-Hội đồng Đội huyện Ia Grai, Chi hội Nhà báo các Báo thường trú tại Gia Lai tổ chức Ngày hội “Tháng ba biên giới” với chủ đề “Biên cương Tổ quốc tôi” tại Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc (xã Ia O, huyện Ia Grai).
Gia Lai sửa đổi, bổ sung quy định về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân

Gia Lai sửa đổi, bổ sung quy định về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân

(GLO)- Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai vừa ban hành quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều của quy định về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân trên địa bàn tỉnh.