Siết chặt quản lý, bảo vệ rừng giáp ranh Gia Lai-Kon Tum

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thời gian qua, khu vực rừng giáp ranh giữa 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum vẫn bị lâm tặc lén lút khai thác lâm sản trái phép. Trước tình hình này, mới đây, UBND 2 tỉnh đã ký kết quy chế phối hợp trong công tác quản lý bảo vệ rừng tại vùng giáp ranh.

Gia Lai có khu vực rừng trải dài trên 200 km qua các huyện: Kbang, Đak Đoa, Chư Pah và Ia Grai (Gia Lai) giáp ranh với các huyện: Kon Plông, Kon Rẫy, Sa Thầy, Ia H’Dai và TP. Kon Tum (tỉnh Kon Tum). Theo đánh giá của cơ quan chức năng, đời sống người dân ở gần khu vực rừng giáp ranh còn nghèo. Mạng lưới thông tin liên lạc khu vực này cũng không thuận lợi, địa hình đồi dốc, giao thông đi lại rất khó khăn. Bên cạnh đó, rừng giáp ranh có nhiều loại gỗ có giá trị kinh tế cao nên bị lâm tặc lén lút khai thác trái phép, trong khi lực lượng Kiểm lâm và quản lý bảo vệ rừng mỏng…

 

Lãnh đạo 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum ký kết quy chế phối hợp quản lý bảo vệ rừng vùng giáp ranh. Ảnh: N.D
Lãnh đạo 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum ký kết quy chế phối hợp quản lý bảo vệ rừng vùng giáp ranh. Ảnh: N.D

Ông Nguyễn Hữu Long-Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Đak Đoa, cho biết: “Tại khu vực rừng giáp ranh giữa xã Hà Đông (huyện Đak Đoa) với xã Đak Pne (huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum), giao thông đi lại rất khó khăn, chủ yếu từ phía Kon Tum đi qua và không có đường giao thông dẫn về xã Hà Đông. Mỗi khi tuần tra kiểm soát khu vực rừng giáp ranh, lực lượng chức năng của xã và kiểm lâm địa bàn chỉ đi xe máy được từ trung tâm xã tới chân núi, sau đó phải lội bộ băng rừng khoảng 2 giờ đồng hồ mới tới nơi. Vì vậy, việc tuần tra kiểm soát, tiếp cận hiện trường rất khó khăn. Đặc biệt, nếu phát hiện gỗ và tang vật vi phạm tại khu vực trên thì việc vận chuyển về Gia Lai rất khó bởi không có đường giao thông”.

Thời gian qua, Chi cục Kiểm lâm 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum cùng các địa phương, lực lượng chức năng có rừng giáp ranh đã ký kết quy chế phối hợp quản lý bảo vệ rừng. Theo đó, các địa phương, lực lượng chức năng thường xuyên tổ chức các đợt tuyên truyền, phổ biến Luật Bảo vệ và Phát triển rừng cho người dân và cộng đồng các thôn, làng không xâm hại đến tài nguyên rừng. Lực lượng chức năng 2 tỉnh cũng phối hợp tổ chức kiểm tra, truy quét nhằm ngăn chặn kịp thời các vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng. Tuy vậy, tình hình vi phạm vẫn diễn biến phức tạp.

Để tăng cường hơn nữa quan hệ phối hợp giữa chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng trong công tác quản lý bảo vệ rừng vùng giáp ranh; phát hiện, ngăn chặn kịp thời các vụ cháy rừng, khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép; nâng cao năng lực cho lực lượng quản lý bảo vệ rừng, mới đây, UBND 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum đã ký kết quy chế phối hợp trong công tác quản lý bảo vệ rừng và quản lý lâm sản vùng giáp ranh. Qua đó nhằm giúp UBND 2 tỉnh chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tham mưu phối hợp, trao đổi thông tin về tình hình quản lý bảo vệ rừng, các điểm nóng phá rừng, khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép... để quản lý bảo vệ rừng một cách hiệu quả nhất.

Ông Lại Xuân Lâm-Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum, cho biết: Gia Lai và Kon Tum có vùng rừng giáp ranh kéo dài, trữ lượng gỗ lớn nên lâm tặc lợi dụng để khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép, gây khó khăn cho công tác quản lý. Qua 1 năm thực hiện quy chế phối hợp giữa Chi cục Kiểm lâm 2 tỉnh, các đơn vị vùng giáp ranh đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt, tạo được sự chuyển biến rõ nét. Tuy nhiên, quy chế phối hợp này còn hạn chế dẫn đến tài nguyên rừng khu vực giáp ranh vẫn bị xâm hại nhưng chưa được phát hiện và ngăn chặn kịp thời; sự phối hợp giữa lực lượng Kiểm lâm khu vực giáp ranh mới ở mức gặp gỡ trao đổi thông tin, chưa có kế hoạch hành động cụ thể để tổ chức truy quét chung... Thông qua quy chế phối hợp giữa 2 tỉnh vừa ký kết, trong thời gian tới, các địa phương, lực lượng chức năng của 2 tỉnh sẽ thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và PTNT, của Tỉnh ủy, UBND 2 tỉnh về công tác quản lý bảo vệ rừng.

Còn ông Kpă Thuyên-Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai thì nhấn mạnh: Thời gian qua, Chi cục Kiểm lâm 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum đã ký kết quy chế phối hợp, thường xuyên thông tin cho nhau về tình hình vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng ở các vùng giáp ranh; tạo điều kiện cho nhau trong việc xử lý vi phạm nên công tác quản lý bảo vệ rừng vùng giáp ranh đã có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn xảy ra một số vụ khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép dọc theo vùng giáp ranh giữa 2 tỉnh, ảnh hưởng đến kế hoạch quản lý bảo vệ rừng chung. Việc ký kết quy chế phối hợp giữa 2 tỉnh thể hiện sự quyết tâm của lãnh đạo 2 tỉnh trong công tác quản lý bảo vệ rừng giáp ranh.

Từ đầu năm 2017 đến nay, lực lượng Kiểm lâm các vùng giáp ranh giữa 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum đã phát hiện và xử lý 32 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng. Trong đó, Hạt Kiểm lâm huyện Ia Grai phát hiện, xử lý 24 vụ cất giữ và vận chuyển lâm sản trái phép, tạm giữ 68,756 m3 gỗ các loại cùng 10 xe ô tô, 2 xe máy. Hạt Kiểm lâm huyện Chư Pah phát hiện 7 vụ, trong đó xử phạt vi phạm hành chính 5 vụ, tịch thu 21,516 m3 gỗ xẻ, xử lý hình sự 2 vụ, tịch thu 52,499 m3 gỗ tròn. Hạt Kiểm lâm huyện Đak Đoa và Kon Rẫy phát hiện 1 vụ…

Nguyễn Diệp

Có thể bạn quan tâm

Việc tốt quanh ta

Việc tốt quanh ta

(GLO)- Cuộc sống hàng ngày quanh ta có rất nhiều người tốt với việc làm có ích, thiết thực cho cộng đồng, xã hội.
“Thân cò” nuôi chồng bị mù và 3 con nhỏ

“Thân cò” nuôi chồng bị mù và 3 con nhỏ

(GLO)- Nhà nghèo, nuôi 3 con nhỏ, lại thêm người chồng đột nhiên bị mù cả 2 mắt nên gánh nặng cơm áo hàng ngày càng đè lên đôi vai gầy của chị Rơ Châm Thủy (SN 1984, trú tại làng Kênh, xã Nghĩa Hòa, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai).
 Ngày hội “Tháng ba biên giới” tại xã Ia O

Ngày hội “Tháng ba biên giới” tại xã Ia O

(GLO)- Ngày 23-3, Nhóm từ thiện Fly To Sky phối hợp với Huyện Đoàn-Hội LHTN Việt Nam-Hội đồng Đội huyện Ia Grai, Chi hội Nhà báo các Báo thường trú tại Gia Lai tổ chức Ngày hội “Tháng ba biên giới” với chủ đề “Biên cương Tổ quốc tôi” tại Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc (xã Ia O, huyện Ia Grai).
Gia Lai sửa đổi, bổ sung quy định về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân

Gia Lai sửa đổi, bổ sung quy định về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân

(GLO)- Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai vừa ban hành quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều của quy định về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân trên địa bàn tỉnh.