Vì sao tội phạm gia tăng trong thanh-thiếu niên dân tộc thiểu số?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nhiều năm trở lại đây, tình hình phạm tội trong thanh-thiếu niên nói chung, nhất là thanh niên dân tộc thiểu số, gia tăng đáng báo động. Thanh niên ngày càng bốc đồng, thiếu kiềm chế, dễ dàng gây sự, hành xử với nhau bằng dao, kiếm xuất hiện nhan nhản trên báo chí.

Mới đây nhất, đêm 28-2, tại một rẫy điều ở huyện Đức Cơ, cha con ông Đào Duy Điều (SN 1963) và Đào Duy Toàn (SN 1988, quê ở xã Hoài Đức, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định) đang ở lán trại của mình thì bị nhóm 6 thanh niên ở 2 làng khác nhau tại xã Ia Lang (huyện Đức Cơ) đến gây sự, chém thương vong.

 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Nhóm thanh niên vô cớ gây gổ, thách thức với những người trong lán trại chứ không phải cha con ông Điều, nhưng lại chém họ, những người chẳng hề có mâu thuẫn gì với mình. Việc vô cớ gây thương tích, tước đoạt mạng sống của người khác của nhóm thanh niên này rồi đây sẽ bị pháp luật trừng trị. Pháp luật giải quyết sự việc của từng cá nhân riêng lẻ, song sự đổ vỡ về đạo đức và văn hóa mới là vấn đề đáng bàn của xã hội.

Nếu nhìn lại khoảng 25-30 năm trước, tình trạng phạm tội đâm chém, cướp giật, hiếp dâm... trong thanh-thiếu niên đồng bào dân tộc thiểu số rất hiếm xảy ra. Thanh niên đồng bào các dân tộc vốn chất phác, hiền lành, răm rắp nghe lời cha mẹ, người già, tuân thủ luật tục. Khi làm điều gì trái với luật tục, họ không chỉ sợ người làng phát hiện xử lý mà còn lo có thần linh chứng giám, trừng phạt. Các thành viên trong mỗi cộng đồng nơm nớp nỗi lo bị dân làng tẩy chay, ruồng bỏ, đuổi khỏi làng, sống lang thang cô đơn, lạnh lẽo giữa núi rừng hoang vu, xa lạ. Cái xấu, cái ác trong mỗi con người vì thế được kìm hãm, răn đe, làm điều gì cũng ý thức hậu họa. Giá trị của luân thường đạo lý, tập tục biến thành “đức trị” là thế.

Nét đẹp văn hóa ngàn đời ấy của người dân lưu truyền qua các thế hệ dần dần bị sự tác động của xã hội hiện đại và pháp trị. Điện, đường, trường, trạm mở ra, đời sống vật chất kinh tế của người dân được nâng cao, đời sống hiện đại gõ cửa từng buôn làng, góc nhà; thanh-thiếu niên là đối tượng đầu tiên bị tác động. Khi nét văn hóa truyền thống chưa kịp thấm vào từng người thì các thứ văn hóa lai căng đã nhan nhản khắp nơi. Phim ảnh bạo lực, đồi trụy; trang mạng đen dễ tìm hơn cơm ăn nước uống hàng ngày. Cái tốt cái đẹp cần được rèn giũa, tôi luyện hàng ngày mới hình thành, trong khi cái xấu, cái ác dễ tiêm nhiễm như trở bàn tay .

Bên cạnh sự đổ vỡ niềm tin vào các thế lực siêu nhiên, đời sống tinh thần của các buôn làng còn chịu va đập mạnh bởi nhu cầu vật chất. Thanh-thiếu niên đồng bào dân tộc thiểu số bị kích thích mạnh mẽ bởi những ham muốn tiêu dùng. Điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, trình độ sản xuất thấp, kinh tế khó khăn, song nhu cầu thụ hưởng những thành tựu khoa học kỹ thuật khiến ham muốn của thanh-thiếu niên nông thôn không dễ quay lưng. Tiền cha mẹ làm ra không đáng bao nhiêu, lo ăn lo mặc đã khó, song các em lại muốn ăn ngon, mặc đẹp, nhuộm tóc xanh, tóc đỏ, muốn có xe máy, điện thoại xịn... mà gia đình mỗi năm thu hoạch nương bắp, rẫy mì trang trải nợ nần còn lo trăm thứ. Đấy là chưa kể nhiều người quanh năm túng thiếu, tiền ăn học của con không đủ nói gì đến sự đua đòi này nọ của con cái.

Còn một thứ tác động nữa làm tâm lý một số người dân đồng bào tại chỗ dao động, đó là so bì tình trạng giàu lên của những người nơi khác đến buôn làng sinh cư, lập nghiệp. Họ đến buôn bán, mua đất đai đầu tư làm ăn, năm ba năm sau có của ăn, của để. Đồng bào tại chỗ vẫn bảo thủ với tập quán canh tác cũ, nếp sống cũ nên năng suất thấp, đời sống kinh tế nhiều năm vẫn ít thay đổi. Trừ một số người cũng chịu khó học hỏi làm giàu, đa phần người dân nông nghiệp không dễ tiếp thu cái mới nên vẫn cứ nghèo. Giàu nghèo phân hóa, kéo theo những hệ quả đáng lo về mặt xã hội.

Một khi nhận thức pháp luật còn mơ hồ, nền tảng văn hóa truyền thống bị đổ vỡ thì cái xấu, cái ác dễ xâm lấn vào mỗi con người. Cái xấu tác động vào nhận thức non nớt, nó làm cho tình hình phạm pháp trong thanh-thiếu niên đồng bào dân tộc thiểu số gia tăng. Để ngăn chặn, đẩy lùi được vấn đề này, rất cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, toàn xã hội chứ không riêng gì các cơ quan bảo vệ pháp luật.

Nhật Cường

Có thể bạn quan tâm

Việc tốt quanh ta

Việc tốt quanh ta

(GLO)- Cuộc sống hàng ngày quanh ta có rất nhiều người tốt với việc làm có ích, thiết thực cho cộng đồng, xã hội.
“Thân cò” nuôi chồng bị mù và 3 con nhỏ

“Thân cò” nuôi chồng bị mù và 3 con nhỏ

(GLO)- Nhà nghèo, nuôi 3 con nhỏ, lại thêm người chồng đột nhiên bị mù cả 2 mắt nên gánh nặng cơm áo hàng ngày càng đè lên đôi vai gầy của chị Rơ Châm Thủy (SN 1984, trú tại làng Kênh, xã Nghĩa Hòa, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai).