Nỗi lo "bảo kê" dưa hấu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Người trồng dưa hấu ở các huyện, thị xã phía Đông Nam tỉnh đang bước vào vụ thu hoạch với tâm lý phấn khởi khi dưa được mùa, được giá. Tuy nhiên, nhiều chủ dưa đang phập phồng nỗi lo bị các đối tượng giang hồ đòi “bảo kê” ruộng dưa như những năm trước. 
Những năm trước, cứ vào vụ thu hoạch dưa hấu, ở khu vực Đông Nam tỉnh lại xuất hiện tình trạng các đối tượng giang hồ nhảy vào đòi “bảo kê”, o ép các chủ ruộng dưa để kiếm lợi bất chính. Điều này gây rất nhiều bức xúc cho người trồng dưa hấu nơi đây.  
Hầu hết các chủ ruộng dưa hấu tại các huyện phía Đông Nam tỉnh đều chung nỗi lo bị các đối tượng giang hồ
Hầu hết các chủ ruộng dưa hấu tại các huyện phía Đông Nam tỉnh đều chung nỗi lo bị các đối tượng giang hồ "bảo kê", ép giá. Ảnh: Q.T
Anh T.N.T. (trú tại huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định) là người có nhiều năm lên thị xã Ayun Pa thuê đất trồng dưa hấu. Anh T. cho biết, hầu như năm nào gia đình anh  cũng bị các đối tượng giang hồ đến đòi “bảo kê”, ép giá mua dưa xô (dưa loại 2) để bán ở thị trường nội địa. “Năm ngoái, tôi thuê đất trồng dưa hấu ở xã Ia Rtô, thị xã Ayun Pa. Đến thời điểm thu hoạch, ở khu vực quanh ruộng dưa của tôi xuất hiện một nhóm thanh niên chặn không cho xe của thương lái vào mua dưa. Chúng đòi thương lái phải đóng cho từ 1 đến 2 triệu đồng/xe mới được vào. Không những đòi tiền “lộ phí”, chúng còn buộc người dân bán dưa loại 2 với giá “bèo”. Chẳng hạn, nếu mình bán cho thương lái được 20 triệu đồng thì chúng ép mình bán cho chúng với giá khoảng 5-7 triệu đồng, hên lắm thì bán được nửa giá thị trường. Cuối cùng thì người trồng dưa vẫn phải chịu hết thua thiệt. Vì vậy, chúng tôi rất mong ngành chức năng có biện pháp để ngăn chặn tình trạng này, giúp người trồng dưa đỡ khổ”-anh T. cho biết. 
Người trồng dưa hấu phấn khởi khi dưa được mùa, được giá. Ảnh: Q.T
Người trồng dưa hấu phấn khởi khi dưa được mùa, được giá. Ảnh: Q.T
Tương tự, anh V.T.H. (trú tại huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định) cũng khá bức xúc khi nhớ lại vụ dưa hấu năm ngoái bị một nhóm giang hồ vào đòi “bảo kê”, ép giá mua dưa. “Sau khi bán xong dưa tuyển để xuất khẩu sang Trung Quốc, tôi gọi cả chục thương lái vào mua số dưa loại 2 nhưng không ai dám vào mua vì sợ các đối tượng “bảo kê” ở đây. Cuối cùng, tôi đành bán cho chúng số dưa này với giá 4 triệu đồng. Trong khi đống dưa loại 2 này nếu bán cho thương lái thì phải được trên 20 triệu đồng. Dù xót của nhưng tôi cũng đành chấp nhận”-anh H. cho hay. 
Lên xã Ia Rsươm (huyện Krông Pa) thuê đất trồng dưa hấu, ông Đ.V.T. (trú tại huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định) cũng đang lo bị các đối tượng giang hồ đòi “bảo kê”. Ông T. cho biết: “Chỉ còn vài ngày nữa là đến thời điểm thu hoạch dưa. Các năm trước, sau khi bán dưa loại 1, chúng tôi thường bị một nhóm người lạ vào ép phải bán dưa loại 2, loại 3 với giá rất thấp. Có khi chỉ nhận được vài triệu đồng, trong khi các đối tượng này bán sang tay đến vài chục triệu đồng. Mồ hôi nước mắt đổ ra đến kỳ thi hoạch lại không được hưởng nhưng chúng tôi cũng đành chấp nhận”-ông T. nói.
Theo Đại úy Bùi Tất Thắng-Phó Trưởng Công an thị xã Ayun Pa, để ngăn chặn tình trạng “bảo kê” dưa hấu, ngay từ đầu tháng 2-2018, Công an thị xã Ayun Pa đã triển khai lực lượng trinh sát hình sự phối hợp với Công an các xã, phường đến từng ruộng dưa để nắm bắt tình hình cũng như làm việc với từng chủ dưa xem có người lạ tới ép giá, đòi “bảo kê” hay không. Đồng thời, Công an thị xã cung cấp số điện thoại để các chủ dưa chủ động gọi báo khi bị các đối tượng lạ mặt đến đòi “bảo kê”, o ép giá. 
Cũng theo Đại úy Thắng, vào ngày 2-2 vừa qua, trên địa bàn thôn Đức Lập (xã Ia Rtô, thị xã Ayun Pa) xảy ra một vụ đánh nhau liên quan đến việc tranh giành mua dưa giữa một nhóm 4 đối tượng ở phường Đoàn Kết và phường Sông Bờ (thị xã Ayun Pa) với các chủ dưa. Nhưng nhờ Công an thị xã kịp thời triển khai lực lượng ngăn chặn nên không có sự việc đáng tiếc xảy ra. Sau đó, Công an thị xã đã gọi các đối tượng này lên làm việc và yêu cầu viết giấy cam đoan không tái phạm.
Tấn Huy

Có thể bạn quan tâm

Ẩn họa từ hàng rong trước cổng trường

Ẩn họa từ hàng rong trước cổng trường

(GLO)- Tại khu vực xung quanh các trường tiểu học, THCS trên địa bàn tỉnh Gia Lai, nhất là ở TP. Pleiku có nhiều hàng rong, hàng quán vỉa hè bán đồ ăn uống không có nhãn mác, nguồn gốc. Thực tế này luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm.

Mùa nước cạn ven hồ Ayun Hạ

Mùa nước cạn ven hồ Ayun Hạ

(GLO)- Những ngày nắng nóng tháng 4, dọc ven hồ Ayun Hạ thuộc địa phận xã Ayun, huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai), đông đảo người dân lại kéo nhau ra cào hến, bắt cá, tép, vừa cải thiện bữa ăn, vừa bán để kiếm thêm thu nhập.
Ông ba Bông “vác tù và hàng tổng”

Ông ba Bông “vác tù và hàng tổng”

(GLO)- “Cứ việc gì đem lại lợi ích cho bà con thì làm thôi”-một câu nói nhẹ tênh nhưng thể hiện tinh thần trách nhiệm đối với cộng đồng của ông Trần Đình Bông (thôn 3, xã Nam Yang, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai).
Vượt lên khiếm khuyết để tỏa sáng

Vượt lên khiếm khuyết để tỏa sáng

(GLO)- Trong cuộc sống có rất nhiều người sinh ra và lớn lên khi không may bị khiếm khuyết một phần của cơ thể, dù vậy, họ không chấp nhận phó mặc cho số phận mà nỗ lực vươn lên và tỏa sáng giữa đời thường.
Đak Pơ kiên quyết đóng cửa bãi rác gây ô nhiễm

Đak Pơ kiên quyết đóng cửa bãi rác gây ô nhiễm

(GLO)- Dù bãi rác thải cũ của huyện ở thôn 4 (xã An Thành) đã đóng cửa nhưng nhiều người dân vẫn lén lút đổ rác, gây ô nhiễm môi trường. Huyện Đak Pơ chỉ đạo phòng chức năng và các địa phương triển khai các giải pháp ngăn ngừa tình trạng đổ rác trái phép và cải tạo môi trường nơi đây.