Công trình ý nghĩa với người dân vùng khó

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Vào đúng dịp Xuân Mậu Tuất 2018, công trình cống liên hợp tràn đường qua xã Chư Krey (huyện Kông Chro, Gia Lai) do Dự án Giảm nghèo khu vực Tây Nguyên đầu tư xây dựng được đưa vào sử dụng đã biến ước mong lâu nay của người dân vùng khó này thành hiện thực.

Đi trên cống liên hợp tràn đường qua xã Chư Krey, người dân 2 xã Chư Krey và Đak Pơ Pho đều chung một niềm hân hoan. Bởi trước đây, vào mùa mưa, muốn đi lại, vận chuyển hàng hóa qua đoạn suối Pơ Pho trên tuyến đường này, bà con gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều khi nước suối dâng cao, người dân sống 2 bên suối chỉ biết đứng nhìn, không thể qua lại. “Đã quá nửa đời người sống ở đây, hôm nay, đi trên cống liên hợp tràn, trong lòng mình bồi hồi khó tả lắm. Đoạn suối Pơ Pho này bình thường hiền hòa nhưng mỗi khi mưa lũ, nó như một thác dữ”-ông Đinh Rưi-Phó Trưởng thôn Ry Rao (xã Đak Pơ Pho), cho biết.

 

Công trình cống liên hợp tràn đường qua xã Chư Krey vừa đưa vào sử dụng. Ảnh: Đ.Y
Công trình cống liên hợp tràn đường qua xã Chư Krey vừa đưa vào sử dụng. Ảnh: Đ.Y

Khoát tay bao quát công trình cống liên hợp tràn, ông Vũ Đức Động-Phó Chủ tịch UBND xã, kiêm Trưởng ban Phát triển xã Đak Pơ Pho, cho biết: “Cống liên hợp tràn đường qua xã Chư Krey là công trình kết nối cấp huyện với tổng kinh phí trên 2,6 tỷ đồng do Dự án Giảm nghèo khu vực Tây Nguyên đầu tư. Cống được xây dựng bằng bê tông cốt thép vĩnh cửu, dài 800 m, rộng 3 m, cao trên 2 m. Trong quá trình triển khai, Ban Phát triển xã cùng với Ban Quản lý Dự án Giảm nghèo khu vực Tây Nguyên huyện, tỉnh đi khảo sát thực tế địa hình phục vụ cho việc thiết kế, thẩm định, phê duyệt hồ sơ thiết kế. Đồng thời, thông báo với người dân trên địa bàn về việc Dự án hỗ trợ đầu tư. Bà con ở 2 xã đều rất vui mừng. Giữa tháng 8-2017, công trình được khởi công. Công tác thi công được kiểm soát tất cả các khâu, từ vật tư đầu vào cho đến kỹ thuật nên công trình triển khai đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng đề ra”.

Công trình đưa vào sử dụng đang phát huy hiệu quả, giúp người dân 2 xã Chư Krey và Đak Pơ Pho đi lại thuận lợi, vận chuyển hàng hóa thuận tiện, tạo động lực cho sự phát triển kinh tế-xã hội nơi đây. Ngoài ra, nhiều diện tích trồng lúa rẫy trước đây người dân bỏ hoang do đi lại khó khăn, giờ đây đã được khai hoang trở lại. Xã Đak Pơ Pho đang tập trung hướng dẫn người dân chuyển diện tích này sang trồng mía và bắp lai để nâng cao thu nhập.

Đang trên đường đi làm về, anh Đinh Chur (xã Chư Krey) chia sẻ: “Trước đây, mỗi khi mùa mưa đến, mình phải vận chuyển nông sản bằng xe máy qua bên kia suối thì ô tô của thương lái mới mua hàng. Bây giờ, công trình cống liên hợp tràn đã hoàn thành, ô tô của thương lái có thể dễ dàng đến tận rẫy, mình đỡ vất vả chở hàng, tiết kiệm tiền xăng và thời gian, đồng thời không còn bị thương lái ép giá như trước. Học sinh đến trường, bà con đi lại cũng thuận tiện. Nếu không có Dự án Giảm nghèo khu vực Tây Nguyên thì không biết đến bao giờ người dân mới đi lại thuận lợi như thế này”.

Công trình hoàn thành đưa vào sử dụng đã giúp xóa bỏ những khó khăn trước đây. Giao thông được cải thiện, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội cho 2 xã nói riêng và huyện Kông Chro nói chung. “Nhà mình có 2 ha mía, 2 sào bắp bên kia suối. Trước đây, mỗi lần đi làm cỏ hay thu hoạch mía, bắp đều phải lội qua suối rất nguy hiểm. Vì vậy, mỗi tuần mình chỉ đi làm cỏ và thăm mía, bắp được vài lần nên năng suất thấp. Đã thế, giá chở bắp, lúa cũng đắt đỏ, rẫy cách nhà có 600 m nhưng phải thuê xe chở 600.000-700.000 đồng/3 tấn bắp. Còn để thương lái vào rẫy mua, giá thị trường là 3.500 đồng/kg thì họ ép xuống còn 2.500 đồng/kg nhưng cũng phải bán. Giờ có đường đi lại thuận lợi, giá chở bắp giảm xuống chỉ còn khoảng 200.000-300.000 đồng/3 tấn thôi. Bắp làm ra cũng được thương lái mua bằng giá thị trường”-anh Đinh Nhớp (xã Chư Krey) nói.

Để công trình này đi vào vận hành hiệu quả, ông Vũ Đức Động nhấn mạnh: “Công trình cống liên hợp tràn là huyết mạch giao thông của xã. Đây là công trình mang giá trị nhân văn sâu sắc mà Dự án Giảm nghèo khu vực Tây Nguyên đem lại cho người nghèo chúng tôi. Chúng tôi sẽ có trách nhiệm bảo quản, duy tu, sửa chữa để công trình được vững bền”.

Đinh Yến

Có thể bạn quan tâm

Tuyển chọn thực tập sinh nam đi thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản hưởng lương 24-35 triệu đồng/tháng

Tuyển chọn thực tập sinh nam đi thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản hưởng lương 24-35 triệu đồng/tháng

(GLO)- Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai vừa có công văn về phối hợp triển khai kế hoạch tuyển chọn thực tập sinh nam đi thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản đợt 2/2024 với mức lương từ 24 đến 35 triệu đồng/tháng theo thông báo của Trung tâm Lao động ngoài nước.
Chuyển công tác Giám đốc Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Đak Đoa

Chuyển công tác Giám đốc Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Đak Đoa

(GLO)-Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai (ĐKĐĐ) tỉnh Gia Lai Trịnh Hữu Tùng vừa ký Quyết định số 99/QĐ-VPĐKĐĐ về việc điều động, bổ nhiệm bà Trần Thị Kim Tuyến-Giám đốc Chi nhánh Văn phòng ĐKĐĐ huyện Đak Đoa giữ chức vụ Phó Trưởng phòng Thông tin-Lưu trữ thuộc Văn phòng ĐKĐĐ tỉnh.
Mua hàng online

Mua hàng online

(GLO)- Hiện nay, internet bao phủ khắp toàn cầu, nhiều trang web bán hàng online xuất hiện. Trên đó là đủ các mặt hàng thượng vàng hạ cám, phục vụ nhu cầu tiêu dùng của mọi người.