Ia Grai: Hàng trăm giáo viên hợp đồng bị "nợ" lương

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Miệt mài với sự nghiệp trồng người, nhưng cuộc sống của các giáo viên tại huyện biên giới Ia Grai đang rất chật vật vì chưa nhận được một đồng lương nào từ đầu năm học đến nay.

3 tháng chưa thấy “mặt “ lương

Do tình trạng thiếu giáo viên trầm trọng, rất nhiều đơn vị trường học trên địa bàn huyện Ia Grai đã phải hợp đồng thêm giáo viên và nhân viên. Tuy nhiên, từ đầu năm học 2017-2018, hàng trăm giáo viên, nhân viên vẫn chưa nhận được lương theo hợp đồng lao động. Nhiều giáo viên có hoàn cảnh khó khăn phải vất vả xoay xở để lo các khoản chi tiêu trong cuộc sống.

 

Nhiều giáo viên tại huyện biên giới Ia Grai đang gặp khó khăn trong cuộc sống vì chưa nhận được lương. Ảnh: V.N
Nhiều giáo viên tại huyện biên giới Ia Grai đang gặp khó khăn trong cuộc sống vì chưa nhận được lương. Ảnh: V.N

Cô giáo trẻ T.T.T.T.-giáo viên hợp đồng dạy môn Địa lý tại Trường THCS Phạm Hồng Thái (xã Ia Krai) cho biết: Vừa thỏa ước mơ làm cô giáo gieo chữ vùng biên, cô đã phải đối mặt với rất nhiều khó khăn khi đi dạy suốt 3 tháng trời mà vẫn chưa nhận được tháng lương đầu tiên. Hàng ngày, cô T. vẫn miệt mài đạp xe gần 15 km từ nhà tới trường; tối về, cô lại phải đi bưng bê, phục vụ ở quán cà phê để kiếm thêm đồng chi tiêu. Cô T. buồn bã nói: “Mình cũng không biết lương mình bao nhiêu nữa, hơn 2 triệu đồng thì phải. Mấy tháng đi làm mà không nhận được lương cũng buồn, đôi khi túng thiếu vẫn phải mượn tiền của bố mẹ. Nhưng được đứng lớp là vui rồi, chắc sớm muộn gì cũng có lương thôi”.

Tại Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc (xã Ia O), 4 giáo viên hợp đồng tại đây cũng chưa biết “mặt mũi” đồng lương của mình từ đầu năm học. Thầy Bùi Công Năm-Hiệu trưởng nhà trường, cho hay: Vì thiếu giáo viên đứng lớp nên trường buộc phải hợp đồng thêm giáo viên để đảm bảo công tác dạy học. Là trường vùng sâu, vùng xa, thầy cô đã chịu nhiều thiệt thòi mà đến giờ lại chưa nhận được lương khiến cuộc sống gặp nhiều chật vật, khó khăn. “Nhà trường không có tài khoản riêng nên cũng khó có khoản hỗ trợ tạm thời cho giáo viên. Ban Giám hiệu nhà trường vẫn thường xuyên động viên các thầy cô bám lớp, bám trường vì sự nghiệp giáo dục vùng sâu mà cố gắng. Cũng mong các cấp sớm giải quyết chế độ để thầy cô phấn khởi, an tâm đứng lớp”-thầy Năm trăn trở.  

Theo số liệu của huyện Ia Grai, hiện trên địa bàn huyện có 271 giáo viên, nhân viên hợp đồng, trong đó giáo viên là 165 người, còn lại là nhân viên y tế, thiết bị, văn thư, bảo vệ, kế toán, cấp dưỡng… Ông Phạm Văn Đại-Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ia Grai, cho biết: “Đây cũng là trăn trở của huyện. Trong hội nghị đầu năm học, UBND huyện đã bố trí nguồn kinh phí gần 3,8 tỷ đồng để trả lương cho giáo viên, nhân viên hợp đồng từ tháng 9 đến tháng 12-2017. Nhưng sau khi trình lên Sở Tài chính thì lại gặp vướng mắc nên bây giờ vẫn chưa chi trả được”.

Chờ bộ nội vụ tháo gỡ

Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Dũng-Giám đốc Sở Tài chính cho hay, cơ quan này đã nhận được văn bản đề nghị của UBND huyện Ia Grai về việc bố trí nguồn kinh phí để chi trả lương cho giáo viên, nhân viên hợp đồng. Tuy nhiên, hiện nay việc này đang gặp một số vướng mắc, do đó Sở Tài chính đã có công văn gửi Sở Nội vụ đề nghị tham mưu cho UBND tỉnh tháo gỡ. Theo ông Dũng, tình trạng giáo viên, nhân viên hợp đồng chưa được chi trả lương không chỉ xảy ra tại huyện Ia Grai mà còn ở nhiều địa phương khác trên địa bàn tỉnh.

 

Một cán bộ của Phòng Tổ chức Biên chế và Tổ chức Phi Chính phủ (Sở Nội vụ) cho hay, đây là thực trạng chung của cả nước. Trên thực tế, dân số tăng lên, tỷ lệ học sinh đến trường cũng ngày một tăng; tuy nhiên từ lúc thực hiện Kết luận số 17 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế, tại các địa phương ở Gia Lai đã xuất hiện một số bất cập, nhất là thiếu trầm trọng biên chế viên chức giáo viên Mầm non và Tiểu học. Từ năm 2014 đến nay, các địa phương phát triển trường lớp nhưng không được bổ sung biên chế, lại phải cắt giảm thường xuyên. Riêng năm học 2017-2018, toàn tỉnh thiếu 2.544 giáo viên, nhân viên nhưng không được bổ sung biên chế.

Được biết, ngày 21-11-2017, Sở Nội vụ cũng đã có Văn bản số 1634/SNV-TCBC gửi Bộ Nội vụ để báo cáo về việc triển khai Kết luận số 17 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế. Trong văn bản này, Sở Nội vụ nêu rõ, nếu cấp thẩm quyền không giao đủ biên chế theo định mức hoặc không có cơ chế cho phép cấp huyện sử dụng kinh phí sự nghiệp giáo dục cân đối hàng năm để hợp đồng đủ giáo viên theo định mức thì sẽ xảy ra tình trạng giáo viên hợp đồng bỏ lớp, thiếu giáo viên đứng lớp, không đủ kinh phí dạy tăng, dạy thay, học sinh bỏ học... Sở Nội vụ cũng đề nghị Bộ Nội vụ có ý kiến xử lý tình trạng thiếu giáo viên nói trên và có văn bản phản hồi để địa phương có cơ sở thực hiện.

Lê Văn Ngọc

Có thể bạn quan tâm

Việc tốt quanh ta

Việc tốt quanh ta

(GLO)- Cuộc sống hàng ngày quanh ta có rất nhiều người tốt với việc làm có ích, thiết thực cho cộng đồng, xã hội.
“Thân cò” nuôi chồng bị mù và 3 con nhỏ

“Thân cò” nuôi chồng bị mù và 3 con nhỏ

(GLO)- Nhà nghèo, nuôi 3 con nhỏ, lại thêm người chồng đột nhiên bị mù cả 2 mắt nên gánh nặng cơm áo hàng ngày càng đè lên đôi vai gầy của chị Rơ Châm Thủy (SN 1984, trú tại làng Kênh, xã Nghĩa Hòa, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai).
 Ngày hội “Tháng ba biên giới” tại xã Ia O

Ngày hội “Tháng ba biên giới” tại xã Ia O

(GLO)- Ngày 23-3, Nhóm từ thiện Fly To Sky phối hợp với Huyện Đoàn-Hội LHTN Việt Nam-Hội đồng Đội huyện Ia Grai, Chi hội Nhà báo các Báo thường trú tại Gia Lai tổ chức Ngày hội “Tháng ba biên giới” với chủ đề “Biên cương Tổ quốc tôi” tại Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc (xã Ia O, huyện Ia Grai).