An Khê: Cha mẹ khóc ròng ngóng tin con nghi mất tích

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trong ngôi nhà nhỏ tại thôn 5, xã Thành An, thị xã An Khê, bà Bùi Thị Liên không kiềm được nước mắt khi nhắc đến đứa con gái đang bặt vô âm tín của mình. Suốt gần một năm rưỡi qua, sau nhiều nỗ lực tìm kiếm bất thành, giờ đây, vợ chồng bà Liên chỉ còn biết “cầu trời, khấn Phật” cho con được bình an vô sự và sớm trở về với gia đình.

Năm 1993, vợ chồng bà Bùi Thị Liên và ông Trần Văn Đi rời quê nhà Bình Định lên huyện Chư Sê (Gia Lai) tìm kế sinh nhai. Thế nhưng sau 10 năm gắn bó trên vùng đất mới, cái nghèo cái khổ vẫn chưa chịu buông tha hai vợ chồng khi vườn tiêu cả ngàn trụ bỗng chết rụi chỉ trong vài ngày đổ bệnh. Một lần nữa, ông bà lại quyết định dắt díu con cái về định cư tại thôn 5, xã Thành An, thị xã An Khê từ năm 2013 cho đến giờ.

Ngoài làm thuê, vợ chồng ông Đi còn nhận chăn nuôi bò rẻ để trang trải cuộc sống. Ảnh: Hồng Thi
Ngoài làm thuê, vợ chồng ông Đi còn nhận chăn nuôi bò rẽ để trang trải cuộc sống. Ảnh: Hồng Thi

Cùng với số tiền nhỏ dành dụm được, vợ chồng bà Liên vay ngân hàng thêm 50 triệu đồng để mua đất và xây dựng một căn nhà nhỏ để ở. Không có đất sản xuất, ngày ngày ông bà đi làm thuê kết hợp với nhận chăn nuôi bò rẽ cho nông dân quanh vùng để trang trải cuộc sống và lo cho các con ăn học. Mấy đứa trẻ (trừ cậu con trai út còn quá nhỏ) thấu hiểu được sự vất vả của mẹ cha nên đều sớm có ý thức giúp đỡ gia đình. Trong đó, cô con gái thứ hai-Trần Thị Mỹ Thoa (SN 2000) được coi là đứa lanh lợi, hiểu chuyện và siêng năng nhất nhà. “Vì thấy ba mẹ khổ quá nên mới xong lớp 5 nó đã nằng nặc xin tôi cho nghỉ học để ở nhà đi làm phụ giúp gia đình. Tôi không muốn nhưng cuối cùng đành chấp nhận bởi điều kiện kinh tế cũng chẳng đủ để lo cho cả 4 đứa. Thời gian đầu cháu chỉ ở nhà phụ cơm nước, sau thì cùng tôi đi chặt mía bó, hái ớt, cuốc cỏ mướn... Cực thân nhưng chưa bao giờ nó than thở nửa lời”-bà Liên nhớ lại.

Một ngày giữa tháng 3 Âm lịch (cuối tháng 4-2016-PV), bà Liên cùng Thoa đi hái ớt thuê cho một hộ dân trong vùng. Cảm thương trước hoàn cảnh của gia đình bà Liên nên người hàng xóm mới thông tin rằng mình có cô con gái đang làm việc tại TP. Pleiku biết có một quán cà phê đang cần tuyển nhân viên phục vụ; nếu muốn, sẽ nhờ con giới thiệu Thoa vào làm. Sau khi bàn bạc lại với chồng, cho rằng đây là cơ hội tốt để con mình có thể mưu sinh nhẹ nhàng hơn hiện tại nên vài hôm sau, bà Liên đưa Thoa lên TP. Pleiku để xin việc. “Phần tin tưởng, phần sợ trễ ngày công làm thuê nên tôi chỉ dẫn con đến ngã 3 Hoa Lư rồi gửi gắm cho con gái người hàng xóm dắt cháu đến nơi làm. Hai tháng sau, Thoa về thăm nhà và bảo chỗ hiện tại lương tháng có 2 triệu thấp quá nên chắc lên đó nó tìm chỗ khác làm. Tôi khuyên con nếu cảm thấy không ổn thì về nhà và cháu đồng ý, bảo sẽ quay lại phố ít hôm để nhận lương và thu xếp quần áo rồi về. Ai ngờ nó đi rồi bặt vô âm tín”-bà Liên nghẹn ngào kể.

Chân dung em Trần Thị Mỹ Thoa trước lúc xa nhà.
Chân dung em Trần Thị Mỹ Thoa trước lúc xa nhà. Ảnh: Hồng Thi

4 tháng sau ngày rời nhà lên lại TP. Pleiku, Thoa không một lần gọi điện thoại về cho ba mẹ. Vì mãi lo mưu sinh, vợ chồng bà Liên cũng chẳng gọi cho con, đến lúc liên lạc thì không được. Cuống cuồng, ông bà sang nhà người hàng xóm hỏi thăm tin tức thì mới hay sau khi lên lại, Thoa đã nghỉ làm ở quán cà phê cũ và trách nhiệm bảo lãnh ban đầu của con gái người này cũng không còn. Họ giờ cũng chẳng biết Thoa ở đâu, làm gì. Lúc ấy, bà Liên chỉ biết khóc nấc, còn ông Đi-chồng bà, thì ngày càng ủ rũ, tiều tụy. Dân làng xung quanh thấy vậy thường xuyên đến động viên hai vợ chồng, chắc Tết cái Thoa sẽ về thôi. Thế là, người mẹ nghèo lại tiếp tục tin tưởng và hy vọng. Chờ mãi, chờ mãi đến thời khắc giao thừa mà vẫn chẳng thấy con đâu, vợ chồng bà Liên gần như chết lặng. Mùng 6 Tết, vay mượn được 1 triệu đồng, bà Liên dắt 2 đứa em của Thoa cùng lên Pleiku tìm chị. Suốt nửa tháng trời, ba mẹ con cứ dẫn nhau hỏi thăm tin tức của Thoa hết quán cà phê này đến quán ăn khác, song câu trả lời mà bà nhận được chỉ là cái lắc đầu khiến tim bà đau nhói. Cuối cùng khi tiền đã cạn, cộng với 2 đứa em Thoa đã tới thời điểm trở lại trường sau Tết, bà Liên đành phải tuyệt vọng trở về.

“Từ đó đến nay vì điều kiện không cho phép nên chúng tôi chỉ nhờ người thân trên Pleiku nghe ngóng tin tức con hộ mình chứ không thể trực tiếp đi tìm con. Ngay cả báo công an chúng tôi cũng không dám vì sợ mất nhiều tiền, gia đình thì không biết kiếm đâu để trả. Mãi đến 5-9 vừa qua, tôi mới làm đơn trình báo lên chính quyền xã và được hướng dẫn vào trình báo tại công an thị xã An Khê. Giờ chỉ hy vọng các cơ quan chức năng có thể giúp đỡ tìm ra con bé hoặc ít ra cháu tự liên lạc về nhà để chúng tôi biết nó vẫn ổn là mừng rồi. Những chuyện xấu, thật sự chúng tôi không dám nghĩ đến”-ông Đi bộc bạch rồi rít một hơi thuốc dài. Dưới làn khói thuốc nghi ngút phả vào không trung, đôi mắt của người cha già bao ngày ngóng tin con dường như càng trở nên sâu hoắm.

Vợ chồng ông Đi-bà Liên buồn bã ngóng trông tin tức về cô con gái. Ảnh: Hồng Thi
Vợ chồng ông Đi-bà Liên buồn bã ngóng trông tin tức về cô con gái. Ảnh: Hồng Thi

Chị Lê Thị Thu-hàng xóm của ông Đi, cho biết: “Thoa là đứa hiền lành, ngoan ngoãn, cũng chỉ vì muốn phụ giúp cha mẹ mà nó chịu xa nhà lên thành phố tìm việc làm, không hiểu vì lí do gì mà đến nay hơn một năm không thấy về cũng chẳng liên lạc cho ba mẹ. Trước sự việc này, tôi cũng chỉ biết động viên, khuyên nhủ anh chị ấy hãy cứ tin vào những điều lạc quan, tốt đẹp sẽ đến với con gái mình. Hy vọng sớm có tin tức của cháu để gia đình yên tâm hơn”.

Mọi thông tin về Thoa, độc giả có thể báo về trực tiếp cho ông Trần Văn Đi; ngụ tại thôn 5, xã Thành An, thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai; số điện thoại liên lạc: 01666.804.173 hoặc gửi đến Tòa soạn Báo Gia Lai, số 2A Hoàng Văn Thụ, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai; điện thoại: (0269) 3872279 - 3824123.

Hồng Thi

Có thể bạn quan tâm

Krông Pa tổ chức ngày hội “Sách-Hành trang trí thức”

Krông Pa tổ chức ngày hội “Sách-Hành trang trí thức”

(GLO)- Hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam, Ngày Sách và bản quyền thế giới, sáng 22-4, Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai) phối hợp với Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (thị trấn Phú Túc) tổ chức Ngày hội đọc sách năm 2024 với chủ đề “Sách-Hành trang trí thức”.
Ẩn họa từ hàng rong trước cổng trường

Ẩn họa từ hàng rong trước cổng trường

(GLO)- Tại khu vực xung quanh các trường tiểu học, THCS trên địa bàn tỉnh Gia Lai, nhất là ở TP. Pleiku có nhiều hàng rong, hàng quán vỉa hè bán đồ ăn uống không có nhãn mác, nguồn gốc. Thực tế này luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm.

Mùa nước cạn ven hồ Ayun Hạ

Mùa nước cạn ven hồ Ayun Hạ

(GLO)- Những ngày nắng nóng tháng 4, dọc ven hồ Ayun Hạ thuộc địa phận xã Ayun, huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai), đông đảo người dân lại kéo nhau ra cào hến, bắt cá, tép, vừa cải thiện bữa ăn, vừa bán để kiếm thêm thu nhập.
Ông ba Bông “vác tù và hàng tổng”

Ông ba Bông “vác tù và hàng tổng”

(GLO)- “Cứ việc gì đem lại lợi ích cho bà con thì làm thôi”-một câu nói nhẹ tênh nhưng thể hiện tinh thần trách nhiệm đối với cộng đồng của ông Trần Đình Bông (thôn 3, xã Nam Yang, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai).
Vượt lên khiếm khuyết để tỏa sáng

Vượt lên khiếm khuyết để tỏa sáng

(GLO)- Trong cuộc sống có rất nhiều người sinh ra và lớn lên khi không may bị khiếm khuyết một phần của cơ thể, dù vậy, họ không chấp nhận phó mặc cho số phận mà nỗ lực vươn lên và tỏa sáng giữa đời thường.
Đak Pơ kiên quyết đóng cửa bãi rác gây ô nhiễm

Đak Pơ kiên quyết đóng cửa bãi rác gây ô nhiễm

(GLO)- Dù bãi rác thải cũ của huyện ở thôn 4 (xã An Thành) đã đóng cửa nhưng nhiều người dân vẫn lén lút đổ rác, gây ô nhiễm môi trường. Huyện Đak Pơ chỉ đạo phòng chức năng và các địa phương triển khai các giải pháp ngăn ngừa tình trạng đổ rác trái phép và cải tạo môi trường nơi đây.