Vì sao chậm thi hành án?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Một vụ án có phần đơn giản và rạch ròi nhưng nguyên đơn đã phải chờ đợi một thời gian dài vẫn chưa được thi hành án.
 

 Lê Văn Ngọc

Dù đã có quyết định rõ ràng nhưng bà Vương vẫn chưa được thi hành án. Ảnh: L.V.N

Vừa qua, Báo Gia Lai nhận được đơn khiếu nại của bà Trần Thị Vương (SN 1971, trú tại thôn 9, xã Ia Tô, huyện Ia Grai) về việc Chi cục Thi hành án Dân sự huyện Đức Cơ thiếu trách nhiệm trong giải quyết vụ án liên quan đến bà. Theo đó, năm 2015, bà Vương bán cho vợ chồng ông Trịnh Ngọc Sơn (SN 1980) và bà Lê Thị Dung (SN 1983, trú tại thôn Moók Đen, xã Ia Dom, huyện Đức Cơ) 2 bộ bàn ghế với tổng trị giá 156 triệu đồng. Vợ chồng ông Sơn đưa trước 16 triệu đồng và hẹn đến ngày 10-3-2016 sẽ trả hết nhưng đến ngày này thì xin khất nợ và viết giấy hẹn sẽ trả vào ngày 14-4-2016. Đến ngày hẹn không thấy vợ chồng ông Sơn trả nợ, bà Vương đã nhiều lần liên hệ để đòi số tiền 140 triệu đồng nhưng vẫn không được nên ngày 30-5-2016, bà đã gửi đơn kiện đến Tòa án nhân dân huyện Đức Cơ.

Sau nhiều lần triệu tập mà phía bị đơn đều vắng mặt, ngày 26-9-2016, Tòa án nhân dân huyện Đức Cơ đã ra Bản án số 10/2016/DS-ST đề nghị ông Sơn cùng vợ là bà Dung phải thanh toán số nợ còn lại cho bà Vương theo đúng quy định của pháp luật. Trong bản án này, Tòa án nhân dân huyện Đức Cơ cho biết, bên nguyên đơn đã cung cấp chứng cứ là giấy vay tiền và giấy hẹn thanh toán viết tay có đầy đủ chữ ký của ông Sơn, bà Dung và bà Vương. Tòa án xác định vợ chồng ông Sơn nợ bà Vương 140 triệu mà đến hạn vẫn không trả tiền là vi phạm về thời gian và đã xâm hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của vợ chồng bà Vương. Trong quá trình tham gia tố tụng, ông Trịnh Ngọc Sơn đã nhận được thông báo thụ lý vụ án và các văn bản tố tụng một cách hợp lệ theo pháp luật quy định nhưng cố tình không đến tham gia tố tụng mà không có lý do bất khả kháng nào.

Bởi vậy, Tòa án nhân dân huyện Đức Cơ quyết định chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của bà Vương buộc vợ chồng ông Sơn, bà Dung có nghĩa vụ trả cho bà Vương số tiền 140 triệu đồng. Kể từ ngày bản án có hiệu lực và có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án cho đến khi thi hành án xong, hàng tháng người thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền 140 triệu đồng theo mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố.  

Sau đó, ông Sơn lại có đơn kháng cáo lên Tòa án nhân dân tỉnh nhưng khi cơ quan này mở phiên tòa xét xử phúc thẩm vào ngày 16-2-2017 thì vợ chồng ông Sơn lại vắng mặt không lý do nên vụ án bị trì hoãn. Đến phiên tòa phúc thẩm ngày 9-3-2017, bị đơn tiếp tục vắng mặt không lý do, Tòa án nhân dân tỉnh đã ra Quyết định số 05/2017/QĐPT giữ nguyên quyết định như bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện Đức Cơ. Sau khi  bà Vương có đơn yêu cầu thi hành án theo quy định vào ngày 10-3-2017 thì gần một tháng sau (ngày 7-4-2017), Chi cục Thi hành án Dân sự huyện Đức Cơ mới ra Quyết định số 21/QĐ-CCTHA. Theo đó, ông Sơn và bà Dung phải trả cho bà Vương số tiền nợ là 140 triệu đồng cùng lãi suất chậm thi hành án trong thời hạn 10 ngày kể từ khi nhận được hoặc được thông báo hợp lệ quyết định này.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, bà Vương vẫn chưa được thi hành án dù đã nhiều lần đến “gõ cửa” cơ quan chức năng. Bà Vương bức xúc: “Ban đầu thi hành án gọi 2 bên lên để thỏa thuận, gia đình ông Sơn nói sẽ trả dần 5 triệu đồng/tháng nhưng tôi không chịu. Các lần sau lặn lội đường xa đến hỏi thì chấp hành viên của Chi cục nói là cứ từ từ để giải quyết. Đợi lâu mà không được thi hành án, tôi gửi đơn khiếu nại đến các cơ quan chức năng cấp tỉnh thì được Cục Thi hành án Dân sự tỉnh gọi điện nói rằng đã chỉ đạo để Chi cục giải quyết. Nhưng ngày 6-7-2017, khi gặp chấp hành viên tên Tuyên, anh này hẹn tôi ra quán cà phê nói rằng đừng làm lớn chuyện và cho biết các tài sản như đất đai, xe cộ của vợ chồng ông Sơn đều đứng tên người khác; bàn ghế, tủ trong nhà là do người khác gửi nhờ nên chưa thể thi hành án được. Có quyết định thi hành án rõ ràng vậy rồi mà còn bị chây ì, kéo dài như thế tôi không biết phải làm sao…?”.

Có lẽ câu hỏi của bà Vương chỉ Chi cục Thi hành án Dân sự huyện Đức Cơ mới có thể trả lời. Tuy vậy, khi P.V liên hệ làm việc với cơ quan này thì các cán bộ tại trụ sở này từ chối trả lời báo chí vì cho rằng không có trách nhiệm phải phát ngôn.

 Lê Văn Ngọc

Có thể bạn quan tâm

Ẩn họa từ hàng rong trước cổng trường

Ẩn họa từ hàng rong trước cổng trường

(GLO)- Tại khu vực xung quanh các trường tiểu học, THCS trên địa bàn tỉnh Gia Lai, nhất là ở TP. Pleiku có nhiều hàng rong, hàng quán vỉa hè bán đồ ăn uống không có nhãn mác, nguồn gốc. Thực tế này luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm.

Mùa nước cạn ven hồ Ayun Hạ

Mùa nước cạn ven hồ Ayun Hạ

(GLO)- Những ngày nắng nóng tháng 4, dọc ven hồ Ayun Hạ thuộc địa phận xã Ayun, huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai), đông đảo người dân lại kéo nhau ra cào hến, bắt cá, tép, vừa cải thiện bữa ăn, vừa bán để kiếm thêm thu nhập.
Ông ba Bông “vác tù và hàng tổng”

Ông ba Bông “vác tù và hàng tổng”

(GLO)- “Cứ việc gì đem lại lợi ích cho bà con thì làm thôi”-một câu nói nhẹ tênh nhưng thể hiện tinh thần trách nhiệm đối với cộng đồng của ông Trần Đình Bông (thôn 3, xã Nam Yang, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai).
Vượt lên khiếm khuyết để tỏa sáng

Vượt lên khiếm khuyết để tỏa sáng

(GLO)- Trong cuộc sống có rất nhiều người sinh ra và lớn lên khi không may bị khiếm khuyết một phần của cơ thể, dù vậy, họ không chấp nhận phó mặc cho số phận mà nỗ lực vươn lên và tỏa sáng giữa đời thường.
Đak Pơ kiên quyết đóng cửa bãi rác gây ô nhiễm

Đak Pơ kiên quyết đóng cửa bãi rác gây ô nhiễm

(GLO)- Dù bãi rác thải cũ của huyện ở thôn 4 (xã An Thành) đã đóng cửa nhưng nhiều người dân vẫn lén lút đổ rác, gây ô nhiễm môi trường. Huyện Đak Pơ chỉ đạo phòng chức năng và các địa phương triển khai các giải pháp ngăn ngừa tình trạng đổ rác trái phép và cải tạo môi trường nơi đây.