Vàng tặc tấn công vùng giáp ranh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chỉ cách trung tâm xã gần 5 km, nhưng vàng tặc vẫn vô tư lập “công trường” đào tung núi để khai thác mà chính quyền địa phương không hề hay biết.

 Khu vực đặt máy đãi vàng. Ảnh: Văn Ngọc
Khu vực đặt máy đãi vàng. Ảnh: Văn Ngọc

Từ lâu, khu vực giáp ranh giữa xã Pờ Tó, huyện Ia Pa và xã Chơ Glong, huyện Kông Chro đã trở thành điểm nóng của tình trạng khai thác vàng. Các phu vàng từ nhiều nơi kháo nhau rằng khu vực này “kiếm ăn được” nên lũ lượt kéo về đây khai thác dưới nhiều hình thức khác nhau. Từ đào hầm đến đào đãi cát sỏi dưới sông, tình trạng khai thác vàng đều gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và dân sinh. Các cơ quan chức năng của hai huyện liên tục cử lực lượng triệt phá các tụ điểm này. Nhưng chỉ cần một chút lơ là, vàng tặc lại xuất hiện và lộng hành như thách thức chính quyền địa phương.

Vừa qua, P.V Báo Gia Lai tiếp tục nhận được nguồn tin vàng tặc đang tiến hành khai thác quy mô lớn tại địa phận xã Chơ Glong, huyện Kông Chro. Sáng 30-5, theo chân người dẫn đường, P.V đã tìm đến hiện trường khai thác này. Từ trung tâm xã, chúng tôi theo con đường nhựa khoảng 4km để tìm đến suối Pờ Yầu. Vì dòng nước lớn chảy xiết, chúng tôi buộc phải để lại xe máy và đi bộ trên cây cầu gỗ để qua bên kia bờ. Theo người dẫn đường, đây cũng chính là con đường các vàng tặc thường xuyên đi lại để ra bên ngoài. Đi bộ khoảng 1 km, công trường khai thác vàng với quy mô đồ sộ đã hiện ra trước mắt ở khu vực sườn đồi sát cạnh dòng suối. Tại đây, vô số dây điện nằm chằng chịt trên mặt đất. Các loại can nhựa loại 20 lít đựng dầu hỏa để vận hành máy cũng nằm rải rác. Gần đó là một chiếc máy nén khí dùng để khai thác đá, một cối nghiền đá cùng máy lọc đá và bể chứa nước để lọc vàng.

Cách đó không xa là “đại bản doanh” của những vàng tặc với đầy đủ những dụng cụ sinh hoạt cá nhân cho khoảng hàng chục người. Tại đây, chúng tôi bắt gặp một thanh niên đang ở lại trông coi lán trại. Thanh niên này cho hay, lán trại này do một ông chủ đứng ra “thầu” và thuê người làm công ở các nơi đến đào vàng. Hiện người làm đã về nghỉ Tết Đoan ngọ và sẽ hoạt động trở lại sau kỳ nghỉ lễ. Ở quanh khu lán trại này là hàng chục những “địa đạo” được vàng tặc đào xới để tìm vàng. Sườn đồi bị đào nham nhở với những hầm vàng chi chít đào sâu trong lòng đất. Mỗi cửa hầm được đào thủ công chỉ rộng khoảng 1 mét, cao chừng 2 mét và được chống tạm bợ bằng những thân gỗ nhỏ khá mong manh. Các hầm vàng sâu từ 15-20 mét giữa nền đất pha cát luôn tiềm tàng nguy hiểm với các phu vàng hàng ngày khi có thể sập xuống bất cứ lúc nào.   

Qua tìm hiểu, sau khi đào sâu vào lòng núi, vàng tặc sẽ đào các vỉa đất có vàng rồi mang ra ngoài đãi. Đến khi hết vỉa đất có vàng thì ngừng để tiếp tục đào hầm mới. Nhiều hầm được thông với nhau trong lòng đất tạo ra một khoảng rỗng cực kỳ nguy hiểm. Tất cả các nước thải từ việc đãi vàng được xả trực tiếp xuống dòng suối Pờ Yầu. Con suối này xuôi theo hướng Tây Nam chảy về huyện Ia Pa và trở thành nguồn nước sinh hoạt chính của nhiều ngôi làng tại xã Pờ Tó, Chư Răng. Do vậy, những hệ lụy từ việc đào đãi vàng trái phép trên đầu nguồn suối Pờ Yầu khó có thể lường trước được.

 

 Một hầm vàng mới được các vàng tặc đào sâu vào trong lòng đất. Ảnh: Văn Ngọc
Một hầm vàng mới được các vàng tặc đào sâu vào trong lòng đất. Ảnh: Văn Ngọc

Trao đổi với P.V về vấn đề này, ông Đinh Văn Phiêu-Chủ tịch UBND xã Chơ Glong cho biết: “Trong thời gian gần đây chính quyền xã thường xuyên cho cán bộ rà soát nhưng nhưng không phát hiện bất kỳ trường hợp nào khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn”. Khi P.V cung cấp một số hình ảnh ghi lại được tại hiện trường thì ông Phiêu nói: “Ngay ngày mai tôi sẽ chỉ đạo cho lực lượng công an xã vào tận hiện trường quyết liệt truy quét. Nếu không bắt được người thì cũng phải tịch thu được máy móc đem về xử lý. Qua đây, tôi cũng cảm ơn những thông tin mà P.V đã phản ánh để xã kịp thời chấn chỉnh”.

Trong khi đó, ông Phạm Huy Vân-Phó phòng Tài Nguyên và Môi trường huyện Kông Chro cho hay: “Mấy tháng trước có xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn. Tuy nhiên, khi phát hiện sự việc lãnh đạo phòng khẩn trương báo cáo với lãnh đạo UBND huyện thực hiện đợt ra quân truy quét nhưng chủ yếu chỉ tịch thu được máy móc, còn người thì khi thấy động chúng đã nhanh chân bỏ trốn hết. Ông Huy phân trần, vấn đề này rất khó xử lý bởi đây là vùng giáp danh đuổi chỗ này “vàng tặc”chạy qua vùng khác được vài bữa thấy không có động tĩnh gì chúng lại tiếp tục quay lại đầu tư máy móc mới để khai thác.

Lê Văn Ngọc

Có thể bạn quan tâm

Đak Pơ kiên quyết đóng cửa bãi rác gây ô nhiễm

Đak Pơ kiên quyết đóng cửa bãi rác gây ô nhiễm

(GLO)- Dù bãi rác thải cũ của huyện ở thôn 4 (xã An Thành) đã đóng cửa nhưng nhiều người dân vẫn lén lút đổ rác, gây ô nhiễm môi trường. Huyện Đak Pơ chỉ đạo phòng chức năng và các địa phương triển khai các giải pháp ngăn ngừa tình trạng đổ rác trái phép và cải tạo môi trường nơi đây.
Tuyển chọn thực tập sinh nam đi thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản hưởng lương 24-35 triệu đồng/tháng

Tuyển chọn thực tập sinh nam đi thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản hưởng lương 24-35 triệu đồng/tháng

(GLO)- Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai vừa có công văn về phối hợp triển khai kế hoạch tuyển chọn thực tập sinh nam đi thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản đợt 2/2024 với mức lương từ 24 đến 35 triệu đồng/tháng theo thông báo của Trung tâm Lao động ngoài nước.