Một vụ án, hai phán quyết trái ngược

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Vừa qua, Báo Gia Lai tiếp nhận đơn của ông Thái Đình Thơi và bà Lê Thị Hải Liễu (trú tại thôn Tân Hiệp, xã Tân An, huyện Đak Pơ) phản ánh việc tranh chấp đất giữa gia đình ông bà với hộ ông Lê Văn Hơn và bà Lê Thị Thước là người cùng thôn. Sự việc đã xảy ra nhiều năm, trải qua nhiều lần xét xử nhưng chưa thỏa mãn với phán quyết của Tòa án nên ông Thơi, bà Liễu tiếp tục gửi đơn tới các cơ quan chức năng đề nghị làm rõ.

Trong đơn, ông Thái Đình Thơi và bà Lê Thị Hải Liễu nêu rõ: Tháng 9-1992, vợ chồng ông Hơn có bán cho gia đình ông bà Thơi-Liễu phần đất có chiều ngang mặt đường là 11,5 mét tiếp giáp với phần đất của gia đình ông Thơi. Tiếp đó, tháng 11-1992, bà Võ Thị Đằm (mẹ ruột ông Hơn-P.V) đau nặng nên ông Hơn có ý sang nhượng toàn bộ phần đất còn lại để lấy tiền chữa bệnh cho mẹ. Tất cả thủ tục sang nhượng đều là giấy viết tay, có ký tên và điểm chỉ của bà Đằm và vợ chồng ông Hơn. Khi giao đất thì trên phần diện tích chuyển nhượng còn có một căn nhà tạm của bà Lê Thị Thước (chị gái ông Hơn-P.V). Thời điểm đó vì chưa có nhu cầu sử dụng phần đất mới mua thêm nên vợ chồng ông Thơi, bà Liễu tiếp tục cho bà Thước ở lại căn nhà tạm này và ra điều kiện khi nào có việc cần sẽ thông báo để bà Thước chuyển đi nơi khác. Lúc đó, bà Thước và bà Đằm không có ý kiến gì và tiếp tục ở lại ngôi nhà đó.

 

Ông Thơi và bà Liễu cung cấp thông tin về sự việc với P.V Báo Gia Lai. Ảnh: L.H
Ông Thơi và bà Liễu cung cấp thông tin về sự việc với P.V Báo Gia Lai. Ảnh: L.H

Đến năm 2000, UBND huyện An Khê (cũ) cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho gia đình ông Thơi, bà Liễu với tổng diện tích 1.509 m2, bao gồm phần đất trước đây của cha mẹ bà Liễu để lại và phần đất mua thêm cả hai lần của mẹ con bà Đằm, ông Hơn. Đến năm 2006, do có nhu cầu cất nhà ở nên vợ chồng ông Thơi yêu cầu bà Thước tháo dỡ nhà để gia đình ông lấy mặt bằng thi công. Lúc này, bà Thước không đồng ý chuyển đi nơi khác nên vợ chồng ông Thơi quyết định khởi kiện. Vụ việc kéo dài từ đó đến nay và đã trải qua 3 lần xét xử tại 2 cấp tòa nhưng cả hai bên vẫn chưa tìm được tiếng nói chung.

Trao đổi với P.V, bà Liễu cho biết thêm: “Nguồn gốc thửa đất tranh chấp trước là của ông Lê Bảy, bố của tôi. Vì thương tình nhà bà Đằm khi ấy khó khăn nên bố tôi đã san sẻ một phần đất của gia đình cho vợ chồng bà ấy. Sau này, vào năm 1990, trước khi mất, bố tôi đã mua lô đất của một người trong thôn nằm bên cạnh lô đất mà ông đã cho gia đình bà Đằm và cho vợ chồng tôi dùng làm nơi ở. Vì nể tình hàng xóm, khi gia đình bà Đằm khó khăn và có nhu cầu bán đất nên vợ chồng tôi mới mua thêm, cũng vì ở sát cạnh nhau. Khi đó, bà Đằm và anh Hơn có nói rõ bán hết phần đất. Trong giấy tờ sang nhượng viết tay cũng ghi rõ chỉ giới lô đất và hoàn toàn không đề cập đến việc có phần đất của bà Thước. Vì thế, chúng tôi mới đi làm thủ tục công nhận quyền sử dụng đất trên mảnh đất này. Bây giờ, bà Thước lại yêu cầu phải trả một phần diện tích đất trên đấy là vô lý, khiến gia đình rất bức xúc”.

Bản án sơ thẩm số 05/2006/DSST ngày 17-7-2006 của Tòa án nhân dân (TAND) huyện Đak Pơ tuyên xử: “Buộc bà Lê Thị Thước phải tháo dỡ toàn bộ căn nhà tạm có diện tích 38,88 m2 thuộc sở hữu của bà Thước được xây dựng trên diện tích 151,25 m2 nằm trong khuôn viên của ông Thơi, bà Liễu đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại thôn Tân Hiệp, xã Tân An, huyện Đak Pơ. Buộc bà Thước phải trả lại cho ông Thái Đình Thơi, bà Lê Thị Hải Liễu toàn bộ lô đất có diện tích 151,25 m2 mà bà Thước đang sử dụng”. Tiếp sau đó, tại phiên tòa phúc thẩm do TAND tỉnh tổ chức, Bản án phúc thẩm số 30/2007/DS-PT ngày 24-4-2007 của TAND tỉnh cũng tuyên giữ nguyên án sơ thẩm.

Ngày 9-4-2010, Chánh án TAND tối cao ra quyết định kháng nghị giám đốc thẩm đối với Bản án phúc thẩm số 30/2007/DS-PT ngày 24-4-2007 của TAND tỉnh. Tại Quyết định giám đốc thẩm số 427/2010/DS-GĐT ngày 20-7-2010, Tòa Dân sự TAND tối cao đã quyết định hủy Bản án phúc thẩm số 30/2007/DS-PT ngày 24-4-2007 của TAND tỉnh và hủy Bản án dân sự sơ thẩm số 05/2006/DSST ngày 17-7-2006 của TAND huyện Đak Pơ, giao hồ sơ vụ án cho TAND huyện Đak Pơ xét xử sơ thẩm lại. Ngày 22-9-2015, TAND huyện Đak Pơ mở phiên tòa xét xử lại. Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 07/2015/DS-ST ngày 22-9-2015, TAND huyện Đak Pơ lại đưa ra quyết định trái ngược với các bản án đã tuyên trong các lần xét xử trước đó: “Áp dụng các điều 138, 170, 256, 258 và 688 của Bộ luật Dân sự, các điều 99, 100, 101, 166, 167, 169 và 203 của Luật Đất đai năm 2013, xử: không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Thái Đình Thơi và bà Lê Thị Hải Liễu; chấp nhận yêu cầu phản tố của bà Lê Thị Thước đối với ông Thái Đình Thơi và bà Lê Thị Hải Liễu. Ghi nhận sự tự nguyện của bà Lê Thị Thước, buộc ông Thái Đình Thơi và bà Lê Thị Hải Liễu phải thanh toán cho bà Lê Thị Thước số tiền 34,5 triệu đồng-là giá trị của 115 m2 đất. Ông Thơi, bà Liễu có quyền được sử dụng 96,6 m2 đất nằm trong diện tích thửa đất đã được UBND huyện An Khê (cũ) cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 376547 ngày 7-8-2000 tại thôn Tân Hiệp, xã Tân An, huyện Đak Pơ theo đúng quy định của pháp luật về đất đai”.

Không đồng ý với phán quyết này, ngày 1-10-2015, nguyên đơn là ông Thái Đình Thơi và bà Lê Thị Hải Liễu có đơn kháng cáo toàn bộ Bản án sơ thẩm số 07/2015/DS-ST ngày 22-9-2015 của TAND huyện Đak Pơ. Do đó, ngày 29-8-2016, TAND tỉnh tiếp tục mở phiên tòa xét xử phúc thẩm. Bản án số 51/2016/DS-PT ngày 29-8-2016 của TAND tỉnh vẫn giữ nguyên quan điểm của tòa sơ thẩm đã tuyên.

“Lần xét xử trước, bà Thước buộc phải trả lại phần diện tích đất 115 m2 cho nhà tôi. Tuy nhiên, các lần xử sau nhà tôi lại phải trả phần tiền định giá cho diện tích mà trước đây tôi đã mua từ chính mẹ và em trai bà Thước. Một mảnh đất mà vợ chồng tôi phải mua đến 2 lần. Vậy việc bà Đằm và ông Hơn đứng ra bán và nhận tiền cả phần đất của bà Thước từ vợ chồng tôi trước kia sẽ được giải quyết ra sao?”-ông Thái Đình Thơi lấy làm khó hiểu.

Lê Hòa

Có thể bạn quan tâm

Việc tốt quanh ta

Việc tốt quanh ta

(GLO)- Cuộc sống hàng ngày quanh ta có rất nhiều người tốt với việc làm có ích, thiết thực cho cộng đồng, xã hội.
“Thân cò” nuôi chồng bị mù và 3 con nhỏ

“Thân cò” nuôi chồng bị mù và 3 con nhỏ

(GLO)- Nhà nghèo, nuôi 3 con nhỏ, lại thêm người chồng đột nhiên bị mù cả 2 mắt nên gánh nặng cơm áo hàng ngày càng đè lên đôi vai gầy của chị Rơ Châm Thủy (SN 1984, trú tại làng Kênh, xã Nghĩa Hòa, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai).
 Ngày hội “Tháng ba biên giới” tại xã Ia O

Ngày hội “Tháng ba biên giới” tại xã Ia O

(GLO)- Ngày 23-3, Nhóm từ thiện Fly To Sky phối hợp với Huyện Đoàn-Hội LHTN Việt Nam-Hội đồng Đội huyện Ia Grai, Chi hội Nhà báo các Báo thường trú tại Gia Lai tổ chức Ngày hội “Tháng ba biên giới” với chủ đề “Biên cương Tổ quốc tôi” tại Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc (xã Ia O, huyện Ia Grai).
Gia Lai sửa đổi, bổ sung quy định về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân

Gia Lai sửa đổi, bổ sung quy định về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân

(GLO)- Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai vừa ban hành quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều của quy định về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân trên địa bàn tỉnh.