Khó khăn trong thu hồi đất rừng tại Krông Pa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Buông lỏng công tác quản lý đất rừng để hàng trăm hộ dân lấn chiếm xây dựng nhà ở kiên cố và canh tác nông nghiệp, huyện Krông Pa đang phải đau đầu với bài toán thu hồi lại diện tích này để giao cho doanh nghiệp trồng rừng.

Hàng trăm hộ dân lấn chiếm

Theo ông Tạ Chí Khanh-Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pa, đây là diện tích rừng nằm trong dự án trồng rừng từng được giao cho một doanh nghiệp triển khai nhưng thất bại. Cụ thể, năm 2002, UBND tỉnh đã cấp giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư cho Công ty TNHH Lâm nghiệp Tân Tiến (TP. Hồ Chí Minh) thực hiện các dự án trồng rừng nguyên liệu công nghiệp và cây nông sản ngắn ngày kết hợp chăn nuôi tại địa bàn huyện Krông Pa. Diện tích giao cho doanh nghiệp này là 1.570 ha đất rừng, trạng thái rừng gồm cỏ lau và cây bụi thuộc địa phận xã Ia Hdreh.

 
Hầu hết các hộ gia đình đã định cư ở đây gần chục năm.                  Ảnh:V.N
Hầu hết các hộ gia đình đã định cư ở đây gần chục năm. Ảnh:V.N

Theo kế hoạch, dự án được tiến hành từ tháng 1-2003, thời hạn hoàn thành 2010, vốn đầu tư 21,425 tỷ đồng, sử dụng lao động bình quân trong năm 300 người. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, doanh nghiệp này đã không đảm bảo tiến độ trồng rừng, trồng không đúng chủng loại nên đến năm 2007, UBND tỉnh quyết định thu hồi 1.450,85 ha giao cho địa phương quản lý để bố trí cho tổ chức, hộ gia đình sử dụng có hiệu quả hơn. Hiện Công ty TNHH Lâm nghiệp Tân Tiến vẫn được giao quản lý 119 ha.

Trong khi diện tích này chưa có phương án sử dụng thì nhiều hộ dân trong vùng lân cận có nhu cầu về đất sản xuất đã đến lấn chiếm để canh tác. Ban đầu chỉ là canh tác nông nghiệp và xây dựng chòi rẫy nhưng dần dà những ngôi nhà kiên cố đã được dựng lên. Thậm chí, nhiều hộ dân tộc HMông từ Đak Lak di cư đến vùng đất này để lập làng khiến các cơ quan chức năng phải cưỡng chế, “đẩy” họ trở lại địa phương cũ. Ban đầu, các hộ dân chỉ ở trong những ngày mùa nhưng sau đó họ đã chọn nơi đây làm nơi ở cố định. Có thời điểm có hơn 120 hộ định cư tại khu vực này nhưng vì nhiều lý do hiện nay còn khoảng 78 hộ.

Theo ghi nhận của P.V, các gia đình tại khu vực này hầu hết đều đã xây dựng nhà ở kiên cố cùng các công trình phụ liên quan giống như tại các khu dân cư. Một nhóm hộ gia đình có quan hệ họ hàng xây dựng các căn nhà sàn gần nhau và canh tác trên diện tích trung bình hơn 1 ha/hộ. Cây trồng chủ yếu của các hộ dân trong vùng là lúa rẫy, bắp, mì. Từ đường Trường Sơn Đông phải rẽ theo con đường đất gần 20 km để vào khu vực này nên mỗi khi mưa xuống, đường trơn lầy lội, nơi đây bị cô lập hoàn toàn. Chính vì vậy, hàng trăm em nhỏ trong độ tuổi đến trường tại đây đã buộc phải rời xa con chữ. Nhiều em rơi vào hoàn cảnh mù chữ vì phải theo bố mẹ từ nhỏ sống ở khu vực này mà không được đi học.

Người dân thiếu đất  sản xuất?

Trước việc chính quyền địa phương buộc các hộ dân phải tháo dỡ, di dời nhà cửa, nhiều người không giấu được sự lo lắng. Ông Ksor Gút (trú tại buôn Jú, xã Krông Năng) chia sẻ: “Trước mình ở buôn cũ cũng có đất trồng mì nhưng từ lúc làm thủy điện sông Ba Hạ thì đất của mình bị ngập hết, không có đất sản xuất nên mới vô rừng đây từ năm 2007. Thủy điện hồi ấy chỉ đền bù tiền, tiêu mãi rồi cũng hết nên mình mới phải vào rừng. Ở đây 10 năm rồi, trồng lúa, trồng mì... cũng chỉ đủ ăn qua ngày. Giờ mình chỉ muốn nếu về làng cũ thì Nhà nước hỗ trợ đất, chứ không thì mình không về được đâu”.

 

Ông Trương Quốc Dụng-Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Krông Pa (đơn vị chủ trì việc thu hồi đất rừng): “Hạt đã cử lực lượng phối hợp cùng với các cơ quan chức năng huyện và xã đi vận động các hộ dân tháo dỡ di dời về lại địa phương cũ. Mặt khác, chúng tôi cũng tìm hiểu cụ thể từng hộ dân xem hoàn cảnh họ ra sao, có thiếu đất sản xuất thực sự hay không, từ đó mới tham mưu cho huyện có phương án hiệu quả”.

Cùng cảnh ngộ, anh Ksor Y Zét (trú tại xã Krông Năng) buồn bã: “Nhà mình nghèo mà đông con. Khi cưới vợ, bố mẹ cũng đâu có đất mà chia nên phải kéo cả nhà lên đây được 7 năm rồi. Mấy đứa nhỏ để ở làng không ai nuôi phải đưa lên đây luôn nên tụi nó đâu có được đi học. Giờ Nhà nước muốn chúng tôi đi thì cũng mong cho đất để trồng cây, lấy ngắn nuôi dài”.    

Trong khi đó, ông Tạ Chí Khanh cho biết, với phần diện tích cũ của dự án Tân Tiến, tỉnh đã có chủ trương giao cho Công ty TNHH một thành viên Minh Phước ở Bình Định để trồng rừng trên diện tích 900 ha trong thời gian tới. Do đó, với các hộ gia đình lấn chiếm trên diện tích này, UBND huyện sẽ quyết tâm vận động họ chuyển về làng cũ và sản xuất ổn định như trước đây. “Trong lúc người dân chuyển đi thì huyện cũng trích ngân sách cùng doanh nghiệp để hỗ trợ một phần công chi phí khai hoang ban đầu để người dân yên tâm. Công ty này cũng cam kết sẽ hợp đồng người dân vào làm công nhân với mức lương ổn định. Hy vọng sau khi được tuyên truyền, người dân sẽ hiểu rõ và yên tâm hơn để giao lại đất rừng mà vẫn có cuộc sống ổn định”.

 Lê Văn Ngọc

Có thể bạn quan tâm

Việc tốt quanh ta

Việc tốt quanh ta

(GLO)- Cuộc sống hàng ngày quanh ta có rất nhiều người tốt với việc làm có ích, thiết thực cho cộng đồng, xã hội.
“Thân cò” nuôi chồng bị mù và 3 con nhỏ

“Thân cò” nuôi chồng bị mù và 3 con nhỏ

(GLO)- Nhà nghèo, nuôi 3 con nhỏ, lại thêm người chồng đột nhiên bị mù cả 2 mắt nên gánh nặng cơm áo hàng ngày càng đè lên đôi vai gầy của chị Rơ Châm Thủy (SN 1984, trú tại làng Kênh, xã Nghĩa Hòa, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai).
 Ngày hội “Tháng ba biên giới” tại xã Ia O

Ngày hội “Tháng ba biên giới” tại xã Ia O

(GLO)- Ngày 23-3, Nhóm từ thiện Fly To Sky phối hợp với Huyện Đoàn-Hội LHTN Việt Nam-Hội đồng Đội huyện Ia Grai, Chi hội Nhà báo các Báo thường trú tại Gia Lai tổ chức Ngày hội “Tháng ba biên giới” với chủ đề “Biên cương Tổ quốc tôi” tại Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc (xã Ia O, huyện Ia Grai).