Cảm ơn thầy đã gieo một niềm tin tốt lành!

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ngày 6-3, Báo Gia Lai đăng tải một bài viết rất xúc động về chuyện thầy giáo Ninh Văn Dậu (Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, huyện Krông Pa) hết lòng vận động học sinh bỏ học quay trở lại trường lớp nhưng “bất lực” (Từ câu chuyện của thầy Dậu-tác giả Hoàng Ngọc). Chiều 8-3, sau nhiều ngày sau khi những dòng status của thầy được đăng trên báo và “chạm” đến trái tim nhiều người, thầy Dậu cùng thầy hiệu trưởng đã chạy xe máy 20 km vào tận rẫy, nơi cậu học trò vừa nghỉ học của mình là Ksor Gôl đang phụ anh chị gọt mì. Qua điện thoại, thầy Dậu reo lên sung sướng: “Gôl đồng ý đi học trở lại rồi. Mình cảm ơn tất cả mọi người, cảm giác mình hạnh phúc lâng lâng như... vừa giành được huy chương”.

Mấy ngày trước đó, dòng status nặng trĩu của thầy Dậu xuất hiện trên Facebook cá nhân: “Có lẽ nào thầy đã bất lực? Có lẽ nào thầy không thể “lấy” em về lại lớp?”. Dòng status buồn ấy đã được thay bằng câu chuyện kết thúc có hậu và không thể đẹp hơn. Thầy đã “lấy” được em về rồi!

 

Thầy Dậu chở Gôl trở về từ rẫy.                                                           Ảnh: T.B.D
Thầy Dậu chở Gôl trở về từ rẫy. Ảnh: T.B.D

Thầy giáo Ninh Văn Dậu là một giáo viên bình thường như bao nhà giáo khác đang công tác ở những nơi khó khăn nhất của đất nước. Nhưng những tâm sự đầy đau xót, nuối tiếc và như vụn vỡ ra khi thầy đã không thể giữ lại đứa học trò của mình trước hoàn cảnh quá khó khăn, để lớp phải vắng thêm một chỗ ngồi, cậu học trò ấy phải gác bút sách trở về với ruộng mì quần quật với cái ăn, với cuộc sống khi còn quá nhỏ. Những dòng tâm sự của thầy sau khi được đăng trên Facebook cá nhân đã thực sự chạm đến trái tim nhiều người. Nhiều người trong số đó, cũng là nhà giáo, nói rằng họ đã bật khóc khi nghe được câu chuyện và cảm thấy bớt tủi thân khi hóa ra ở một nơi khó khăn như vậy vẫn sáng lên câu chuyện về tình yêu với nghề giáo, về sự yêu thương học trò hết lòng. Những câu chuyện giản dị, dễ gần và rất thực tế ấy đối với mỗi giáo viên vùng xa ấy đã xóa đi nghi ngờ về hình ảnh người thầy, vốn đã ít nhiều bị méo mó từ các vụ việc gần đây như vụ Hiệu trưởng Trường Nam Trung Yên (hà Nội), vụ việc thầy giáo giằng co “tay đôi” với học sinh ở Hậu Giang...

Trong các cuộc điện thoại gọi đến để chia sẻ câu chuyện, chúng tôi khá bất ngờ khi biết có một thầy giáo cũng từng được “nâng đỡ” nhờ bàn tay yêu thương của thầy Dậu. Nay Lép là người Jrai, nhà ở xã Ia Hdreh, huyện Krông Pa. Cách đây hơn 4 năm về trước, khi đó Lép cũng đang là học sinh cuối cấp. Trong những suy nghĩ tăm tối, tuyệt vọng, Lép đã có 2 lần bỏ dở việc học ở lớp 12 để ở nhà đi phụ anh chị cắt mì bởi nhà quá đông anh em, cha mẹ thì đã qua đời. Rồi thầy Dậu, lúc đó là giáo viên chủ nhiệm, biết được suy nghĩ ấy của Lép. Thầy đã tìm tới tận nhà. Bằng trách nhiệm cháy bỏng của mình, thầy Dậu đã thuyết phục Lép trở lại lớp thành công. Rồi cũng chính thầy Dậu là người đã đứng ra đi xin học bổng, liên hệ xin cho Lép suất học bổng “Tiếp sức đến trường” năm ấy để Lép tiếp tục vào cổng Trường Đại học Tây Nguyên.

Sáng 7-3 khi gọi cho chúng tôi, Lép nói run run: “Thầy em đấy, anh còn nhớ không? 4 năm về trước em cũng từng nhiều lần bỏ học, nếu không có thầy thì có lẽ bây giờ cuộc sống của em cũng đã rất khác, em sẽ không được là ông thầy giáo cấp I như bây giờ. Khi đọc câu chuyện của Ksor Gôl, em đã khóc vì bắt gặp hình ảnh em ngày nào”...

Lép cũng như Ksor Gôl-cậu học trò mà thầy Dậu đã “bất lực” khi cố vượt đường để vào rẫy thuyết phục em trở lại lớp. Trong những khoảnh khắc quan trọng quyết định đến tương lai của một con người như vậy, đôi khi chỉ có tâm huyết của những người thầy, người cô thật sự biết thương yêu và trân quý, nâng niu từng số phận của học trò của mình mới có thể làm thay đổi mọi thứ.

Giữa những mệt mỏi, quá nhiều thứ làm cho chúng ta quên đi sự hiện diện của những điều tốt đẹp trong cuộc sống; hình ảnh người thầy có thể ở đâu đó đã bị méo mó, khiến cho chúng ta ít nhiều mất đi niềm tin vào cái nghề cao quý. Nhưng câu chuyện của thầy Dậu đã khơi gợi lại sự hiện diện của những điều đẹp đẽ. Càng trân quý hơn khi câu chuyện ấy xuất hiện không phải ở một nơi có điều kiện tốt mà là ở vùng khó khăn bậc nhất, nơi mà cả thầy lẫn trò ngoài giờ lên lớp còn phải lên rẫy trồng mì, đốn củi để vật lộn với cái ăn.

Xin cảm ơn thầy Dậu, vì thầy đã gieo thêm một mầm xanh tốt lành!

Thái Bá Dũng

Có thể bạn quan tâm

Ông ba Bông “vác tù và hàng tổng”

Ông ba Bông “vác tù và hàng tổng”

(GLO)- “Cứ việc gì đem lại lợi ích cho bà con thì làm thôi”-một câu nói nhẹ tênh nhưng thể hiện tinh thần trách nhiệm đối với cộng đồng của ông Trần Đình Bông (thôn 3, xã Nam Yang, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai).
Vượt lên khiếm khuyết để tỏa sáng

Vượt lên khiếm khuyết để tỏa sáng

(GLO)- Trong cuộc sống có rất nhiều người sinh ra và lớn lên khi không may bị khiếm khuyết một phần của cơ thể, dù vậy, họ không chấp nhận phó mặc cho số phận mà nỗ lực vươn lên và tỏa sáng giữa đời thường.
Tuyển chọn thực tập sinh nam đi thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản hưởng lương 24-35 triệu đồng/tháng

Tuyển chọn thực tập sinh nam đi thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản hưởng lương 24-35 triệu đồng/tháng

(GLO)- Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai vừa có công văn về phối hợp triển khai kế hoạch tuyển chọn thực tập sinh nam đi thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản đợt 2/2024 với mức lương từ 24 đến 35 triệu đồng/tháng theo thông báo của Trung tâm Lao động ngoài nước.