Chỉ xử phạt xe không chính chủ trong một số trường hợp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Do lo ngại từ ngày 1-1-2017 bị xử lý vi phạm nếu là xe không “chính chủ”, nhiều người tiến hành làm thủ tục sang tên, đổi chủ. Tuy nhiên, cơ quan chức năng chỉ xử phạt hành vi không sang tên, đổi chủ trong 2 trường hợp: Khi điều tra, giải quyết vụ tai nạn giao thông gây hậu quả từ mức nghiêm trọng trở lên hoặc thông qua công tác đăng ký xe.

Hồ sơ đăng ký sang tên, đổi chủ tăng mạnh
 

Lượng người đến làm thủ tục tăng đột biến. Ảnh: D.Q
Lượng người đến làm thủ tục tăng. Ảnh: D.Q

Đang đứng chờ đến lượt làm thủ tục sang tên cho chiếc xe máy Attila của mình tại Đội Quản lý Phương tiện Xe cơ giới đường bộ (Phòng Cảnh sát Giao thông Công an tỉnh), chị Đinh Thị Hòa (tổ 11, phường Yên Thế, TP. Pleiku) cho biết: “Mình nghe đầu năm 2017 xử phạt xe mua lại mà không đăng ký sang tên đổi chủ nên hôm nay vội đi làm. Thủ tục cũng không quá phức tạp, giá trị xe của mình không cao nên lệ phí chỉ hết 350.000 đồng (150.000 đồng lệ phí trước bạ và 200.000 đồng lệ phí đăng ký xe). Xe bây giờ đứng tên của mình, ra đường thấy yên tâm”.

Cũng chờ làm thủ tục sang tên cho chiếc xe SH, anh Trần Thanh Việt (185 Trường Chinh, TP. Pleiku) nói: “Tôi mua xe từ tháng 6-2016, chần chừ mãi giờ mới làm thủ tục sang tên, cũng may hợp đồng mua bán xe vẫn còn nên thủ tục không quá phức tạp”. Không chỉ người dân trong tỉnh, một số người từ tỉnh khác cũng đến rút hồ sơ, khiến không khí làm việc tại Đội Quản lý Phương tiện Xe cơ giới đường bộ khá tất bật. Sốt ruột đợi đến lượt mình, chị Võ Thị Thủy Tiên (TP. Quy Nhơn, Bình Định) than vãn: “Trước đây, mình mua xe đăng ký biển số tại Gia Lai. Vì vậy, dù thời điểm này khá bận nhưng vẫn phải sắp xếp công việc lên tận đây để rút hồ sơ, đợi lấy giấy hẹn rồi quay về làm thủ tục đăng ký tại Bình Định”.

Theo Thượng tá Lê Văn Cường-Đội trưởng Đội Quản lý Phương tiện Xe cơ giới đường bộ (Phòng Cảnh sát Giao thông Công an tỉnh), thời gian qua, lượng người đến đăng ký sang tên đổi chủ xe mô tô tăng đáng kể, nhất là những ngày cuối năm 2016 và đầu tháng 1-2017. Đến nay, toàn tỉnh đã tiếp nhận và xử lý khoảng 6.800 trường hợp đăng ký làm thủ tục sang tên đổi chủ, chủ yếu là xe gắn máy và mô tô (trên 6.600 trường hợp), còn lại là xe ô tô.

Cần hiểu rõ việc xử phạt xe không chính chủ

 

Lực lượng Cảnh sát Giao thông kiểm tra xe đến sang tên đổi chủ. Ảnh: D.Q
Lực lượng Cảnh sát Giao thông kiểm tra xe đến sang tên đổi chủ. Ảnh: D.Q

Cũng theo Thượng tá Lê Văn Cường, một bộ phận người dân chưa hiểu hết về từ “chính chủ”. Theo quy định, cơ quan chức năng chỉ xử phạt đối với trường hợp xe mua bán, cho tặng mà không chuyển quyền sở hữu. Còn trong trường hợp xe mượn đi, không phải xe mua bán thì không bị phạt. Ví dụ, một gia đình 5 người nhưng chỉ có 1 chiếc xe thì cả gia đình vẫn có thể sử dụng chiếc xe đó bình thường, Cảnh sát Giao thông sẽ không xử phạt đối với trường hợp người thân đi xe của nhau. Ngoài ra, việc xử phạt chỉ thực hiện trong trường hợp khi điều tra các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng trở lên hoặc trường hợp không làm thủ tục sang tên theo quy định.
 

Điểm b, Khoản 1, Điều 30 Nghị định 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt chủ phương tiện vi phạm quy định liên quan đến giao thông đường bộ: Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với cá nhân, từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô thực hiện một trong các hành vi vi phạm không làm thủ tục đăng ký sang tên xe (để chuyển tên chủ xe trong giấy đăng ký xe sang tên của mình) theo quy định khi mua, được cho, được tặng, được phân bổ, được điều chuyển, được thừa kế tài sản là xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô.

Thực tế từ năm 2013, Bộ Công an đã có Thông tư 12/2013/TT-BCA ngày 1-3-2013 về việc giải quyết đăng ký xe đối với trường hợp xe đã đăng ký, chuyển nhượng qua nhiều người. Trong đó giảm bớt một số thủ tục nhằm tạo điều kiện cho người dân đến làm thủ tục, chẳng hạn bỏ qua thủ tục phải có giấy tờ, hợp đồng mua bán xe. Đồng thời, đề xuất với ngành Thuế chỉ thu thuế ở chủ cuối cùng… Sau đó, Bộ Công an tiếp tục ra Thông tư 15/2014/TT-BCA sửa đổi Thông tư 12/2013/TT-BCA vẫn giữ các nội dung như trên, song thêm phần gia hạn thời gian giải quyết đến hết ngày 31-12-2016. Như vậy sau gần 4 năm thực hiện theo lộ trình sang tên đổi chủ thì cơ quan chức năng mới triển khai thực hiện việc xử phạt đối với hành vi không sang tên, đổi chủ khi mua bán xe.

 “Việc chuyển đổi sang tên chính chủ sẽ giúp cơ quan chức năng thuận lợi trong việc quản lý, chống thất thu thuế, góp phần tăng ngân sách nhà nước. Đặc biệt, đây là cơ sở hỗ trợ tích cực cho việc giải quyết các vụ trộm cắp xe, tai nạn giao thông. Thông qua việc xác minh xe khi làm thủ tục sang tên đổi chủ, lực lượng chức năng tỉnh đã phát hiện trên 10 trường hợp là xe trộm cắp, xe gắn biển số giả. Một số trường hợp đã được bàn giao trả xe cho người bị mất”-Thượng tá Lê Văn Cường cho biết thêm.

 Dã Quỳ

Có thể bạn quan tâm

Việc tốt quanh ta

Việc tốt quanh ta

(GLO)- Cuộc sống hàng ngày quanh ta có rất nhiều người tốt với việc làm có ích, thiết thực cho cộng đồng, xã hội.
“Thân cò” nuôi chồng bị mù và 3 con nhỏ

“Thân cò” nuôi chồng bị mù và 3 con nhỏ

(GLO)- Nhà nghèo, nuôi 3 con nhỏ, lại thêm người chồng đột nhiên bị mù cả 2 mắt nên gánh nặng cơm áo hàng ngày càng đè lên đôi vai gầy của chị Rơ Châm Thủy (SN 1984, trú tại làng Kênh, xã Nghĩa Hòa, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai).