Công ty Thủy điện Đak Đoa cần thực hiện lời hứa với dân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Dù đã đi vào hoạt động khoảng 5 năm nay nhưng lời hứa làm cầu treo bắt qua suối Ia Krom nối với khu sản suất của người dân làng A Droch, xã Đak Sơ Mei, huyện Đak Đoa của Thủy điện Đak Đoa vẫn chưa thực hiện. Việc này đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc đi lại, vận chuyển nông sản của người dân tại địa bàn, gây bức xúc trong nhân dân.

Ông Gyan chỉ cho P.V vị trí dự kiến xây dựng cầu treo bắc qua lòng hồ thủy điện. Ảnh: Q.T
Ông Gyan chỉ cho P.V vị trí dự kiến xây dựng cầu treo bắc qua lòng hồ thủy điện. Ảnh: Q.T

Thủy điện Đak Đoa (Công ty cổ phần Thủy điện Đak Đoa, xã Đak Sơ Mei, huyện Đak Đoa) xây dựng trên suối Ia Krom, có công suất 14 MW, được khởi công từ năm 2007 và đến khoảng năm 2011 thì hoàn thành. Việc chặn dòng đã biến con suối Ia Krom cạn, lòng suối hẹp trước đây, trở thành lòng hồ rộng và nước lớn khiến cho người dân không thể đi vào khu sản xuất của mình.

Theo ông Gyan-Trưởng thôn làng A Droch, xã Đak Sơ Mei cho biết: “Trước đây, nó chỉ là một con suối nhỏ, hẹp người dân làng đã tự làm một cây cầu gỗ để đi qua suối vào khu sản xuất. Kể từ khi làm thủy điện thì nước dâng lên tạo nên một lòng hồ rộng lớn khiến dân làng mình không thể vào khu sản xuất. Trước sự lo lắng và phản ứng của người dân thì phía thủy điện đã hứa sẽ làm cầu treo bắc qua lòng hồ để phục vụ cho việc đi lại và vận chuyển nông sản nên dân làng mình đã đồng ý”.

Tuy nhiên, lời hứa làm cầu treo cho người dân làng A Droch đã không được thực hiện vì gặp một số khó khăn trong quá trình khảo sát thực tế của Công ty. Theo khảo sát thì chiều dài cầu treo bắc qua lòng hồ quá dài (khoảng 120 mét), nếu xây cầu treo theo tiêu chuẩn kỹ thuật thì kinh phí quá lớn, còn làm cầu tạm theo yêu cầu của nhân dân thì không đảm bảo an toàn.

Vì vậy, ngày 4-11-2012, UBND xã Đak Sơ Mei đã tổ chức cuộc họp giữa dân làng A Droch và Công ty cổ phần Thủy điện Đak Đoa để lấy ý kiến về việc xây dựng cầu treo và làm đường. Sau khi nghe đại diện phía Công ty phân tích những khó khăn trong việc xây dựng cầu treo thì, dân làng đã đồng ý phương án làm đường đi vòng qua thủy điện để vào nơi sản xuất nhưng cầu phao bắc qua lòng hồ vẫn phải giữ nguyên và công ty phải có kế hoạch duy tu, sửa chữa hàng năm những hư hỏng nặng. Và phía đại diện Công ty cổ phần Thủy điện Đak Đoa đã đồng ý với phương án mà nhân dân yêu cầu.

Sau cuộc họp, phía Công ty đã cùng dân làng tiến hành khảo sát, san ủi và làm con đường dài hơn 6 km vòng qua chân thủy điện dẫn đến khu sản xuất của nhân dân. Còn cầu phao thì sau khi sửa chữa xong công ty đã giao cho nhân dân và không tiến hành duy tu, sửa chữa hàng năm như đã hứa, hiện cầu phao đã hư hỏng nặng và không thể sử dụng khoảng 3 năm nay.

 

Người dân chê đường đất thủy điện làm xa, ngoằn ngoèo và dốc rất khó đi, nhất là vào mùa mưa. Ảnh: Q.T
Người dân chê đường đất thủy điện làm xa, ngoằn ngoèo và dốc rất khó đi, nhất là vào mùa mưa. Ảnh: Q.T

Do đó, từ khi cầu phao không thể đi lại được nữa thì hàng ngày khoảng 110 hộ dân làng A Droch phải đi vòng theo con đường đất dài hơn 6 km để vào khu sản xuất với 100 ha (mì, lúa, cà phê, bời lời…) mà phía Công ty đã làm trước đó. Con đường dài, ngoằn ngoèo và dốc đã gây không ít khó khăn cho người dân trong việc đi lại và vận chuyển nông sản, nhất là vào mùa mưa.

Anh Tưn cho biết: “Từ khi cầu phao bị hư thì dân làng phải đi đường vòng qua chân thủy điện, tốn rất nhiều thời gian, nhất là những người không có xe máy hoặc đi xe máy không được thì phải đi bộ. Cùng với đó đường cũng khá dốc và trơn trượt nên vào mùa mưa thì rất khó khăn để đi lại và cũng rất nguy hiểm”.

“Có không ít trường hợp người dân đánh liều vượt lòng hồ để vận chuyển nông sản. Vụ trước nhà tôi trồng hơn 1,4 ha mì đến khi thu hoạch thì không có xe vận chuyển nên tôi đã chặt nứa kết thành bè để vận chuyển mì về làng bằng cách lội nước kéo bè về. Thời điểm ấy cũng có nhiều hộ vận chuyển nông sản như tôi. Nếu có cầu như trước đây thì dân đỡ khổ hơn”-ông Gyan cho biết thêm.

Theo ông Nguyễn Cao Thuấn-Phó Chủ tịch UBND xã Đak Sơ Mei cho biết, do phía Công ty không thực hiện đúng theo lời hứa với nhân dân nên sau khi cầu phao bị tê liệt, khi đi lại được nữa thì dân làng đã quay lại yêu cầu công ty phải làm cầu treo. Vấn đề này, xã đã nhiều lần đứng ra tổ chức các cuộc họp giữa các bên để hòa giải nhưng vẫn chưa đi đến thống nhất nên xã báo cáo vụ việc cho UBND huyện để có phương án chỉ đạo giải quyết dứt điểm.

Trao đổi với P.V qua điện thoại, ông Lê Viết Phẩm-Chủ tịch UBND huyện Đak Đoa cho biết: “Đúng là Công ty Thủy điện có hứa làm cầu treo cho dân. Huyện đang tổ chức làm việc với Công ty Thủy điện. Quan điểm của huyện là hứa với dân thì phải làm. Tuy nhiên,  thủy điện nói khó khăn này nọ…”.

Được biết, vấn đề này đã được cử tri huyện Đak Đoa phản ánh với đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh Gia Lai trong các buổi tiếp xúc cử tri. Hội đồng nhân dân tỉnh đã có báo cáo tổng hợp ý kiến cử tri, đề nghị UBND tỉnh có ý kiến để Công ty cổ phần Thủy điện Đak Đoa thực hiện cam kết.

Quang Tấn

Có thể bạn quan tâm

Ông ba Bông “vác tù và hàng tổng”

Ông ba Bông “vác tù và hàng tổng”

(GLO)- “Cứ việc gì đem lại lợi ích cho bà con thì làm thôi”-một câu nói nhẹ tênh nhưng thể hiện tinh thần trách nhiệm đối với cộng đồng của ông Trần Đình Bông (thôn 3, xã Nam Yang, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai).
Vượt lên khiếm khuyết để tỏa sáng

Vượt lên khiếm khuyết để tỏa sáng

(GLO)- Trong cuộc sống có rất nhiều người sinh ra và lớn lên khi không may bị khiếm khuyết một phần của cơ thể, dù vậy, họ không chấp nhận phó mặc cho số phận mà nỗ lực vươn lên và tỏa sáng giữa đời thường.
Tuyển chọn thực tập sinh nam đi thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản hưởng lương 24-35 triệu đồng/tháng

Tuyển chọn thực tập sinh nam đi thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản hưởng lương 24-35 triệu đồng/tháng

(GLO)- Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai vừa có công văn về phối hợp triển khai kế hoạch tuyển chọn thực tập sinh nam đi thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản đợt 2/2024 với mức lương từ 24 đến 35 triệu đồng/tháng theo thông báo của Trung tâm Lao động ngoài nước.