Phía Đông tỉnh: Nhiều thiệt hại do mưa lũ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Kbang và An Khê là hai trong số các địa phương tại khu vực phía Đông tỉnh chịu nhiều thiệt hại do ảnh hưởng của đợt mưa lũ vừa qua. Đã có 1 trường hợp người dân bị tử vong, một người mất tích có liên quan đến mưa lũ xảy ra trên địa bàn.

Nhiều lĩnh vực bị thiệt hại

Theo báo cáo sơ bộ của huyện Kbang, từ ngày 30-10 đến nay, trên địa bàn huyện liên tục có mưa lớn trên diện rộng và rải rác có dông. Mực nước tại các sông, suối dâng cao khiến một số khu vực xảy ra ngập lụt và sạt lở đất cục bộ tại một số tuyến đường giao thông làm ảnh hưởng đến việc giao thông, đi lại của bà con, đặc biệt là các cháu học sinh đi học hàng ngày. Về nhà ở, đã có 20 mét hàng rào trụ xây căng lưới B40 của nhà văn hóa xã Lơ Ku bị đổ sập. Mưa lũ còn khiến cho việc sản xuất, đi lại và học tập của bà con nhân dân bị ngưng trệ. Do thời tiết mưa lớn, sáng 2-11, có 118 học sinh nghỉ học do phụ huynh không dám đưa con đến lớp. 7 điểm trường học trên địa bàn các xã: Krong, Lơ Ku, Sơ Pai đã phải cho học sinh nghỉ học do mưa lớn, giao thông ách tắc. Trong những ngày cao điểm của đợt mưa lũ (các ngày mùng 1 và 2-11, trên địa bàn huyện Kbang có 12 km đường liên xã, nội thôn, làng, đường vào khu sản xuất bị xói lở, xẻ rãnh sâu, lầy lún nhiều đoạn… ảnh hưởng đến phương tiện lưu thông và vận chuyển nông sản của bà con nhân dân. Theo thống kê, có tổng cộng 35 điểm bị sạt lở đất, tập trung chủ yếu tại khu vực đèo Kon Pne và các tuyến đường liên xã; 5 ngầm tràn hiện bị ngập sâu, giao thông chia cắt. Riêng ngầm tràn Đak Lek, xã Sơ Pai mặt bê tông ngầm tràn bị bong tróc 20 m2… Mưa lớn làm sập 45 mét kênh bê-tông của công trình thủy lợi Đak Tơ Kân (xã Lơ Ku) và công trình Đak Lek (xã Sơ Pai).

Người dân chấp nhận thu hoạch mì dù chưa đến thời kỳ thu hoạch nhằm cứu vãng thiệt hại. Ảnh: Quang Tấn
Người dân chấp nhận thu hoạch mì dù chưa đến thời kỳ thu hoạch nhằm cứu vãng thiệt hại. Ảnh: Quang Tấn

Về sản xuất nông nghiệp, tính đến thời điểm hết ngày 2-11, toàn huyện đã có 15,4 ha cây trồng các loại và hoa màu của nhân dân bị ảnh hưởng do mưa lớn kéo dài. Cụ thể: lúa nước thiệt hại 7 ha (trong đó 5 ha lúa bị đổ ngã,mức độ thiệt hại dưới 30% và 2 ha lúa bị ngập nước,mức độ thiệt hại từ 30-50%); 8,4 ha cây hoa màu, cây công nghiệp ngắn ngày bị thiệt hại (trong đó thiệt hại dưới 30% là 5ha, chủ yếu là cây chanh leo, mía đổ ngã; thiệt hại từ 30-50% là 0,5 ha; thiệt hại trên 70% là 2,9 ha, chủ yếu là cây lúa nước và cây bắp. Tại làng Đak Asêl (xã Sơn Lang) có 1 con bò chết rét. Đặc biệt, trên địa bàn huyện đã xảy ra 1 trường hợp tử vong có liên quan đến mưa lũ. Nạn nhân là ông Đinh Vong (1950, trú tại làng Kon Von 1, xã Đak Rong), bị nạn tại hồ C của công trình Thủy điện Vĩnh Sơn-Sông Hinh vào lúc 10 giờ ngày 2-11. Hơn 2 ngày sau đó (tức lúc 14 giờ ngày 4-11), gia đình và địa phương mới tìm vớt được thi thể ông Công.

Tại thị xã An Khê, tính đến trưa ngày 3-11, mưa lớn đã gây nên tình trạng ngập cục bộ tại một số tuyến đường nội thị: Hoàng Hoa Thám, Nguyễn Trung Trực do hệ thống thoát nước không kịp, một số tuyến đường đi vào khu sản xuất chính ở các xã bị ngập và hư hỏng, nhân dân không đi lại được. Một số hộ dân sinh sống tại khu vực trũng thấp bị ngâp nước làm hư hại một số đồ dùng sinh hoạt: tủ lạnh, máy giặt… Có 2 xe máy bị cuốn trôi tại ngầm suối Vối (phường Ngô Mây). Ngoài ra, theo thống kê của cơ quan chuyên môn, đã có 12 ha mía trồng tại các khu vực cao, trống bị đổ ngã do gió và mưa lớn. Em Nguyễn Thanh Vương, học sinh lớp 11 trường THPT An Khê nghi vấn bị lũ cuốn trôi ngày 1-11.

Kịp thời ứng phó với mọi tình huống

 

Ngay trong đêm ngày 1-11 khi xuất hiện các trận mưa lớn, lãnh đạo các huyện, thị xã đều tiến hành tập trung lực lượng nắm bắt tình hình để đề ra phương án ứng phó với diễn biến của thời tiết. “Các đồng chí trong Ban Chỉ huy Phòng-chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện đã chỉ đạo UBND, Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tại các xã, thị trấn triển khai trực ban 24/24, thường xuyên cập nhật tình hình thời tiết và mực nước tại các sông, suối. Đồng thời, rà soát, xác định hiện trạng các khu vực, tuyến đường giao thông nguy hiểm, có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét để có biện pháp cảnh báo kịp thời, thông tin đến nhân dân trên địa bàn tình hình thời tiết mưa lớn có thể gây ra lụt, lũ quét hay các điểm sạt lở đất để khuyến cáo bà con nhân dân hạn chế lưu thông trên các tuyến đường có nguy cơ sạt lở, ngập lụt cao. Riêng với ngành giáo dục, địa phương chỉ đạo Phòng Giáo dục-Đào tạo huyện chủ động hướng dẫn các trường học trên địa bàn quản lý tốt học sinh, không cho học sinh đi lại qua sông, suối khi nước lớn; trong trường hợp cần thiết có thể thông báo cho phụ huynh học sinh cho con em nghỉ học”-ông Phạm Xuân Trường-Phó Chủ tịch UBND huyện Kbang cho biết.
 

Từ trưa 3-11, lưu lượng nước xả qua tràn An Khê tại công trình Thủy điện An Khê-Ka Nak đã giảm về mức 150m3/s. Ảnh: Lê Hòa
Từ trưa 3-11, lưu lượng nước xả qua tràn An Khê tại công trình Thủy điện An Khê-Ka Nak đã giảm về mức 150 m3/s. Ảnh: Lê Hòa

Trong những ngày mưa bão vừa qua, thị xã An Khê và các huyện lân cận luôn phối hợp chặt chẽ với Công ty thủy điện An Khê-Ka Nak, Công ty cổ phần Thủy điện Vĩnh Sơn-Sông Hinh để theo dõi sát sao, nghiêm túc việc thực hiện quy trình vận hành hồ chứa. Trước sự việc Công ty Thủy điện An Khê-Ka Nak tiến hành xả lũ vận hành hồ chứa trong trường hợp bất thường vào lúc 23 giờ đêm 1-11 (với lưu lượng xả lũ qua tràn An Khê lớn nhất là 200 m3/s) và tăng lưu lượng xả nước lớn nhất lên mức 500 m3/s vào khoảng 8 giờ sáng ngày 2-11, thị xã An Khê đã yêu cầu Công ty Thủy điện An Khê-Ka Nak nghiêm túc thực hiện các quy định về quy trình vận hành hồ chứa. Đến ngày 3-11, Công ty Thủy điện An Khê-Ka Nak đã tiến hành giảm xả qua tràn An Khê với lưu lượng từ 500 m3/s trước đó xuống còn 150m3/s từ trưa ngày 3-11. Nhờ sự vào cuộc rốt ráo, kịp thời và sâu sát với tình địa bàn, từng tình huống cụ thể, tại địa bàn thị xã An Khê đã không để xảy ra thiệt hại gì lớn. Đây là một trong những nỗ lực đáng ghi nhận của chính quyền, ngành chức năng và nhân dân An Khê trong việc ứng phó với mưa lũ và các nguy cơ khác có thể xảy ra trong mưa lũ. Tại các điểm giao thông bị ngập sâu, Ban Chỉ huy Phòng-chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thị xã An Khê đã bố trí lực lượng: Công an, Dân quân tự vệ, thanh niên… thay phiên túc trực chốt chặn không để nhân dân qua lại khi nguy hiểm, đồng thời lập các đội cứu hộ giao thông để hỗ trợ cho phương tiện bị mắc kẹt.

Từ ngày 4-11, mưa lớn đã có dấu hiệu giảm dần. Theo quan sát của P.V đến thời điểm chiều 5-11, mực nước tại sông Ba đã giảm mạnh, mưa vẫn còn diễn ra nhưng lượng mưa không lớn. Người dân các huyện phía Đông đang dần quay lại nhịp sống thường nhật, song không vì thế mà chủ quan, lơ là trước diễn biến của tình hình thời tiết bởi theo cảnh báo của cơ quan chức năng và địa phương, thời tiết năm nay luôn tiềm ẩn các yếu tố khó lường.

Lê Hòa

Có thể bạn quan tâm

Việc tốt quanh ta

Việc tốt quanh ta

(GLO)- Cuộc sống hàng ngày quanh ta có rất nhiều người tốt với việc làm có ích, thiết thực cho cộng đồng, xã hội.
“Thân cò” nuôi chồng bị mù và 3 con nhỏ

“Thân cò” nuôi chồng bị mù và 3 con nhỏ

(GLO)- Nhà nghèo, nuôi 3 con nhỏ, lại thêm người chồng đột nhiên bị mù cả 2 mắt nên gánh nặng cơm áo hàng ngày càng đè lên đôi vai gầy của chị Rơ Châm Thủy (SN 1984, trú tại làng Kênh, xã Nghĩa Hòa, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai).
 Ngày hội “Tháng ba biên giới” tại xã Ia O

Ngày hội “Tháng ba biên giới” tại xã Ia O

(GLO)- Ngày 23-3, Nhóm từ thiện Fly To Sky phối hợp với Huyện Đoàn-Hội LHTN Việt Nam-Hội đồng Đội huyện Ia Grai, Chi hội Nhà báo các Báo thường trú tại Gia Lai tổ chức Ngày hội “Tháng ba biên giới” với chủ đề “Biên cương Tổ quốc tôi” tại Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc (xã Ia O, huyện Ia Grai).