Lấn chiếm lòng đường, vỉa hè: "Căn bệnh" khó chữa?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Lấn chiếm lòng đường, vỉa hè làm nơi kinh doanh, buôn bán, bãi giữ xe, đặt biển quảng cáo, dựng rạp đám cưới… từ lâu đã trở thành chuyện “biết rồi, khổ lắm nói mãi”. Ấy thế nhưng, theo thời gian, tình trạng này không có dấu hiệu thuyên giảm mà ngày càng trở nên nghiêm trọng, thậm chí trở thành “căn bệnh mãn tính” và cần phải có liều thuốc đặc trị.

Lấn chiếm lòng đường, vỉa hè ở khu vực đường Thi Sách-Nguyễn Thiện Thuật (TP. Pleiku). Ảnh: A.H
Lấn chiếm lòng đường, vỉa hè ở khu vực đường Thi Sách-Nguyễn Thiện Thuật (TP. Pleiku). Ảnh: A.H

Khu vực Trung tâm Thương mại TP. Pleiku (Gia Lai) được xem là nơi kinh doanh, buôn bán sầm uất nhất của TP. Pleiku và đây cũng là nơi mà tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè diễn ra phổ biến. Các tuyến đường như: Nguyễn Thiện Thuật, Thi Sách và đoạn Hai Bà Trưng-gần Siêu thị Vinatext từ lâu mặc nhiên cũng trở thành… chợ, bởi từ vỉa hè cho đến lòng đường đều bị chiếm dụng làm mặt bằng kinh doanh. Hàng thịt, hàng cá xen lẫn với rau xanh, trái cây; rồi hàng điện tử, điện dân dụng cho đến xe đạp, quần áo, giày dép… cứ thi nhau tràn xuống lòng đường. Họ ngang nhiên coi nơi đang “chiếm dụng” là “địa phận” của riêng mình, để rồi người dân nào vô tình dừng xe lại quá lâu trước mặt là họ quát, họ đuổi… Chưa hết, người bán, người mua nhốn nháo, rồi nước rửa đổ tràn xuống đường, cộng với rác thải vứt ngổn ngang tạo nên sự nhếch nhác mà bất cứ ai cũng phải nhăn mặt, nhón chân mỗi khi bước vào khu vực này.

Nhiều khu chợ khác trên địa bàn thành phố, tình trạng này cũng diễn ra tương tự, như chợ Bà Định, chợ Hoa Lư, chợ Thống Nhất… Kế đến, vỉa hè của nhiều tuyến phố chính như: Trần Phú, Hai Bà Trưng, Hùng Vương… cũng bị chiếm dụng làm địa điểm kinh doanh quán cà phê, quán nhậu, bãi giữ xe,… Vốn dĩ, vỉa hè là nơi dành cho người đi bộ, nhưng từ lâu, người đi bộ bị tước mất quyền lợi, buộc phải đi xuống lòng đường để nhường vỉa hè lại cho các hàng quán.

Một thực tế khác là hiện nay, nhiều tuyến đường trong khu vực đông dân cư còn bị chiếm dụng làm “sân khấu” tổ chức tiệc cưới, tiệc tân gia... Cách đây không lâu, tại TP. Hồ Chí Minh đã xảy ra vụ tai nạn nghiêm trọng do tình trạng lấn chiếm lòng đường dựng rạp đám cưới khiến 1 người chết, 5 người bị thương. Ở tỉnh ta, tuy chưa xảy ra vụ việc nghiêm trọng như trên, nhưng cũng không ít người bị thương do tình trạng này gây nên. Chị Nguyễn Thị Ngân (đường Phùng Hưng, TP. Pleiku) bức xúc: “Khu vực này bình thường đã chật chội, đông đúc vì chợ búa, hàng quán cứ san sát nhau... Vậy mà một số hộ còn lấn hết cả đoạn đường, dựng rạp tổ chức đám cưới, rồi xe máy, xe ô tô đậu kín từ trưa cho đến tận chiều khiến người dân chẳng thể qua lại”. Việc lấn chiếm đường phố kiểu này không chỉ gây ra sự ùn tắc giao thông, mất trật tự đô thị mà còn tạo tâm lý bức xúc không nhỏ cho người đi đường. Bên cạnh đó, tình trạng đậu đỗ xe trái phép, dựng các pa-nô, đặt các tấm biển quảng cáo trái quy định… gây cản trở giao thông, che khuất tầm nhìn và cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến một số vụ tai nạn giao thông trong thời gian qua.

Vậy đâu là nguyên nhân chính để tình trạng lấn chiếm đường phố trở thành “vấn nạn”? Các tiểu thương, hộ buôn bán vì lợi ích cá nhân đã bất chấp mọi nguy hiểm, rủi ro để duy trì việc lấn chiếm lòng đường, vỉa hè. Rủi ro ở đây có thể sẽ gặp tai nạn giao thông bất cứ lúc nào vì họ đang buôn bán ở nơi mà lượng xe lưu thông khá lớn; rủi ro khác là nếu không nhanh tay, nhanh mắt thì sẽ bị lực lượng trật tự đô thị thu giữ hàng hóa, mất cả vốn lẫn lời…

Ông Vũ Tiến Anh-Chủ tịch UBND phường Diên Hồng, TP. Pleiku đã nêu lên một số khó khăn của phường trong việc giải quyết dứt điểm vấn đề này. Khó khăn nhất chính là ý thức của người dân vẫn còn hạn chế. Khi lực lượng chức năng xuống tuyên truyền hoặc dùng các biện pháp mạnh thì người dân chấp hành, nhưng khi lực lượng chức năng lơ là, buông lỏng thì mọi việc lại trở lại như cũ. Hơn nữa, phụ cấp dành cho đội ngũ làm công tác trật tự còn thấp; mức xử phạt vi phạm hành chính đối với việc lấn chiếm lòng đường, vỉa hè còn thấp, chỉ mang tính răn đe, chưa tạo được hiệu ứng cao… Cũng theo ông Vũ Tiến Anh, để chấm dứt tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè cần phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và về lâu dài, cần phải xây dựng các mô hình điểm về khu dân cư tự quản…

Anh Huy

Có thể bạn quan tâm

Việc tốt quanh ta

Việc tốt quanh ta

(GLO)- Cuộc sống hàng ngày quanh ta có rất nhiều người tốt với việc làm có ích, thiết thực cho cộng đồng, xã hội.
“Thân cò” nuôi chồng bị mù và 3 con nhỏ

“Thân cò” nuôi chồng bị mù và 3 con nhỏ

(GLO)- Nhà nghèo, nuôi 3 con nhỏ, lại thêm người chồng đột nhiên bị mù cả 2 mắt nên gánh nặng cơm áo hàng ngày càng đè lên đôi vai gầy của chị Rơ Châm Thủy (SN 1984, trú tại làng Kênh, xã Nghĩa Hòa, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai).
 Ngày hội “Tháng ba biên giới” tại xã Ia O

Ngày hội “Tháng ba biên giới” tại xã Ia O

(GLO)- Ngày 23-3, Nhóm từ thiện Fly To Sky phối hợp với Huyện Đoàn-Hội LHTN Việt Nam-Hội đồng Đội huyện Ia Grai, Chi hội Nhà báo các Báo thường trú tại Gia Lai tổ chức Ngày hội “Tháng ba biên giới” với chủ đề “Biên cương Tổ quốc tôi” tại Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc (xã Ia O, huyện Ia Grai).
Gia Lai sửa đổi, bổ sung quy định về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân

Gia Lai sửa đổi, bổ sung quy định về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân

(GLO)- Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai vừa ban hành quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều của quy định về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân trên địa bàn tỉnh.