Nước từ bệnh viện chảy vào khu dân cư bốc mùi hôi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trận mưa sáng 20-5 khiến cho lượng nước mưa từ bên trong Bệnh viện Quân y 211 tiếp tục chảy tràn ra đường, bốc mùi hôi ảnh hưởng đến môi trường và đời sống, sinh hoạt của một số hộ dân tổ 6, phường Đống Đa (TP. Pleiku).  

Mặc dù trước đó, trong biên bản làm việc với lãnh đạo Bệnh viện, lãnh đạo phường Đống Đa yêu cầu lấp các lỗ thoát nước dọc tuyến tường rào mà đơn vị này đào ra để thoát nước ra phía ngoài cụm dân cư, đồng thời đền bù thiệt hại cho các hộ dân bị thiệt hại hoa màu do trận mưa ngày 7-5 làm sập tường rào bệnh viện, nước tràn ra khu dân cư gây ngập úng cục bộ.

 

Bệnh viện 211 đã cho đào hào trữ nước. Ảnh: Minh Triều
Bệnh viện 211 đã cho đào hào trữ nước. Ảnh: Minh Triều

Mưa đầu mùa phá vỡ tường bao

Khoảng 7 giờ sáng 20-5, một người dân tại cụm 5, tổ 6, phường Đống Đa (TP. Pleiku) gọi điện thoại đến đường dây nóng Báo Gia Lai phản ánh nước từ trong Bệnh viện Quân y 211 chảy qua các khe hở tường rào tràn ra đường, bốc mùi hôi thối. Tại hiện trường, trước số nhà 42/370 Phạm Văn Đồng chúng tôi chứng kiến từ vị trí bờ tường Bệnh viện 211 có 2 khe nước từ trong chảy ra đường giáp với các hộ dân. Nước màu sẫm, bốc mùi khó chịu. Theo anh Lương Văn Sơn-tổ dân phố 6, đường Phạm Văn Đồng thì cơn mưa khá lớn vào sáng nay đã làm nước từ khu vực phía bên trong bệnh viện chảy ra ngoài đường và khu vực trồng hoa màu của các hộ dân.  

Anh Sơn cho biết, trước đó, vào ngày 7-5, do mưa lớn một đoạn tường rào bệnh viện có chiều dài 5 mét bị đổ sập, nước từ khu vực bên trong bệnh viện ầm ào chảy tràn ra gây thiệt hại 1.500 m2 diện tích trồng hoa màu của gia đình anh, ảnh hưởng đến khu vực chăn nuôi. Không chỉ có gia đình anh bị thiệt hại mà còn có các hộ Nguyễn Hữu Thành, Nguyễn Văn Hiên, Đặng Thị Xuân bị thiệt hại hơn 2.000 m2 diện tích trồng cải thảo, hoa cúc đang chuẩn bị thu hoạch; có hộ bị sập tường rào lưới B40. Anh Sơn cho biết, cả vườn rau cải đang chuẩn bị thu hoạch ngập nước, úng hết không bán được đành sử dụng làm phân xanh và cho heo ăn. Thiệt hại ước tính hàng chục triệu đồng.

Ngay sau đó, chính quyền phường Đống Đa đã có mặt kịp thời lập biên bản kiểm tra hiện trạng trước sự chứng kiến của các hộ dân. Nhưng theo anh Nguyễn Văn Hiên thì “đâu vẫn vào đấy”, nước thì bệnh viện vẫn thải ra mà tiền đền bù cho các hộ dân cũng chẳng thấy đâu. “Đền bù cho chúng tôi là một chuyện nhưng về lâu dài bệnh viện phải có biện pháp xử lý, không thải nước ra khu vực dân cư chúng tôi vì đa phần người dân ở đây đều sử dụng nước giếng, khi nước thải ngấm xuống mạch nước ngầm rất dễ gây ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe và hoa màu”- anh Hiên bức xúc.

Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Văn Tùng-Phó Chủ tịch UBND phường Đống Đa-cho biết: Ngày 8-5, UBND phường đã có buổi làm việc với đại diện lãnh đạo Bệnh viện 211 và Trường Trung cấp Nghề số 21, đề nghị Bệnh viện lấp các hố thoát nước dưới chân tường không để thoát nước ra khu vực cụm 5, tổ dân phố 6 và đền bù thiệt hại cho các hộ dân. Theo ông Tùng, các bên cũng đã cam kết khắc phục hệ thống thoát nước và đền bù cho các hộ dân bị thiệt hại. “Chậm nhất là ngày 11-5, Bệnh viện 211 và Trường Trung cấp Nghề số 21 sẽ trả lời những biện pháp đề xuất khắc phục do phường đưa ra. Nhưng đến nay UBND phường vẫn chưa nhận được thông tin phản hồi gì từ phía hai đơn vị này”- ông Tùng khẳng định.

 

Hoa màu của các hộ dân bị thiệt hại vẫn chưa được đền bù thỏa đáng. Ảnh: Minh Triều
Hoa màu của các hộ dân bị thiệt hại vẫn chưa được đền bù thỏa đáng. Ảnh: Minh Triều

Mùi hôi do chuồng heo trong bệnh viện?

Theo các hộ dân trên địa bàn, sau khi vỡ bờ tường ngày 7-5, bệnh viện này đã cho xây lại bờ tường mới. Tuy nhiên, người dân phát hiện bờ tường bị đục thủng nhiều lỗ nhỏ, nước tiếp tục chảy ra đường. Thượng tá, bác sĩ Võ Văn Khôi-Phó Giám đốc Bệnh viện Quân y 211-xác nhận việc nước làm vỡ bờ tường bệnh viện tràn ra hẻm 370 (Phạm Văn Đồng) làm ảnh hưởng đến hoa màu của các hộ dân. “Thực ra nước này không hoàn toàn của bệnh viện, mà từ nhiều nguồn khác nhau. Cụ thể là khu vực phía Tây đồi Rada (gần bệnh viện), khu vực đồi thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Gia Lai, các khu dân cư lân cận. Bệnh viện 211 diện tích khoảng 10 ha, lượng nước không nhiều, nhưng do địa thế bệnh viện nằm ở vùng trũng nên các nguồn nước đều đổ về đây”.

Thượng tá Khôi cho biết, trước đây khu vực này còn nhiều cây cối, khi mưa thì nước ngấm xuống đất. Nhưng nay các khu vực đều được bê tông hóa, lúc mưa xuống khiến dôi ra một lượng nước lớn. “Tạm thời, chúng tôi đã cho đào một hệ thống hào chứa nước trong khu vực bệnh viện để hút nước mưa, giải tỏa bớt lượng nước đồng thời giảm áp lực nước có thể tiếp tục gây vỡ bờ tường mới xây tràn ra ngoài. Việc người dân phản ánh có một số lỗ nhỏ đục thủng trên tường là có thật, bởi có như thế mới làm giảm áp lực nước”- Phó Giám đốc Bệnh viện chia sẻ.

Khi được hỏi vì sao nước mưa lại bốc mùi hôi, bác sĩ Khôi giải thích: “Việc nước bốc mùi có thể là do nước chảy qua chuồng nuôi 15 con heo mà các chiến sĩ nuôi phục vụ cho bếp ăn ở bệnh viện, chứ thực ra bệnh viện có hệ thống xử lý nước thải riêng và khu xử lý nước thải này nằm ở cách xa khu vực người dân phản ánh”.

Tuy nhiên, trái ngược với lời bác sĩ Khôi vừa nói, ông Nguyễn Văn Tùng-Phó Chủ tịch UBND phường Đống Đa khi trực tiếp kiểm tra hiện trường cho biết cả khu vực phía sau của Bệnh viện 211, Trường Trung cấp Nghề số 21, khu vực dân cư lân cận đều không có hệ thống thoát nước. Cũng vì lượng nước mưa lớn nên chảy tràn qua hồ chứa nước thải của bệnh viện này nên bốc mùi hôi”- ông Tùng nhận định.

Về phương án giải quyết, bác sĩ Khôi cho biết thêm đã báo cáo với Quân đoàn 3 xử lý vấn đề này. “Tuy nhiên, bệnh viện hứng lượng lớn nước mưa từ nhiều nguồn chảy về trong khi hệ thống thoát nước của thành phố thì không có. Do vậy, chúng tôi cũng kiến nghị các cấp địa phương cần có giải pháp chung để giúp bệnh viện trong việc xây dựng kênh mương thoát nước. Còn vấn đề đền bù, chúng tôi sẽ gặp trực tiếp các hộ dân khu vực tổ 6 bàn về thiệt hại hoa màu và có giải pháp sớm khắc phục và hỗ trợ cho những hộ dân này”- bác sĩ Khôi nói.

Minh Nguyễn

Có thể bạn quan tâm

Ẩn họa từ hàng rong trước cổng trường

Ẩn họa từ hàng rong trước cổng trường

(GLO)- Tại khu vực xung quanh các trường tiểu học, THCS trên địa bàn tỉnh Gia Lai, nhất là ở TP. Pleiku có nhiều hàng rong, hàng quán vỉa hè bán đồ ăn uống không có nhãn mác, nguồn gốc. Thực tế này luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm.

Mùa nước cạn ven hồ Ayun Hạ

Mùa nước cạn ven hồ Ayun Hạ

(GLO)- Những ngày nắng nóng tháng 4, dọc ven hồ Ayun Hạ thuộc địa phận xã Ayun, huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai), đông đảo người dân lại kéo nhau ra cào hến, bắt cá, tép, vừa cải thiện bữa ăn, vừa bán để kiếm thêm thu nhập.
Ông ba Bông “vác tù và hàng tổng”

Ông ba Bông “vác tù và hàng tổng”

(GLO)- “Cứ việc gì đem lại lợi ích cho bà con thì làm thôi”-một câu nói nhẹ tênh nhưng thể hiện tinh thần trách nhiệm đối với cộng đồng của ông Trần Đình Bông (thôn 3, xã Nam Yang, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai).
Vượt lên khiếm khuyết để tỏa sáng

Vượt lên khiếm khuyết để tỏa sáng

(GLO)- Trong cuộc sống có rất nhiều người sinh ra và lớn lên khi không may bị khiếm khuyết một phần của cơ thể, dù vậy, họ không chấp nhận phó mặc cho số phận mà nỗ lực vươn lên và tỏa sáng giữa đời thường.
Đak Pơ kiên quyết đóng cửa bãi rác gây ô nhiễm

Đak Pơ kiên quyết đóng cửa bãi rác gây ô nhiễm

(GLO)- Dù bãi rác thải cũ của huyện ở thôn 4 (xã An Thành) đã đóng cửa nhưng nhiều người dân vẫn lén lút đổ rác, gây ô nhiễm môi trường. Huyện Đak Pơ chỉ đạo phòng chức năng và các địa phương triển khai các giải pháp ngăn ngừa tình trạng đổ rác trái phép và cải tạo môi trường nơi đây.