Dân tố Công an xã "cướp trắng" 30 triệu đồng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Bức xúc trước việc Công an xã hù dọa rồi “ra giá”, bắt nộp đủ 30 triệu đồng mới thả chiếc xe chở khúc gỗ mà người dân trục vớt dưới suối, anh Đào Văn Hà-thôn Đoàn Kết, xã Ia Ga, huyện Chư Prông-đã tố cáo vụ việc trên đến lãnh đạo huyện.

Khúc gỗ và 30 triệu đồng    

Theo trình bày của anh Hà: Ngày 26-4-2014, anh cùng anh Hảo (người dân tộc Tày) phát hiện và trục vớt được một cây gỗ tại suối Đục. Thấy cây gỗ còn tốt nên anh Hà đã thỏa thuận trả cho anh Hảo 3 triệu đồng để mua lại. Sau đó anh Hà gọi điện nhờ xe của anh Trần Văn Đoạt (người cùng địa phương) đến chở về nhà. Khoảng 23 giờ cùng ngày, trên đường vận chuyển cây gỗ về nhà, cách cầu suối Đục 1 km thì chiếc xe bị Công an xã Ia Ga bắt giữ. Lực lượng Công an xã Ia Ga lúc đó gồm các ông: Nguyễn Văn Trọng (Trưởng Công an xã); Rơ Lan Huy, Trần Thanh Cường (Phó Trưởng Công an xã); ông Đinh Văn Thảo, Nguyễn Văn Sự (Công an viên). “Khi đó, ông Trọng yêu cầu tôi phải nộp phạt 30 triệu đồng nếu không sẽ tịch thu cả xe lẫn gỗ mà còn phải đi tù”-ông Hà kể.

 

Anh Trần Văn Đoạt (áo đỏ) thuật lại những gì đã chứng kiến. Ảnh: Minh Triều
Anh Trần Văn Đoạt (áo đỏ) thuật lại những gì đã chứng kiến. Ảnh: Minh Triều

Sau khi vợ anh Hà là chị Đỗ Thị Vân chạy vạy khắp nơi mượn được 25 triệu đồng, anh Hà đem số tiền này chạy xuống chỗ xe gỗ đang bị bắt giữ thì thấy những cán bộ này đang dùng camera trong điện thoại quay lại chiếc xe chở gỗ. Khi nghe anh Hà nói chỉ mượn được 25 triệu đồng thì ông Trưởng Công an xã trả lời dứt khoát: “Mày về đi, 30 phút nữa không có tiền thì đưa cả xe lẫn gỗ về Hạt Kiểm lâm”. Trao đổi với P.V, anh Đoạt-lái xe-tường thuật lại vụ việc: “Lần cuối cùng khi anh Hà mượn được đủ số tiền 30 triệu đồng, anh Hà chở tôi xuống để chạy xe gỗ về. Khi đến nơi tôi thấy anh Trọng đang ngồi bệt dưới lề đường viết biên bản trong cuốn vở học sinh. Lúc đó anh Hà đưa tiền cho ông Trọng, ông này lấy tiền bỏ vào túi rồi tiếp tục viết thêm mấy hàng nữa vào biên bản sau đó bắt tôi và anh Hà ký vào”.

Ngoài việc yêu cầu anh ký phải ghi rõ họ tên vào biên bản, anh Đoạt còn nhớ rõ lời ông Trọng căn dặn anh Hà sau khi cho xe gỗ đi là “về nhà cưa khúc ra rồi giấu kỹ nếu không thì Kiểm lâm huyện vào bắt”-anh Đoạt nhớ. Kể lại vụ việc, anh Hà bức xúc: Sau khi về đến nhà, bình tĩnh trở lại, anh mới nhận thấy việc Công an xã yêu cầu nộp phạt 30 triệu đồng mà không ghi biên lai nộp phạt và cũng không thông báo nội dung biên bản ghi gì nên ngay trong đêm anh gọi điện cho ông Trần Hiếu-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Ga-để trình báo vụ việc nêu trên. Tuy nhiên vào thời điểm đó đã hơn 12 giờ khuya nên ông này không nghe máy. Đến hơn 4 giờ sáng ngày hôm sau anh Hà tiếp tục gọi điện cho ông Hiếu và được ông này cho biết là chờ đến sáng sẽ xuống giải quyết vụ việc. Đến hơn 11 giờ trưa không thấy ông Hiếu xuống, anh Hà đã gọi cho ông Bùi Viết Hội-Chủ tịch UBND huyện Chư Prông để trình bày vụ việc, sau đó gọi tiếp cho Công an huyện Chư Prông.

Tiếp đến, sáng 28-4, Hạt Kiểm lâm Chư Prông đã đến nhà anh Hà lập biên bản về việc cất giữ lâm sản trái pháp luật, không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp nên đã tịch thu đưa về UBND xã Ia Ga chờ xử lý. Cùng với đó, ngày 19-5-2014, Hạt Kiểm lâm huyện Chư Prông ra Quyết định số 0000188/QĐ-XPVPHC, xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Đào Văn Hà số tiền 5 triệu đồng về hành vi cất giữ lâm sản trái với quy định Nhà nước; đồng thời tịch thu tang vật là 1,258 m3 gỗ tròn chủng loại cẩm nhóm IIA.

 

Ảnh: Minh Triều
Ảnh: Minh Triều

Mong sớm có kết quả điều tra

Sau khi sự việc xảy ra, ngày 5-5 anh Đào Văn Hà đã có đơn khiếu nại gửi Chủ tịch UBND huyện Chư Prông, Chủ tịch UBND xã Ia Ga về việc Công an xã Ia Ga phạt số tiền 30 triệu đồng mà không lập phiếu thu là có đúng với thẩm quyền và có vi phạm pháp luật hay không? Ngày 13-5, UBND huyện Chư Prông có công văn yêu cầu Chủ tịch UBND xã Ia Ga xem xét giải quyết và báo cáo vụ việc theo đơn phản ánh của công dân. Trước đó, ngày 5-5, Huyện ủy Chư Prông cũng có công văn chuyển đơn tố cáo của ông Hà cho Công an huyện Chư Prông giải quyết theo quy định.

Trở lại vụ việc trước đó, ông Trần Hiếu-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Ga-cho biết: “Vào khoảng 4 giờ 30 phút sáng 27-4, tôi nhận được điện thoại của anh Hà, nhưng vì lúc đó là chủ nhật (cũng là ngày nghỉ lễ) nên tôi nói với anh Hà có gì để sáng thứ hai lên xã trực tiếp trao đổi, phản ánh với tôi. Nhưng có lẽ vì bức xúc quá nên anh Hà đã gọi điện trực tiếp phản ảnh với lãnh đạo huyện”-ông Hiếu xác nhận. Ông Hiếu khẳng định: Ngay sau khi vụ việc xảy ra, đích thân ông đã đứng ra trấn an dư luận, bức xúc của người dân thông qua các cuộc họp thôn, tiếp xúc đại biểu Hội đồng Nhân dân tại địa phương, đồng thời nêu rõ quan điểm của chính quyền là kiên quyết làm sáng tỏ việc, “đến nơi đến chốn” và hứa trả lời cụ thể vụ việc này trước dân.

Trao đổi với P.V, bà Phạm Thị Thu Hiền-Chủ tịch UBND xã Ia Ga-khẳng định: Vụ việc tương đối phức tạp, liên quan trực tiếp đến Công an xã nên lãnh đạo huyện đã chỉ đạo Công an huyện vào cuộc, hiện Công an huyện đã triệu tập những người có liên quan để điều tra xử lý. “Hơn ai hết, xã cũng rất mệt mỏi trước những áp lực của người dân. Chúng tôi rất mong Công an huyện nhanh chóng điều tra vụ việc, có hay không có việc nhận tiền của Công an xã để trả lời thỏa đáng cho người dân, chúng tôi sẽ hết sức nỗ lực phối hợp làm hết khả năng của mình”-bà Hiền khẳng định.

Bên cạnh đó, UBND xã cũng đã nắm bắt thông tin từ phía người dân, đồng thời mời những người có liên quan lên làm việc, trước mắt đã có một Công an viên thừa nhận việc Công an xã lập biên bản đêm 26-4 là có, những người còn lại thì không thừa nhận. Theo bà Hiền, “không phải tự dưng người dân như ông Hà lại làm đơn tố cáo Công an xã, chúng tôi cũng nghiêng về phần có. Sau khi có kết quả điều tra của Công an huyện, nếu sự việc đúng như phản ánh, chúng tôi sẽ xử lý thật nghiêm lấy lòng tin của người dân, vì xưa nay xã chưa hề có việc này”.

Trả lời phóng viên qua điện thoại, Đại tá Lê Văn Duy-Trưởng Công an huyện Chư Prông-xác nhận: Vụ việc đang được Công an huyện tích cực điều tra theo công văn chỉ đạo của UBND huyện, tuy nhiên đến nay chưa có kết luận cuối cùng.

Minh Triều-Văn Ngọc

Có thể bạn quan tâm

Ẩn họa từ hàng rong trước cổng trường

Ẩn họa từ hàng rong trước cổng trường

(GLO)- Tại khu vực xung quanh các trường tiểu học, THCS trên địa bàn tỉnh Gia Lai, nhất là ở TP. Pleiku có nhiều hàng rong, hàng quán vỉa hè bán đồ ăn uống không có nhãn mác, nguồn gốc. Thực tế này luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm.

Mùa nước cạn ven hồ Ayun Hạ

Mùa nước cạn ven hồ Ayun Hạ

(GLO)- Những ngày nắng nóng tháng 4, dọc ven hồ Ayun Hạ thuộc địa phận xã Ayun, huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai), đông đảo người dân lại kéo nhau ra cào hến, bắt cá, tép, vừa cải thiện bữa ăn, vừa bán để kiếm thêm thu nhập.
Ông ba Bông “vác tù và hàng tổng”

Ông ba Bông “vác tù và hàng tổng”

(GLO)- “Cứ việc gì đem lại lợi ích cho bà con thì làm thôi”-một câu nói nhẹ tênh nhưng thể hiện tinh thần trách nhiệm đối với cộng đồng của ông Trần Đình Bông (thôn 3, xã Nam Yang, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai).
Vượt lên khiếm khuyết để tỏa sáng

Vượt lên khiếm khuyết để tỏa sáng

(GLO)- Trong cuộc sống có rất nhiều người sinh ra và lớn lên khi không may bị khiếm khuyết một phần của cơ thể, dù vậy, họ không chấp nhận phó mặc cho số phận mà nỗ lực vươn lên và tỏa sáng giữa đời thường.
Đak Pơ kiên quyết đóng cửa bãi rác gây ô nhiễm

Đak Pơ kiên quyết đóng cửa bãi rác gây ô nhiễm

(GLO)- Dù bãi rác thải cũ của huyện ở thôn 4 (xã An Thành) đã đóng cửa nhưng nhiều người dân vẫn lén lút đổ rác, gây ô nhiễm môi trường. Huyện Đak Pơ chỉ đạo phòng chức năng và các địa phương triển khai các giải pháp ngăn ngừa tình trạng đổ rác trái phép và cải tạo môi trường nơi đây.