Kết quả thi còn nhiều nghi vấn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Khi kết quả kỳ thi tuyển dụng công chức cấp xã của huyện Chư Pah được công bố, nhiều thí sinh đã đồng loạt nộp đơn kiến nghị mong tìm lại sự công bằng vì cho rằng đằng sau kết quả này còn nhiều nghi vấn.

“Giám khảo đọc cho thí sinh chép”

Nội dung đơn kiến nghị của thí sinh Phan Sào Nam-hiện đang là cán bộ hợp đồng tại phòng Tư pháp huyện Chư Pah-phản ánh: Trong quá trình thi, tôi đã thấy thành viên trong Ban sát hạch Phòng thi số 1 có hành vi đọc đáp án trả lời phỏng vấn cho thí sinh Nguyễn Văn T., đăng ký dự tuyển vào công chức Tư pháp-Hộ tịch thị trấn Phú Hòa và thí sinh Rơ Châm S., đăng ký dự tuyển vào công chức Tư pháp-Hộ tịch xã Ia Khươl. 2 thí sinh này chỉ ghi vào giấy nháp, sau đó nộp lại cho Ban giám khảo mà không cần trả lời câu hỏi phỏng vấn như những thí sinh khác.
 

Các thí sinh trình bày những kiến nghị việc giám khảo đọc cho thí sinh chép đáp án. Ảnh: M.T
Các thí sinh trình bày những kiến nghị việc giám khảo đọc cho thí sinh chép đáp án. Ảnh: M.T

Anh Nam bức xúc: “Tôi cùng anh Khánh, anh Tường, chị Trang và một số thí sinh khác thấy anh T. không ghi gì vào giấy nháp nhưng lúc lên trả lời phỏng vấn mới được giám khảo đọc mới chép vào giấy nháp. Tương tự, thí sinh S., sau khi bốc đề thi xong anh này thậm chí không xuống khu vực dành cho thí sinh chuẩn bị câu trả lời của mình mà ngồi đối diện với 2 giám khảo và được 2 giám khảo đọc cho chép, sau đó nộp giấy nháp ra về mà không cần phải trả lời một câu hỏi nào”.

Xác nhận điều này, thí sinh Thái Thị Huyền Trang-phường Đống Đa, TP. Pleiku, cho biết: Tuy đứng ngoài hành lang qua ô cửa kính nhưng chúng tôi đều nhìn thấy rất rõ và còn nghe giọng đọc của các giám khảo. Tuy nhiên “khi được mời lên để giải quyết nội dung đơn kiến nghị, họ yêu cầu chúng tôi cung cấp chứng cứ, trong khi vào phòng thi các thí sinh đều bị cấm sử dụng điện thoại nên không quay, không ghi âm lại để làm bằng chứng được nhưng nhân chứng như tụi em thì rất nhiều”-chị Trang khẳng định.

Không những thế, thí sinh Trần Quốc Tường-hiện đang là cán bộ hợp đồng Tư pháp-Hộ tịch xã Ia Khươl còn phản ánh: “Khi tôi lên Phòng Nội vụ nộp hồ sơ dự thi thì cán bộ ở đây dường như không muốn tiếp nhận hồ sơ của tôi, thậm chí họ còn “thông báo” cho tôi biết chỗ này có con của ông trưởng ban gì đó nộp hồ sơ rồi (con ông này đang là cán bộ hợp đồng tại vị trí tuyển dụng này) hay chỗ kia đã có người có bằng đại học chính quy tốt nghiệp khá, giỏi. Họ còn nói: “Em nộp vào làm gì, có nộp thì cũng không đậu được đâu”.

Thí sinh bị “ép” vào điểm liệt?

Anh Trần Quốc Tường nêu ra những nghi vấn về kết quả điểm của mình: Tôi tốt nghiệp Đại học Luật (Huế) loại khá nên xét về điểm học tập, điểm tốt nghiệp tương đối cao nhưng cố tình bị đánh rớt điểm phỏng vấn một cách “tréo ngoe” (46,5 điểm/tổng điểm là 269,4), nhưng theo tôi tự đánh giá thì phần thi của mình phải đạt 80-90 điểm.
 

Ông Nguyễn Quốc Hùng-Trưởng phòng Nội vụ, Phó Chủ tịch Hội đồng xét tuyển công chức cấp xã huyện Chư Pah, cho biết: “Trong quá trình giải quyết thì kết quả thi của xã Ia Khươl và thị trấn Phú Hòa và cả vị trí Tư pháp-Hộ tịch sẽ không được công khai cho đến khi có kết luận sau cùng”.

Tương tự, thí sinh Phan Sào Nam cũng khẳng định: Tôi tốt nghiệp loại khá nên sau khi xét và thi phỏng vấn tổng điểm của tôi là 273 điểm, nhưng trong đó bị “liệt” điểm phỏng vấn (43 điểm) thì coi như bị loại trực tiếp. Trong khi đó, thí sinh Nguyễn Văn T. thi cùng chức danh Tư pháp-Hộ tịch với chúng tôi do đã được giám khảo “ưu ái” nên điểm phỏng vấn rất cao (73 điểm), kết quả là thí sinh này lại đậu dù chỉ đạt 242 điểm vì điểm học tập và điểm tốt nghiệp khá thấp, còn chúng tôi thì… rớt.

Tiếp đến, các thí sinh còn đưa ra một nghi vấn khác đó là trường hợp của thí sinh Rơ Châm S. dự thi chức danh công chức Tư pháp-Hộ tịch xã Ia Khươl. Cụ thể, Rơ Châm S. và Rơ Châm Thun đều được hưởng điểm ưu tiên giống nhau vì cùng là thí sinh dân tộc thiểu số, nhưng thí sinh Rơ Châm Thun tốt nghiệp Đại học Luật Hà Nội thì điểm phỏng vấn chỉ vừa đủ “rớt” (49 điểm), trong khi thí sinh S. tốt nghiệp trung cấp nhưng lại được giám khảo “ưu ái” điểm phỏng vấn (65 điểm) nên đương nhiên đậu…

Ngẫu nhiên, kết quả này đúng như lời cán bộ tiếp nhận hồ sơ đã “thông báo” trước đó. “Chúng tôi không hiểu vì lý do gì mà anh T. và anh S. lại được giám khảo “ưu ái” đến như vậy, chúng tôi rất bức xúc và cảm thấy bất công trước sự việc trên nên đề nghị cơ quan có thẩm quyền thẩm tra và xác minh sự việc trên để bảo vệ quyền lợi không những cho chúng tôi mà còn cho những thí sinh khác”-anh Nam nói.

Chưa công bố kết quả thi khi chưa có kết luận

Trước những ý kiến thắc mắc của các thí sinh, ông Nguyễn Quốc Hùng-Trưởng phòng Nội vụ, Phó Chủ tịch Hội đồng xét tuyển công chức cấp xã huyện Chư Pah, cho biết: “Chúng tôi đã mời những thí sinh có đơn kiến nghị lên làm việc xung quanh vấn đề giám khảo đọc cho thí sinh ghi vào giấy nháp. Nhưng qua buổi làm việc những thí sinh này không cung cấp được thông tin gì nhiều vì “chỉ thấy” thôi chứ không có chứng cứ, tài liệu gì cung cấp. Tuy nhiên, trên cơ sở những đơn kiến nghị này chúng tôi sẽ tham mưu cho Chủ tịch UBND huyện thành lập tổ xác minh nội dung trong đơn để có kết quả trả lời cho thích đáng vụ việc, ai vi phạm tới đâu thì sẽ xem xét đề xuất xử lý đến đó cho khách quan”.

Theo ông Hùng, trước khi tổ chức thi sát hạch, Hội đồng xét tuyển cũng đã công bố quy chế thi cho các thí sinh, công bố các thành viên Ban sát hạch. “Nếu thí sinh phát hiện việc giám khảo đọc cho thi sinh ghi đáp án vào giấy nháp thì phải báo ngay cho Ban giám sát, lúc đó có thành viên hội đồng, Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng tham dự thì sự việc sẽ được giải quyết. Nhưng tôi chỉ biết được những phản ánh này sau khi tiếp nhận đơn kiến nghị của các thí sinh, còn trước đó thì không nghe nói gì”-ông Hùng nói.

Đề cập đến việc thí sinh Tường phản ánh khi nộp hồ sơ dự thi có gặp ông Hùng và ông có nói vị trí đó đã có người “gửi gắm”, ông Hùng khẳng định việc này là hoàn toàn không đúng. “Tôi không phải là người trực tiếp nhận hồ sơ, tôi là lãnh đạo phòng thì nói thế sao được. Hôm qua mời lên làm việc mới biết được mặt anh Tường. Mà nếu tôi không cho nộp hồ sơ thì tại sao anh này lại được dự thi và có kiến nghị như thế này, điều này không thực tế”-ông Hùng quả quyết. Đối với thông tin Phòng Nội vụ liên lạc vận động gia đình của thí sinh, gây áp lực đối với cơ quan nơi các thí sinh này công tác để các thí sinh này rút lại đơn kiến nghị, ông Hùng cũng khẳng định là không có.

Trao đổi với P.V, bà Trần Thị Vinh-Phó Chánh Thanh tra huyện Chư Pah-xác nhận: “Chúng tôi đã làm việc cụ thể với các thi sinh để phân loại đơn, nội dung nào là khiếu nại về kết quả sát hạch, nội dung nào tố cáo, nội dung nào phản ánh cán bộ không có chuyên môn nghiệp vụ nhưng được đưa vào làm thành viên Ban giám sát, cán bộ có chuyên môn nghiệp vụ trong lĩnh vực thi tuyển thì lại không… để chốt lại những nội dung của những đơn này sau đó sẽ ra thông báo thụ lý. Trong quá trình giải quyết thì kết quả thi của xã Ia Khươl và thị trấn Phú Hòa và cả vị trí Tư pháp-Hộ tịch sẽ không được công khai cho đến khi có kết luận sau cùng”.

Minh Triều

Có thể bạn quan tâm

Việc tốt quanh ta

Việc tốt quanh ta

(GLO)- Cuộc sống hàng ngày quanh ta có rất nhiều người tốt với việc làm có ích, thiết thực cho cộng đồng, xã hội.
“Thân cò” nuôi chồng bị mù và 3 con nhỏ

“Thân cò” nuôi chồng bị mù và 3 con nhỏ

(GLO)- Nhà nghèo, nuôi 3 con nhỏ, lại thêm người chồng đột nhiên bị mù cả 2 mắt nên gánh nặng cơm áo hàng ngày càng đè lên đôi vai gầy của chị Rơ Châm Thủy (SN 1984, trú tại làng Kênh, xã Nghĩa Hòa, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai).
 Ngày hội “Tháng ba biên giới” tại xã Ia O

Ngày hội “Tháng ba biên giới” tại xã Ia O

(GLO)- Ngày 23-3, Nhóm từ thiện Fly To Sky phối hợp với Huyện Đoàn-Hội LHTN Việt Nam-Hội đồng Đội huyện Ia Grai, Chi hội Nhà báo các Báo thường trú tại Gia Lai tổ chức Ngày hội “Tháng ba biên giới” với chủ đề “Biên cương Tổ quốc tôi” tại Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc (xã Ia O, huyện Ia Grai).