Dân làng Tung, làng Gút vẫn chưa ổn định sản xuất

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Mặc dù đã chuyển về nơi ở mới được 3 năm nhưng gần 150 hộ đồng bào ở làng Tung và làng Gút (xã Krong, huyện Kbang) vẫn chưa thể ổn định sản xuất. Phần lớn thời gian, họ quay lại làng cũ để tiếp tục canh tác, chỉ khi có việc cần hoặc có lễ, Tết, người dân mới cùng nhau về làng tái định cư để nghỉ ngơi vài ngày…
 

  Khung cảnh vắng vẻ, đìu hiu ở hai ngôi làng tái định cư. Ảnh: Phương Vy
Khung cảnh vắng vẻ, đìu hiu ở hai ngôi làng tái định cư. Ảnh: Phương Vy

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do 50 ha đất canh tác mà dự án xây dựng khu tái định canh định cư hỗ trợ cho nhân dân 2 làng Tung và làng Gút có địa hình khá dốc, cộng thêm tập quán canh tác còn khá lạc hậu của bà con nên chỉ qua vài mùa rẫy, đất trở nên cằn cỗi không thể trồng trọt được. Vì vậy, bà con 2 làng đành phải bỏ đất mới, quay lại ruộng rẫy của mình trước kia để canh tác.

Khoảng cách từ làng mới về nơi ở cũ rất xa, lại thêm đường đi khó khăn, phải qua nhiều con suối, đường rừng ngoằn nghèo, bà con chọn cách ở lại để tiện đường lên nương lên rẫy, vài ngày mới về làng mới một lần. Đáng chú ý, con em của 2 làng cũng theo cha mẹ về rẫy ở khiến các điểm trường làng mới trở nên đìu hiu, thưa thớt bóng dáng học sinh.

Đến làng Tung, làng Gút mới, những ngày này, chúng tôi mới thấy, làng dường như đang thiếu vắng tiếng người. Những mái nhà xây kiên cố nay các bờ tường lấm lem màu bụi đất, các cánh cửa chừng như đã hư hỏng nhiều vì không có người sửa chữa, khoảng sân trước cỏ dại mọc lấn lên tới trên bờ hè nhà. Bên trong các ngôi nhà trống hoác, không có đồ vật gì giá trị. Khắp đường làng là khung cảnh vắng vẻ, chỉ có lác đác bóng dáng vài em nhỏ đang tụm hai, tụm ba chơi đùa dưới khoảng sân lấm láp đất.

Một người buôn bán tạp hóa ở làng cho biết: “Cả làng cứ đi về nơi ở cũ để làm rẫy miết, vài ngày về một lần, lúc đi liền mấy tháng trời nên ở đây lúc nào cũng vắng vẻ lắm, buôn bán cũng trở nên ế ẩm hẳn. Làng chỉ đông vui mỗi độ làng có lễ hoặc Tết gì đó thôi”. Mặc dù đã sắp tới giờ lên lớp nhưng cô giáo Nguyễn Thị Hiền Trang vẫn cứ chần chừ đi ra đi vào. Thấy chúng tôi thắc mắc, cô cười buồn: “Giờ lên lớp cũng chưa có em nào đi học cả đâu, mà khi có cũng được vài em, còn thì chúng theo cha mẹ lên rẫy ở cả, việc dạy học của cả cô và trò cứ gián đoạn mãi”. Cô Trang cũng cho biết thêm, cách đây mấy ngày, cả dân làng cùng nhau về làm lễ ăn mừng lúa mới, xong đâu đó lại đóng cửa trở về làng cũ.

Hai làng Tung và làng Gút hiện có 151 hộ, với 789 khẩu. Số hộ nghèo ở cả hai làng chiếm tỷ lệ khoảng 90% (làng Tung 68 hộ, chiếm 91%; làng Gút 72 hộ, chiếm 96%). Trao đổi với ông Ngụy Khắc Nông-Phó Chủ tịch UBND xã Krong về vấn đề trên, ông Nông cho biết: Diện tích đất sản xuất lấy từ đất rừng của Công ty TNHH một thành viên Lâm trường Krông Pa giao cho bà con nay đã bị bỏ hoang do địa hình dốc và cằn cỗi. Bà con quay về nơi ở cũ để sản xuất, đời sống vì thế vẫn chưa được cải thiện nên số hộ nghèo vẫn còn khá nhiều. Đây vẫn là bài toán khó đối với chính quyền xã Krong khi chưa tìm ra được hướng giải quyết triệt để nguồn đất giúp bà con yên tâm sản xuất, phát triển kinh tế.

Phương Vy

Có thể bạn quan tâm

Đak Pơ kiên quyết đóng cửa bãi rác gây ô nhiễm

Đak Pơ kiên quyết đóng cửa bãi rác gây ô nhiễm

(GLO)- Dù bãi rác thải cũ của huyện ở thôn 4 (xã An Thành) đã đóng cửa nhưng nhiều người dân vẫn lén lút đổ rác, gây ô nhiễm môi trường. Huyện Đak Pơ chỉ đạo phòng chức năng và các địa phương triển khai các giải pháp ngăn ngừa tình trạng đổ rác trái phép và cải tạo môi trường nơi đây.
Tuyển chọn thực tập sinh nam đi thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản hưởng lương 24-35 triệu đồng/tháng

Tuyển chọn thực tập sinh nam đi thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản hưởng lương 24-35 triệu đồng/tháng

(GLO)- Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai vừa có công văn về phối hợp triển khai kế hoạch tuyển chọn thực tập sinh nam đi thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản đợt 2/2024 với mức lương từ 24 đến 35 triệu đồng/tháng theo thông báo của Trung tâm Lao động ngoài nước.