Tương lai nào cho 200 sinh viên Trường Đại học Đông Á (Đà Nẵng)?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trước thông tin Trường Đại học Đông Á (Đà Nẵng) thông báo sinh viên hệ “cao đẳng liên thông 3,5 năm” khóa tuyển sinh 2012-2016 không được tiếp tục học hệ này mà chỉ được học hệ trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) hoặc chuyển sang học cao đẳng nghề. Hoang mang, lo lắng trước diễn biến của sự việc, ngày 6-11, sinh viên hệ “cao đẳng liên thông 3,5 năm” tiếp tục tụ tập chung quanh khu vực trường và bày tỏ bức xúc trước hướng giải quyết của lãnh đạo nhà trường.

Sinh viên hoang mang, lo lắng

Nhiều sinh viên bậc “Cao đẳng liên thông 3,5 năm” cho biết, kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng (CĐ, ĐH)  năm 2012 dù không có nguyện vọng thi tuyển hay xét tuyển vào Trường ĐH Đông Á, nhưng sau đó vẫn được trường gửi giấy báo trúng tuyển về tận nhà mời nhập học. Em N.V.Q. (quê TP. Pleiku, Gia Lai) buồn bã kể, năm 2012 em thi ĐH khối A vào Trường ĐH Quy Nhơn nhưng tổng điểm 3 môn thi chỉ được 6,5 điểm. Trong lúc phân vân giữa việc đi học nghề hay tiếp tục ở nhà ôn thi cho kỳ thi tuyển sinh năm sau, thì cuối tháng 9-2012, em nhận được giấy báo trúng tuyển vào hệ “CĐ liên thông 3,5 năm” của Trường ĐH Đông Á. Cho dù trước đó, em không đăng ký nguyện vọng thi hay xét tuyển vào Trường ĐH Đông Á”.

 

Những ngày qua, sinh viên vừa bức xúc, vừa hoang mang, lo lắng đến tập trung tại cổng trường. Ảnh: Đại Thắng
Những ngày qua, sinh viên vừa bức xúc, vừa hoang mang, lo lắng đến tập trung tại cổng trường. Ảnh: Đại Thắng

Cũng như N.V.Q. trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2012, em P.H.T (quê huyện Bố Trạch, Quảng Bình) thi khối A nhưng chỉ được 7 điểm, nhưng vào cuối tháng 9-2012, em cũng nhận được giấy báo nhập học của Trường ĐH Đông Á “mời vào” học hệ này. Em lo lắng kể lại, khi biết mình không đủ điểm sàn để xét tuyển vào những ngành học đăng ký, em được các anh chị trong gia đình tư vấn đi học trung cấp hay học nghề ở quê. Bỗng dưng mấy ngày sau đó, em nhận được cái giấy báo trúng tuyển nhập học của Trường ĐH Đông Á, em và mọi người trong gia đình tỏ ra rất bất ngờ. Riêng em có cảm giác rất vui vì có thể đi học ở bậc cao đẳng. Bố mẹ và mấy anh chị động viên em cố gắng chịu khó học hành 3,5 năm để sau này có cái bằng CĐ chính quy.

Hiện tại, tổng số sinh viên đang theo học hệ “CĐ liên thông 3,5 năm” tại Trường ĐH Đông Á có khoảng gần 200 em, với các ngành học như: Du lịch, Điều dưỡng, Kế toán, Xây dựng, Quản trị kinh doanh… Hầu hết, các sinh viên trúng tuyển vào học đều có số điểm thi dưới 10 điểm (dưới mức điểm sàn xét tuyển cao đẳng, đại học năm 2012). Điều đáng quan tâm là sinh viên đang theo học là con em ở các địa phương khu vực miền Trung-Tây Nguyên có điều kiện kinh tế gia đình hết sức khó khăn.

Bạn L.T.T. (quê ở huyện Krông Năng, tỉnh Đak Lak) cho biết, nhận được giấy báo mời nhập học của Trường ĐH Đông Á, ngay sau đó em xin bố mẹ tiền, rồi nhanh chóng khăn gói xuống Đà Nẵng làm thủ tục nhập học. Hơn một năm học vừa qua, bố mẹ ở quê phải chạy vạy ngược xuôi vay mượn tiền cho em ăn học. Nhưng ai ngờ sự thể chuyện học hành hôm nay lại như thế này. Mấy hôm nay, bố mẹ gọi điện xuống hỏi han chuyện học, em giấu chuyện vì sợ ba mẹ biết sẽ buồn lòng. Thực sự bây giờ em rất hoang mang, lo lắng, không biết tương lai chuyện học của mình sẽ như thế nào?”.  

Giải quyết vấn đề trên cơ sở đảm bảo quyền lợi người học?

 

Ban lãnh đạo Trường Đại học Đông Á đối thoại với SV nhằm tìm hướng giải quyết thỏa đáng. Ảnh: Đại Thắng
Ban lãnh đạo Trường Đại học Đông Á đối thoại với SV nhằm tìm hướng giải quyết thỏa đáng. Ảnh: Đại Thắng

Tuy nhiên, khi sự việc xảy ra, dư luận xã hội đã đặt ra câu hỏi là tại sao sau thời gian học tập của SV hệ “CĐ liên thông 3,5 năm” đã trôi qua hơn 1 năm thì mọi chuyện mới vỡ lỡ? Vì sao, sau khi Bộ GD-ĐT ban hành Thông tư 55 quy định về đào tạo liên thông trình độ CĐ, ĐH, nhà trường không có một “động thái” thể hiện sự kiên quyết trong việc điều chỉnh lại hệ đào tạo và có một sự giải đáp rõ ràng cho SV khóa tuyển sinh này?

Bởi vậy, sau khi đã vào học gần 1 năm thì SV mới nắm được thông tin mình “không được tiếp tục học hệ này mà phải chuyển qua học hệ TCCN hoặc chuyển sang học CĐ nghề”. Quá bất ngờ và bức xúc trước thông tin này, trong những ngày qua, sinh viên đã tập trung trong sân trường để phản đối và đề nghị Ban lãnh đạo Trường ĐH Đông Á phải đào tạo đúng như cam kết ban đầu, bởi từ ngày nhập học đến nay SV đều nộp học phí theo hệ CĐ chính quy.

Khi trao đổi với chúng tôi, trả lời câu hỏi “Khi Thông tư 55 của Bộ GD-ĐT vừa ban hành, tại sao nhà trường không thông báo ngay cho SV biết để có hướng lựa chọn con đường học tập của mình? Bà Nguyễn Thị Anh Đào-Chủ tịch Hội đồng Quản trị Trường Đại học Đông Á cho biết, Phòng Đào tạo nhà trường đã thông báo trên bảng tin và cả trên website nhà trường, nhưng không hiểu sao các em này không hay biết?

Tiếp đó, trả lời câu hỏi “Nhà trường đã dựa vào quy định nào để tổ chức tuyển sinh hệ “CĐ liên thông 3,5 năm” đối với học sinh THPT và thí sinh thi ĐH, CĐ có điểm thi dưới điểm sàn quy định? Về vấn đề này, bà Đào cho rằng, đây là lỗi của bộ phận làm công tác tuyển sinh và sẽ kiểm tra chấn chỉnh. Tuy nhiên, trong giấy báo trúng tuyển gửi cho thí sinh của Trường ĐH Đông Á lại do chính GS.TSKH Lê Văn Hoàng-Hiệu trưởng, kiêm Chủ tịch Hội đồng tuyển sinh năm 2012 ký ban hành.

Một vấn đề khác nữa là sau buổi đối thoại giữa Ban lãnh đạo nhà trường với SV để bàn biện pháp giải quyết, khi trao đổi với báo chí, bà Nguyễn Thị Anh Đào khẳng định rằng, mọi hướng giải quyết của nhà trường đều sẽ được thực hiện trên cơ sở đảm bảo quyền lợi cho SV. Theo đó, nếu trường hợp SV xin dừng học, thì nhà trường sẽ cấp chứng nhận điểm cho các em có thể chuyển sang trường khác, hoặc nếu SV tiếp tục hoàn thành chương trình TCCN thì nhà trường sẽ tiếp tục tạo điều kiện cho SV học tập và nếu sau khi hoàn thành chương trình học TCCN, những SV nào muốn học cao đẳng nghề thì nhà trường sẵn sàng tạo điều kiện. Còn trường hợp SV không học nữa, thì nhà trường sẽ xem xét trả lại một phần học phí cho các em. Tuy vậy, nhiều ý kiến cho rằng, việc chuyển hướng từ hệ TCCN sang chương trình  đào tạo nghề không phải ngành học nào cũng có thể phù hợp, trong khí đó gần 200 SV hiện nay đang theo học nhiều ngành khác nhau.

Đưa vấn đề này ra trao đổi với một số cán bộ phụ trách công tác đào tạo ở một số trường ĐH, CĐ thuộc Đại học Đà Nẵng thì đa số họ có cùng nhận xét: “Từ trước đến nay chưa hề có hệ đào tạo nào mang tên là “CĐ liên thông 3,5 năm” dành cho thí sinh tốt nghiệp THPT hoặc không đạt mức điểm sàn ĐH, CĐ. Thực chất đây là “chiêu” để thu hút thí sinh vào học TCCN rồi sau đó tìm cách cho người học liên thông lên CĐ hoặc ĐH. Tuy nhiên, khi Thông tư 55 của Bộ GD-ĐT ra đời đã quy định việc đào tạo liên thông trình độ CĐ, ĐH khá chặt chẽ. Cho nên, hiện “cách làm” của một số trường không thể tổ chức đào tạo liên thông ngay tại cơ sở đào tạo, nếu thời gian tốt nghiệp của SV chưa đủ 36 tháng.

Đại Thắng

Có thể bạn quan tâm

Ẩn họa từ hàng rong trước cổng trường

Ẩn họa từ hàng rong trước cổng trường

(GLO)- Tại khu vực xung quanh các trường tiểu học, THCS trên địa bàn tỉnh Gia Lai, nhất là ở TP. Pleiku có nhiều hàng rong, hàng quán vỉa hè bán đồ ăn uống không có nhãn mác, nguồn gốc. Thực tế này luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm.

Mùa nước cạn ven hồ Ayun Hạ

Mùa nước cạn ven hồ Ayun Hạ

(GLO)- Những ngày nắng nóng tháng 4, dọc ven hồ Ayun Hạ thuộc địa phận xã Ayun, huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai), đông đảo người dân lại kéo nhau ra cào hến, bắt cá, tép, vừa cải thiện bữa ăn, vừa bán để kiếm thêm thu nhập.
Ông ba Bông “vác tù và hàng tổng”

Ông ba Bông “vác tù và hàng tổng”

(GLO)- “Cứ việc gì đem lại lợi ích cho bà con thì làm thôi”-một câu nói nhẹ tênh nhưng thể hiện tinh thần trách nhiệm đối với cộng đồng của ông Trần Đình Bông (thôn 3, xã Nam Yang, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai).
Vượt lên khiếm khuyết để tỏa sáng

Vượt lên khiếm khuyết để tỏa sáng

(GLO)- Trong cuộc sống có rất nhiều người sinh ra và lớn lên khi không may bị khiếm khuyết một phần của cơ thể, dù vậy, họ không chấp nhận phó mặc cho số phận mà nỗ lực vươn lên và tỏa sáng giữa đời thường.
Đak Pơ kiên quyết đóng cửa bãi rác gây ô nhiễm

Đak Pơ kiên quyết đóng cửa bãi rác gây ô nhiễm

(GLO)- Dù bãi rác thải cũ của huyện ở thôn 4 (xã An Thành) đã đóng cửa nhưng nhiều người dân vẫn lén lút đổ rác, gây ô nhiễm môi trường. Huyện Đak Pơ chỉ đạo phòng chức năng và các địa phương triển khai các giải pháp ngăn ngừa tình trạng đổ rác trái phép và cải tạo môi trường nơi đây.