Hậu thanh tra Trường THPT Lê Lợi: Giáo viên đang bị xử ép?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Công tác dạy và học tại Trường THPT Lê Lợi, TP. Pleiku vẫn đang rối như tơ vò sau đợt thanh tra của Sở Giáo dục-Đào tạo kết thúc hồi tháng 1-2012. Hầu hết giáo viên đều ăn không ngon, ngủ không yên trong thời gian chờ đợi những quyết định cuối cùng từ phía Sở và các ban ngành chức năng có liên quan. Trong khi đó, khi cuộc thanh tra kết thúc, những ngày qua lại có thêm những bức xúc tiếp diễn trong tập thể giáo viên nơi đây…

Quan điểm của Sở là xử lý nghiêm, không bao che

Như Gia Lai online đã đăng bài “Những khoản thu mập mờ ngoài ngân sách”, phản ánh: Năm học 2011-2012, lãng đạo Trường THPT Lê Lợi đã “đẻ” ra chiêu bài “xã hội hóa giáo dục”, núp bóng Ban Đại diện Hội Cha mẹ học sinh để thu hàng loạt khoản thu ngoài ngân sách, trái với quy định của ngành, của UBND tỉnh, dẫn đến tập thể giáo viên viết đơn tố cáo. Nghiêm trọng hơn là việc lãnh đạo trường đã “hô biến” hạnh kiểm của một số học sinh từ mức hạnh kiểm yếu lên hạnh kiểm khá để học sinh được chuyển trường êm đẹp, gây nhiều tranh cãi, bức xúc cho thầy cô và học sinh, buộc Thanh tra Sở phải vào cuộc.

Ảnh: C.H
Ảnh: C.H

Theo kết quả thanh tra thì nhà trường đã có những sai phạm như: Báo cáo lên Sở nhiều khoản thu gian dối; việc mua bán không có chứng từ thanh toán; đánh giá, xếp loại học sinh trong hồ sơ chuyển trường trái với Thông tư số 08/TT ngày 21-2-1988 của Bộ Giáo dục-Đào tạo hướng dẫn về việc khen thưởng và thi hành kỷ luật học sinh các trường phổ thông…

Trao đổi với phóng viên ngày 6-3 liên quan đến việc xử lý những sai phạm của nhà trường, ông Phạm Ngọc Thạch- Giám đốc Sở Giáo dục-Đào tạo cho biết, hiện công tác thanh tra tài chính vẫn đang tiếp tục, dù một số sai phạm đã rõ dần. Đối với những khoản thu, chi chính, nếu đưa ra hội đồng mà nhận được sự đồng thuận thì chủ trương được nhất trí, bằng không sẽ chuyển qua một vụ khác. Cũng theo ông Thạch, Sở vừa có văn bản yêu cầu những cá nhân có liên quan kiểm điểm trách nhiệm, mức độ sai phạm trong việc thực thi nhiệm vụ của mình báo cáo Sở.

Quan trọng là phải thành khẩn để Hội đồng Kỷ luật có cơ sở xử lý tiếp. Nếu làm cho có, báo cáo không đúng thì buộc Sở Tài chính sẽ vào cuộc, báo cáo UBND tỉnh chỉ đạo Thanh tra Nhà nước tiến hành thanh tra làm rõ, xử lý đúng pháp luật. Được hỏi về việc lãnh đạo nhà trường “qua mặt” Sở, báo cáo sai các khoản thu, cụ thể là năm học 2011-2012 thu 18 khoản, nhưng chỉ báo cáo lên Sở thu có 13 khoản. Sở sẽ xử lý thế nào? Ông Thạch nói: Sai phạm này nếu trường còn giấu lỗi, chắc chắn Sở Tài chính sẽ vào cuộc thanh tra. “Quan trọng lúc này là Hiệu trưởng phải dũng cảm, biết nhận lỗi, bằng không mọi chuyện còn phức tạp hơn. Quan điểm của Sở là xử lý công minh, rõ ràng, đúng pháp luật chứ không có chuyện bao che”- ông Thạch nói.

Quýt làm, cam chịu?

Khi mà nhiều giáo viên, học sinh và phụ huynh nhà trường còn dài cổ chờ kết quả xử lý, thì ngày 1-3, Giám đốc Sở Giáo dục-Đào tạo đã có Công văn số 97/SGDĐT-TCCB về việc thực hiện sau thanh tra. Theo đó, yêu cầu Ban Giám hiệu nhà trường, các tổ chức đoàn thể của Trường THPT Lê Lợi tiến hành khẩn trương việc kiểm điểm, xử lý trách nhiệm theo quy định đối với Hiệu trưởng và các cá nhân có liên quan. Phần Hiệu trưởng, tiến hành kiểm điểm các nội dung “công tác quản lý tài chính, công tác quản lý nhà trường” theo nội dung kết luận thanh tra nêu.

Với Phó Hiệu trưởng, kiểm điểm trách nhiệm trong việc thực hiện nhiệm vụ  được Hiệu trưởng giao; tinh thần đấu tranh phê bình và tự phê bình để xây dựng tập thể Ban Giám hiệu. Kiểm điểm Kế toán về trách nhiệm trong công tác chuyên môn, mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao; công tác tham mưu cho Hiệu trưởng thực hiện nhiệm vụ chuyên môn theo quy định về công tác tài chính kế toán.

Hiện tất cả những yêu cầu của Sở đã và đang được các cá nhân có liên quan thực hiện để có báo cáo cụ thể về hình thức xử lý. Tuy nhiên tại công văn này có một nội dung kiểm điểm trách nhiệm đã gây ra phản ứng dây chuyền, từ cá nhân người bị kiểm điểm đến tập thể giáo viên. Đó là nội dung kiểm điểm vi phạm của giáo viên chủ nhiệm lớp 10C1- cô Nguyễn Thị Thu Hà. Công văn nêu rõ: “Kiểm điểm thực hiện chức năng giáo viên chủ nhiệm theo quy định của điều lệ nhà trường, trách nhiệm trong việc tham mưu, đề xuất việc xếp loại cho học sinh chuyển trường đối với học sinh bị kỷ luật”. Cụ thể là hai học sinh Huỳnh Vũ Phong và Nguyễn Hoàng Bảo Khoa, bị hạnh kiểm yếu, nhưng được nâng lên hạnh kiểm khá để chuyển sang trường khác.

Nếu cứ như nội dung yêu cầu của công văn nói trên, rõ ràng cô Hà đang phải gánh hết lỗi. Phản ứng về việc này, cô Hà bức xúc: Chính Hiệu trưởng (cô Nguyễn Thị Ngọc Tuyết) trước đó đã gọi tôi lên phòng làm việc, dùng quyền Hiệu trưởng bắt tôi ghi vào cột hạnh kiểm của hai học sinh này từ loại yếu lên loại khá chứ không có chuyện tôi tham mưu hay đề xuất. Dù mọi việc đã xảy ra, và tôi nhận khuyết điểm là mình biết Hiệu trưởng sai, nhưng không đấu tranh, tuy nhiên vì Hiệu trưởng khăng khăng rằng, không làm theo sự chỉ đạo tức là chống đối lại lệnh của cấp trên. Điều này hoàn toàn do áp lực. Cũng theo cô Hà, khi thanh tra vào cuộc, cô Hiệu trưởng đã rất nhiều lần gọi điện ép cô nhận lỗi thay cho mình, nhưng cô quyết không đồng ý.


Một vấn đề khác liên quan đến hàng loạt sai phạm của Hiệu trưởng nhà trường, khi chúng tôi đặt câu hỏi về thắc mắc của tập thể giáo viên và cán bộ các bộ phận của trường, rằng lãnh đạo Sở đã ký lui ngày trong văn bản đồng ý cho trường thu các khoản ngoài ngân sách. Cụ thể là mãi tới tháng 12-2011 trường mới làm văn bản xin chủ trương thu các khoản ngoài ngân sách, nhưng khi nộp lên Sở, thấy không ổn về mặt thời gian (do tiền đã thu từ trước), lãnh đạo nhà trường đã về cho sửa lui ngày xin chủ trương lại thành 30-8-2011, sau đó Sở ký văn bản đồng ý chủ trương cho thu vào ngày 9-9-2011? Chuyện này, lãnh đạo Sở chối bỏ, cho rằng không có chuyện ký lui như giáo viên và cán bộ nhà trường phản ánh! Trong khi đó, làm việc với phóng viên cuối tháng 12-2011, đầu tháng 1-2012, lãnh đạo Sở lại khẳng định rằng, chưa thấy trường xin thu các khoản thu nói trên!?

Thiết nghĩ, hàng loạt sai phạm tại Trường THPT Lê Lợi cần phải sớm được xử lý dứt điểm, bằng không sẽ ảnh hưởng lớn đến chất lượng công tác dạy và học của thầy và trò, dư luận nhân thêm bức xúc.

Nhóm P.V chính trị-xã hội
 

Có thể bạn quan tâm

Mùa nước cạn ven hồ Ayun Hạ

Mùa nước cạn ven hồ Ayun Hạ

(GLO)- Những ngày nắng nóng tháng 4, dọc ven hồ Ayun Hạ thuộc địa phận xã Ayun, huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai), đông đảo người dân lại kéo nhau ra cào hến, bắt cá, tép, vừa cải thiện bữa ăn, vừa bán để kiếm thêm thu nhập.
Ông ba Bông “vác tù và hàng tổng”

Ông ba Bông “vác tù và hàng tổng”

(GLO)- “Cứ việc gì đem lại lợi ích cho bà con thì làm thôi”-một câu nói nhẹ tênh nhưng thể hiện tinh thần trách nhiệm đối với cộng đồng của ông Trần Đình Bông (thôn 3, xã Nam Yang, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai).
Vượt lên khiếm khuyết để tỏa sáng

Vượt lên khiếm khuyết để tỏa sáng

(GLO)- Trong cuộc sống có rất nhiều người sinh ra và lớn lên khi không may bị khiếm khuyết một phần của cơ thể, dù vậy, họ không chấp nhận phó mặc cho số phận mà nỗ lực vươn lên và tỏa sáng giữa đời thường.
Đak Pơ kiên quyết đóng cửa bãi rác gây ô nhiễm

Đak Pơ kiên quyết đóng cửa bãi rác gây ô nhiễm

(GLO)- Dù bãi rác thải cũ của huyện ở thôn 4 (xã An Thành) đã đóng cửa nhưng nhiều người dân vẫn lén lút đổ rác, gây ô nhiễm môi trường. Huyện Đak Pơ chỉ đạo phòng chức năng và các địa phương triển khai các giải pháp ngăn ngừa tình trạng đổ rác trái phép và cải tạo môi trường nơi đây.
Tuyển chọn thực tập sinh nam đi thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản hưởng lương 24-35 triệu đồng/tháng

Tuyển chọn thực tập sinh nam đi thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản hưởng lương 24-35 triệu đồng/tháng

(GLO)- Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai vừa có công văn về phối hợp triển khai kế hoạch tuyển chọn thực tập sinh nam đi thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản đợt 2/2024 với mức lương từ 24 đến 35 triệu đồng/tháng theo thông báo của Trung tâm Lao động ngoài nước.