Trồng cà phê trên đỉnh mù sương

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Mộng Đào Nguyên là một trong những địa điểm săn Mai Anh Đào vô cùng nổi tiếng với du khách yêu Đà Lạt. Không chỉ có Mai Anh Đào, địa điểm này nằm ngay thị trấn Lạc Dương, vùng sản xuất cà phê Arabica chất lượng. Và, cư dân Mộng Đào Nguyên cũng đang thực hiện giấc mơ của mình. 

Thu hoạch cà phê trên đỉnh Mộng Đào Nguyên
Thu hoạch cà phê trên đỉnh Mộng Đào Nguyên
20 ha cà phê Arabica của 20 nông hộ trong Tổ liên kết sản xuất cà phê trên đỉnh Mộng Đào Nguyên thuộc xã Lát - huyện Lạc Dương đang vào vụ thu hoạch rộ. Toàn bộ 20 nông hộ này đều là đồng bào dân tộc thiểu số tại đây và đã sản xuất cà phê hàng chục năm nay. Tuy nhiên nếu ngày xưa, bà con còn sản xuất nhỏ lẻ, không đầu tư chăm sóc thì từ năm 2014 đến nay, một tổ liên kết sản xuất cà phê sạch được thành lập, người đứng đầu vận động là chị Liêng Hót K’Tâm với quyết tâm nâng cao giá trị cà phê của bà con trong vùng. Là người con của xã Lát, chị K’Tâm cũng gắn bó với cây cà phê. Và hơn thế, chị mong mỏi cây cà phê mang lại cuộc sống no ấm cho người trồng. Chị K’Tâm bảo, trước bà con cứ trồng, đến mùa hái hết một lần ra đại lí bán, giá thấp, lại trừ đủ thứ chi phí nên không còn lại bao nhiêu. Vì vậy nên trồng cà phê nhiều năm mà vẫn nghèo, vẫn vất vả.
Gia đình anh Long Tin Ha Hoa có 6 sào cà phê ngay tại Mộng Đào Nguyên. Trước đây, cũng như nhiều bà con khác trong vùng, anh thường bán cà phê hái xô với giá trị không cao để trang trải cuộc sống. Tuy nhiên, từ ngày làm cà phê sạch theo tổ liên kết, giá trị hạt cà phê nhà anh lên cao hẳn. Giờ thì anh không còn bán cà phê xô nữa mà chăm sóc cà phê theo những hướng dẫn của chị K’Tâm, thu hái chín hoàn toàn và bán cho chị Tâm để chế biến cà phê sạch. Anh Long Tin Ha Hoa chia sẻ: “Trồng cà phê sạch này giá cao, ở ngoài bán 40 ngàn/kg chứ nhà tôi bán 130 ngàn đồng/kg. Điều cần lưu ý là phải hái chín hết, nếu có trái xanh phải lựa sạch, toàn trái chín đỏ mới đạt giá tốt”. 
Làm cà phê sạch ở đây nghĩa là bà con hoàn toàn canh tác hữu cơ, không những không sử dụng các loại hóa chất trên vườn mà còn thu hái đúng quy trình kỹ thuật. Khi thu hoạch, yêu cầu trái chín hoàn toàn, sau đó cà phê được mang về phân loại thêm một lần nữa, rửa vớt những hạt lép không đạt chất lượng, sau đó mới xay, ủ cho lên men trong 24h và phơi hoàn toàn trên dàn. Mỗi năm, tổ liên kết sản xuất cà phê này xuất ra thị trường khoảng 10 tấn cà phê nhân xanh chất lượng, được đánh giá rất cao. Sản lượng này vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ của thị trường bởi cà phê được trồng và sản xuất trên đỉnh núi cao này cho hương vị rất khác biệt.
Anh Hồ Thái Dũng, ở xã Lát, huyện Lạc Dương, một đối tác của tổ liên kết cho biết, cà phê trồng trên đỉnh Mộng Đào Nguyên có chất lượng rất đặc biệt. Do độ cao, chênh lệch nhiệt độ ban ngày, ban đêm lớn, lượng sương mù nhiều, hạt cà phê của bà con có hương vị đậm đà, được người sành cà phê đánh giá rất cao. Anh Dũng chia sẻ, giúp bà con trồng cà phê sạch là góp phần giúp bà con cải thiện cuộc sống, đồng thời cung cấp cho thị trường những hạt cà phê mang hương vị cao nguyên.
Hiện nhu cầu sản phẩm cà phê sạch trên thị trường rất cao, vì vậy bà con trong tổ liên kết của chị K’Tâm luôn chú trọng đến việc nâng cao cả sản lượng lẫn chất lượng cà phê của mình. Từ việc sản xuất cà phê sạch, mang về cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số trong tổ liên kết nguồn thu nhập ổn định hơn so với trước. Trung bình 1 ha cà phê tại đây cho thu hơn 1 tấn cà phê nhân xanh, giá chị Tâm thu mua là 130.000 đồng/kg. Mỗi năm, 1 ha cà phê sau khi trừ chi phí cho bà con còn dư hơn 100 triệu đồng. Đây cũng là một con số đáng kể với bà con, bởi nếu so với trước kia, hầu như sau khi thu hoạch cà phê, bà con trả nợ phân bón, lương thực ứng trước là không còn dư khoản nào từ cây cà phê. Đây cũng là điều mà các thành viên trong tổ liên kết cà phê hướng tới, không chỉ giúp bà con xóa đói giảm nghèo, mà còn nâng cao mức sống và hướng bà con đến việc giữ gìn cây cà phê truyền thống, giữ đất, giữ vườn cho tương lai.
DIỆP QUỲNH (Báo Lâm Đồng)

Có thể bạn quan tâm