Hồ thủy điện Ya Ly bị ô nhiễm, bốc mùi hôi thối

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nhiều ngày qua, người dân trên địa bàn các xã Ya Ly và Ya Xiêr (H.Sa Thầy, Kon Tum) liên tục phản ánh tình trạng lòng hồ thủy điện Ya Ly bị ô nhiễm nặng.
Không dám cấy lúa
Theo ghi nhận của PV Thanh Niên ngày 18.1, tại lòng hồ thủy điện Ya Ly, nước xuất hiện màu xanh đục, trên mặt nổi bọt màu trắng. Khi dùng que khuấy lên, nước đặc quánh như sơn và có mùi tanh, hôi thối nồng nặc.
Anh Nguyễn Thành Lực (ở thôn Kiến Hưng, xã Ya Ly) cho biết khoảng 1 năm trở lại đây, tình trạng ô nhiễm tại lòng hồ Ya Ly bắt đầu diễn ra. Đặc biệt khoảng 1 tháng nay, nước hồ có màu xanh đặc quánh, bốc mùi hôi thối nồng nặc, gây ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của gia đình. Ngoài ra, nước bị ô nhiễmcũng gây ảnh hưởng trực tiếp đến việc canh tác lúa của gia đình anh. Hiện gia đình anh chưa dám gieo lúa vì sợ nguồn nước ô nhiễm lâu ngày sẽ ảnh hưởng đến đất ruộng, cây sẽ bị bệnh.

Lòng hồ Ya Ly bị ô nhiễm nặng khiến nước đổi màu. Ảnh: Đức Nhật
Lòng hồ Ya Ly bị ô nhiễm nặng khiến nước đổi màu. Ảnh: Đức Nhật
“Nếu muốn trồng lúa phải lội xuống ruộng để cày bừa, nhưng khi nhìn nước chuyển sang màu xanh như sơn, mùi thối như mủ cao su, không ai dám xuống cấy vì sợ. Chúng tôi đã gửi ý kiến lên chính quyền địa phương nhưng đến nay tình trạng trên vẫn chưa được giải quyết”, anh Lực nói.
Ông Phạm Văn Cầu (ở thôn Kiến Hưng, xã Ya Ly) cho biết tình trạng nước hồ đổi màu đã diễn ra vài tháng nay. Từ khi nước đổi màu, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Thậm chí cua, cá, ốc sống dưới hồ cũng bị chết.
Không chỉ riêng xã Ya Ly, tại xã Ya Xiêr cũng đang xảy ra tình trạng tương tự. Ông A Ngư, Trưởng thôn Trang (xã Ya Xiêr), cho hay có hơn 200 hộ dân với hơn 700 nhân khẩu sống ven hồ Ya Ly. Tình trạng nước chuyển màu xanh chỉ mới xảy ra trong năm 2021. Nước có màu xanh, nổi bọt trắng và bốc mùi hôi thối. Việc nước ô nhiễm sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sinh hoạt của người dân.
“Mấy năm trước không bị như thế này nhưng năm nay nước hồ đổi màu khiến người dân rất lo lắng. Về nguồn ô nhiễm từ đâu, do đâu, chúng tôi cũng không nắm được. Hồ gần làng, trẻ em thường xuống tắm, bà con cũng thường đánh bắt cá, tiếp xúc với nước hồ nên rất sợ ảnh hưởng tới sức khỏe”, ông Ngư nói.

Người dân tại các xã ven hồ Ya Ly rất lo lắng về tình trạng ô nhiễm tại lòng hồ
Người dân tại các xã ven hồ Ya Ly rất lo lắng về tình trạng ô nhiễm tại lòng hồ
Ô nhiễm do cây mì ?
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Văn Lâm, Trưởng phòng TN-MT H.Sa Thầy, cho biết gần đây phòng có nhận được một số thông tin phản ánh từ người dân về việc 4 nhà máy trên đầu nguồn suối Đăk Xiêr xả thải gây ô nhiễm lòng hồ. Ngay sau đó, phòng đã cử 2 cán bộ đi kiểm tra, xác minh. Qua kiểm tra bằng mắt thường, phòng nhận định việc hồ đổi màu không phải do các nhà máy phía thượng nguồn xả thải.
Theo ông Lâm, việc người dân phản ánh nguồn nước bị ô nhiễm do 2 nhà máy mủ cao su và 2 nhà máy bột sắn ở thượng nguồn suối Đăk Xier là không có cơ sở. Ông Lâm đưa ra dẫn chứng rằng các nhà máy đã xử lý nước thải đạt loại A nên có thể loại trừ khả năng nước hồ ô nhiễm đến từ nhà máy.
“Khi nguồn nước bị ô nhiễm do nhà máy xả thải, có chất hóa học, thủy sản khu vực lòng hồ sẽ chết. Tuy nhiên nhiều năm qua, địa phương chưa ghi nhận tình trạng tôm cá chết”, ông Lâm nói. Lý giải việc vì sao không đem mẫu nước đi kiểm nghiệm, ông Lâm cho rằng nguồn nước ô nhiễm này chưa đến mức phải kiểm nghiệm. Bên cạnh đó, tỉnh Kon Tum cũng chưa có cơ sở để phân tích mẫu nước ô nhiễm.
Mặc dù chỉ quan sát bằng mắt thường nhưng Phòng TN-MT H.Sa Thầy khẳng định nguyên nhân ô nhiễm đến từ… củ mì (?). Theo ông Lâm, quanh khu vực lòng hồ có gần 300 ha đất sản xuất bán ngập, người dân chủ yếu trồng cây mì. Khi bà con thu hoạch xong, thân, lá, củ mì còn sót lại bị phân hủy khi nước lòng hồ dâng cao, dẫn đến tình trạng nước nổi váng, bốc mùi.
“Theo phán đoán của anh em môi trường cũng như thực tế, khi bà con thu mì thì lá mì, thân cây và đặc biệt là củ mì còn sót lại. Khi nước dâng lên thì gây thối. Củ mì khi thối sẽ tạo ra màu xanh, cộng với thân cây và lá cây cùng một số thực vật khác nữa tạo ra tình trạng trên”, ông Lâm nói. Theo ông Lâm, giải pháp để hạn chế tình trạng trên là vận động bà con thu gom triệt để củ, thân, lá mì khi kết thúc mùa vụ.
Theo Đức Nhật (TNO)

Có thể bạn quan tâm