Đắk Lắk: Bỏ phố về quê, hotmen bắt tay với nông dân trồng cây ra trái lạ, xay ra thứ bột thơm lừng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Tốt nghiệp đại học rồi làm việc cho nhiều công ty nước ngoài với mức lương cao ở TP HCM, nhưng anh Trương Ngọc Quang đã quyết định bỏ việc về quê xã Ea Na, huyện Krông Ana (tỉnh Đắk Lắk) bắt tay với nông dân trong việc trồng cây ca cao, chế biến các sản phẩm từ trái ca cao.
CLIP: Đắk Lắk: Anh Trương Ngọc Quang-hotmen đã quyết định bỏ việc về quê xã Ea Na, huyện Krông Ana (tỉnh Đắk Lắk) bắt tay với nông dân trong việc trồng cây ca cao, chế biến trái ca cao, đưa sản phẩm chế biến từ hạt ca cao made in Vietnam ra thị trường thế giới. Thực hiện: Ngọc Giàu
Hotmen bỏ phố về quê
Sau khi tốt nghiệp đại học kinh tế vào năm 2007, anh Trương Ngọc Quang làm việc cho nhiều công ty nước ngoài tại TP.HCM trong vai trò quản lý kinh doanh, thương mại với mức thu nhập trên 20 triệu đồng/tháng. 
Dù có nhiều cơ hội làm việc với công ty lớn nhưng đến năm 2012, anh Quang đã quyết định trở về quê nhà tại xã Ea Na (huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk) và gắn bó với việc trồng cây ca cao với việc sản xuất và chế biến các sản phẩm từ hạt ca cao.
Khi trở về quê nhà, anh Quang đã tiếp quản và điều hành Công ty TNHH Cacao Nam Trường Sơn (được bố vợ anh thành lập vào năm 2007). Đây là doanh nghiệp chuyên sản xuất và chế biến các sản phẩm từ ca cao. Tuy nhiên, lúc đó, quy mô sản xuất của công ty khá nhỏ, các máy móc, trang thiết mang tính chất hộ gia đình và chưa thực sự phát triển.
Thời gian ban đầu với anh Quang, kiến thức về cây ca cao chỉ là con số 0 tròn trĩnh. "Chính vì vậy, mình đã phải tham khảo rất nhiều tài liệu, cũng như lên mạng tìm tòi, nghiên cứu về đặc điểm, thị trường ngành ca cao của Việt Nam và thế giới. Mình nhận thấy, hồi đó, ca cao mới được trồng ở Việt Nam khoảng 10 năm và thị trường ca cao của quốc gia mình thời đó còn khá non trẻ. Các công ty, nhà máy chế biến các sản phẩm từ ca cao hầu như không có. Quá trình khởi đầu vì vậy cũng gặp khá nhiều khó khăn", anh Quang nói.
 
Anh Trương Ngọc Quang (áo sơ mi ca rô ngoài cùng bên trái) hướng dẫn bà con nông dân cách kỹ thuật canh tác, kỹ thuật trồng cây cacao. Ảnh: NVCC
Anh Trương Ngọc Quang (áo sơ mi ca rô ngoài cùng bên trái) hướng dẫn bà con nông dân cách kỹ thuật canh tác, kỹ thuật trồng cây cacao. Ảnh: NVCC
Để mở rộng tầm nhìn về quy mô ngành ca cao hơn, anh Quang đã liên hệ và kết nối với một số chuyên gia nước ngoài trong lĩnh vực này. Ngoài ra, anh cũng lặn lội sang các quốc gia trên thế giới như Hàn Quốc, Bỉ, Hà Lan, Đan Mạch, Thụy Điển để học tập kỹ thuật canh tác, trồng cây ca cao cũng như các quy trình, chế biến, máy móc trang thiết bị hiện đại để chế biến ra các sản phẩm từ ca cao.
Sau khi trở về nước, anh Quang bắt tay vào xây dựng lại nhà máy chế biến các sản phẩm từ ca cao. Theo đó, công ty đã đầu tư dây chuyền, trang thiết bị của châu Âu áp dụng hệ thống quản lý an toàn chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2015 và hệ thống quản lý an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn ISO 22000:2005. 
Ngoài ra, anh cũng liên hệ các chuyên gia trong lĩnh vực cacao của Bỉ và Anh để sang Việt Nam hướng dẫn cho nhân viên của công ty về quy trình sản xuất, chế biến các sản phẩm từ ca cao.
Nhằm đáp ứng đủ nguyên liệu ca cao cho sản xuất, công ty của anh Quang đã liên kết với các hộ nông dân tại huyện Krông Ana và các HTX cacao tại huyện Ea Kar với tổng diện tích 250 ha theo tiêu chuẩn UTZ. Cụ thể, phía doanh nghiệp sẽ cam kết đảm bảo đầu ra và hỗ trợ người nông dân về kỹ thuật trồng ca cao, đào tạo, tập huấn và áp dụng công nghệ kỹ thuật cao.
Sản phẩm ca cao made in Vietnam xuất khẩu
Trung bình, mỗi năm công ty của anh Quang cung ứng ra thị trường từ 50-60 tấn sản phẩm làm từ ca cao bao gồm bột ca cao 3 trong 1, bột ca cao nguyên chất, bơ ca cao, sôcôla đen, sôcôla sữa.
 
Các sản phẩm được chế biến từ cây cacao của Công ty TNHH Cacao Nam Trường Sơn. Ảnh: NVCC
Các sản phẩm được chế biến từ cây cacao của Công ty TNHH Cacao Nam Trường Sơn. Ảnh: NVCC
Anh Quang chia sẻ, với tôn chỉ hoạt động luôn hướng đến sức khoẻ và lợi ích của người tiêu dùng, công ty đã và đang nỗ lực nghiên cứu và cho ra đời nhiều dòng sản phẩm từ ca cao thơm ngon, đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng cho mọi đối tượng khách hàng và mang lại cho người tiêu dùng sự lựa chọn phong phú và đa dạng.
"Với tiêu chí vì một ngành công nghiệp ca cao bền vững và hiệu quả, đặt lợi ích của người nông dân và người tiêu dùng trên hết và sự phát triển của ngành thực phẩm – đồ uống, công ty cũng đẩy mạnh việc gắn kết nông dân xây dựng chuỗi giá trị ca cao bền vững về kinh tế, xã hội và môi trường. Sự liên kết chặt chẽ với người trồng ca cao là bước quan trọng trong mục tiêu xây dựng chuỗi ca cao hiệu quả và bền vững của công ty", anh Quang cho biết.
Về thị trường tiêu thụ sản phẩm, hiện công ty của anh Quang đã có nhiều cửa hàng đại diện tại không những tại Đắk Lắk mà còn ở các tỉnh, thành phố lớn như: Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Nha Trang, Đà Lạt,...Ngoài ra, đơn vị cũng là đối tác cung cấp sản phẩm ca cao cho một số doanh nghiệp sản xuất bánh kẹo, thực phẩm trên cả nước.
 
Các sản phẩm được chế biến từ ca cao của Công ty TNHH Nam Trường Sơn được giới thiệu đến các hội chợ thương mại trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: NVCC
Các sản phẩm được chế biến từ ca cao của Công ty TNHH Nam Trường Sơn được giới thiệu đến các hội chợ thương mại trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: NVCC
Bên cạnh tiêu thụ trong nước, công ty còn tham gia thị trường điện tử thông qua các diễn đàn thương mại trực tuyến để quảng bá sản phẩm và tiếp cận với các đối tác quốc tế. 
Năm 2013, đơn hàng xuất khẩu đầu tiên đã được công ty ký kết với Công ty Robin (Canada) với số lượng 1 tấn sản phẩm bơ ca cao, kỳ hạn giao 3 tháng/lần. Từ đó đến nay, công ty đã xuất sang quốc gia này tổng cộng 20 tấn sản phẩm ca cao hạt xay và bơ ca cao. 
Sắp tới công ty sẽ ký kết hợp đồng cung cấp cho doanh nghiệp Canada này với khối lượng 25 tấn/quý. Không những vậy, một công ty tại Nhật Bản cũng đang nhập khẩu các dòng sản phẩm ca cao do công ty anh Quang sản xuất với khối lượng là 10 tấn/năm. Ngoài ra, 1 siêu thị tại Hàn Quốc đã cam kết thu mua 2 dòng sản phẩm ca cao đó là bột ca cao nguyên chất và bơ cacao chế biến theo số lượng lớn.
"Có thể nói, Nhật Bản, Hàn Quốc và Canada là các thị trường khó tính trên thế giới bởi họ quy định khắt khe về tiêu chuẩn sản phẩm nhập vào phải đạt chất lượng theo bộ quy chuẩn nhất định, đáp sức khỏe của người tiêu dùng. Tuy nhiên, khi đón nhận sản phẩm của chúng tôi, khách hàng phản hồi khá tích cực và hài lòng về chất lượng", anh Quang cho biết.
Phát triển sản phẩm OCOP – sự khẳng định cho giá trị thương hiệu ca cao
Trong năm 2020, sản phẩm bột ca cao nguyên chất của công ty ca cao Nam Trường Sơn đã đạt chứng nhận OCOP 4 sao cấp tỉnh.
 
Anh Trương Ngọc Quang (ở giữa) đại diện cho Công ty TNHH Cacao Nam Trường Sơn nhận giấy chứng nhận 4 sao OCOP cấp tỉnh cho sản phẩm bột ca cao nguyên chất của UBND tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: NVCC
Anh Trương Ngọc Quang (ở giữa) đại diện cho Công ty TNHH Cacao Nam Trường Sơn nhận giấy chứng nhận 4 sao OCOP cấp tỉnh cho sản phẩm bột ca cao nguyên chất của UBND tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: NVCC
Chia sẻ về điều này, anh Quang cho biết, đây sẽ là một thuận lợi để các sản phẩm của công ty có thể nhanh chóng tham gia thị trường trong và ngoài nước.
"Ca  cao Nam Trường Sơn đã tham gia vào các hệ thống chứng chỉ cũng như là các giải thưởng nhưng với chương trình OCOP là một chương trình không chỉ của tỉnh mà còn của quốc gia nên việc tham gia đánh giá chứng nhận OCOP công ty muốn một phần để khẳng định lại giá trị thương hiệu để đạt được các tiêu chuẩn của OCOP, một phần muốn tạo ra một cộng đồng các sản phẩm OCOP để có thể giao lưu, trao đổi các phương thức hợp tác, sản xuất", anh Quang chia sẻ thêm.
 
Anh Trương Ngọc Quang đã và đang chèo lái Công ty TNHH Cacao Nam Trường Sơn vững mạnh và khẳng định chỗ đứng trong lĩnh vực sản xuất và chế biến các sản phẩm từ cacao của Việt Nam. Ảnh: NVCC
Anh Trương Ngọc Quang đã và đang chèo lái Công ty TNHH Cacao Nam Trường Sơn vững mạnh và khẳng định chỗ đứng trong lĩnh vực sản xuất và chế biến các sản phẩm từ cacao của Việt Nam. Ảnh: NVCC
Với những thành công bước đầu, anh Quang cho biết, trong thời gian sắp tới, công ty sẽ hợp tác với một doanh nghiệp ngoài Hà Nội xây dựng thêm một vùng nguyên liệu tập trung để từ đó tạo ra được các sản phẩm từ ca cao đạt tiêu chuẩn hơn. Bên cạnh đó, đơn vị cũng sẽ nâng thêm công suất, quy mô của nhà máy để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ sản phẩm của nước ngoài và Việt Nam.
"Đặc biệt, công ty sẽ xây dựng tour du lịch trải nghiệm vườn trồng ca cao, nhà máy chế biến ca cao. Tại đây, người dân và du khách được sẽ thăm quan xưởng sản xuất, chế biến các sản phẩm từ ca cao và họ sẽ tham gia khoảng 2-3 khâu trong quá trình chế biến này. Sau khi trải nghiệm xong, họ có thể mua sản phẩm do tự tay mình làm ra rồi mang về biếu tặng người thân, gia đình và bạn bè", anh Quang nói.
Theo Hoàng Lộc - Ngọc Giàu (Dân Việt)

https://danviet.vn/dak-lak-bo-pho-ve-que-hotmen-bat-tay-voi-nong-dan-trong-cay-ra-trai-la-xay-ra-thu-bot-thom-lung-20220109153307382.htm

Có thể bạn quan tâm