Rau tàu bay

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Xuất phát từ những lần trở lại thăm các khu căn cứ cách mạng trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, được bà con những nơi đó đãi nhiều món “đặc sản” của rừng nên Thường trực Ban Liên lạc những người tham gia hoạt động cách mạng trong các thời kỳ kháng chiến của tỉnh Gia Lai đã nảy ra sáng kiến tổ chức “Phiên chợ ẩm thực chiến khu xưa” tại TP. Pleiku.
 Rau tàu bay. Ảnh: internet
Rau tàu bay. Ảnh: internet
Phiên chợ nói trên lần đầu tổ chức vào dịp kỷ niệm 42 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2017). Phiên chợ ẩm thực năm ấy, chúng tôi cố gắng tái hiện những món ăn mà một thời các anh chị nuôi quân trong hậu cứ chế biến phục vụ cho cán bộ, chiến sĩ. Mục đích: một phần để những người tham gia kháng chiến nhớ lại mình đã từng một thời gian khổ, thiếu thốn đủ bề mà vẫn lạc quan, hăng hái hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu, phục vụ chiến đấu; phần nữa là “nói với” thế hệ hôm nay về những trang sử mà ông cha ta đã viết nên, đó là đánh đuổi giặc ngoại xâm, thu giang sơn về một mối. Dẫu đói cơm, lạt muối, dẫu chỉ khoai mì, rau rừng, cá suối mà vẫn sinh tồn, chiến đấu đến thắng lợi, để ngày nay chúng ta sống trong hòa bình no ấm, để các thế hệ nối tiếp nhau phát huy truyền thống của cha ông trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trở lại với sáng kiến tổ chức phiên chợ. Ấy là một hôm cũng đã khá lâu rồi, tôi tháp tùng Đại tá-nhà văn Trung Trung Đỉnh đến huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum) thăm chiến trường xưa và đồng đội cũ. Đi dọc bìa rừng nguyên sinh, thấy anh tụt lại phía sau, tôi dừng lại chờ. Thì ra anh chậm chân là do vừa đi vừa hái rau tàu bay, nhìn kỹ cả trong ba lô cũng đầy ắp thứ rau dại ấy. Anh bảo, thấy rau tàu bay là nhớ quay quắt về chiến khu, về đồng đội thuở nào... Và, bữa cơm trưa hôm đó, với sự hướng dẫn của anh, đầu bếp của một quán ăn bên đường đã chế biến món rau tàu bay ấy thành... đặc sản. Có người trong đoàn bảo, giá mà loại đặc sản này có trong thực đơn các nhà hàng sang trọng ở phố. Bây giờ, đơn giản lắm, rau tàu bay chỉ cần luộc lên chấm với mắm nêm, mắm cái cùng vài thứ gia vị thông thường như ớt, tỏi thôi, hoặc xào với ít dầu thực vật và mắm muối bột nêm vừa đủ, thế là thành món lạ, thành đặc sản. Nhưng thời hậu cứ xưa, nơi rừng già tít tắp, hậu cần của ta lấy đâu ra những thứ gia vị dẫu là rất... bình dân nói trên. Cho nên rau tàu bay dù luộc, xào, nấu canh, làm nộm, muối dưa... “chay” đều là nỗi khiếp sợ của chúng tôi khi thấy chúng được các anh chị nuôi quân bày ra trên bàn ăn mỗi ngày. Có lần chị Trần Thị Tài, nuôi quân chỗ chúng tôi (K8-An Khê) nghĩ ra cách muối dưa rau tàu bay. Tôi thấy chị hái cả gùi rau tàu bay về rửa sạch, phơi héo, cho vào ghè cùng với muối. Ít hôm sau, món dưa kỳ lạ này được chị đem kho cùng với muối. Có người ước, giá mà có thịt heo, thịt hộp kho cùng chắc là ngon lắm đấy, nhưng...
Rau tàu bay là loại cây cỏ dại, thân mềm, mọc hoang dã ở khắp nơi, từ ven suối, ven sông cho đến bìa rừng, vách núi. Đặc biệt, chúng mọc rất nhanh và xanh tốt đến lạ thường ở những hố bom, nhất là những chỗ rừng già bị bom napal của giặc Mỹ dội xuống, đốt trụi. Vì vậy, dẫu các anh chị nuôi quân nghĩ ra đủ cách chế biến thứ rau hoang dại này thì vẫn không thể “khử” hết mùi nồng nặc đặc trưng của chúng. Nhưng cũng có điều lạ, cái mùi đặc trưng ấy cũng có người bảo... thơm, bảo đó là loài cây thuốc Nam quý, có lợi cho sức khỏe con người.
Là thế, nhưng trong các cuộc trường kỳ kháng chiến cứu nước của quân và dân ta trong rừng sâu núi thẳm, trong điều kiện thiếu thốn đủ bề, đặc biệt là rau xanh, nếu không có... món tàu bay thì chắc chắn hàng ngàn, hàng vạn dân quân, du kích, cán bộ, chiến sĩ cách mạng sẽ thiếu món rau xanh, thứ thực phẩm vô cùng có lợi cho sức khỏe và... dạ dày. Rau tàu bay theo chân, vào nồi, lên mâm của bao cán bộ, chiến sĩ. Nó thậm chí đã vào thơ ca một thuở... “Cơm gạo mốc mà tưởng cơm nếp mới/Rau tàu bay không muối cũng thành canh” (Đêm tháng năm-Văn Thảo Nguyên). Dù là một người lính thời... hậu rau tàu bay, nhưng nhà thơ Trần Đăng Khoa cũng đã có lần nói thay các bậc đàn anh, đàn chị của mình: “Anh đã sống những tháng năm hào hứng/Ăn rau tàu bay hát vỗ nhịp vào báng súng.../...Thế hệ anh đã sống một thời/Xứng đáng để thế hệ sau kiêu hãnh” (Về làng). Vậy đấy, dù trong gian lao, đói khổ, trong đạn bom chết chóc, chỉ rau tàu bay thay bữa mà người lính vẫn yêu đời, vẫn lạc quan. Mỗi lần nhớ về quá khứ, rau tàu bay là niềm tự hào đáng yêu biết mấy của người lính Cụ Hồ năm xưa, của chàng thương binh khi về làng sau ngày đất nước hòa bình...
Dịp kỷ niệm 44 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước năm nay, Ban Liên lạc những người tham gia hoạt động cách mạng trong các thời kỳ kháng chiến tỉnh Gia Lai sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan tiếp tục tổ chức “Phiên chợ ẩm thực chiến khu xưa lần 2” tại TP. Pleiku. Phiên chợ có thực đơn “khủng” với 44 món thực phẩm của một thời kháng chiến được tái hiện, tất nhiên không thể thiếu rau tàu bay. Với các đầu bếp giỏi thời nay và trong điều kiện cho phép, chắc chắn thực khách sẽ hài lòng khi đến với phiên chợ lần này, nhất là khi thưởng thức món rau tàu bay. Và, biết đâu đó, một ngày kia rau tàu bay sẽ được trồng trong mỗi vườn nhà và trở thành... món đặc sản trong các nhà hàng, siêu thị.
ĐOÀN MINH PHỤNG

Có thể bạn quan tâm