Lâm Đồng:GV vùng ĐBKK càng thêm khó vì kiểu"sửa sai"của UBND huyện Bảo Lâm?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Có thể thấy chưa có bao giờ ngành giáo dục của huyện Bảo Lâm lại có nhiều xáo trộn như thời gian gần đây. Điều đáng nói, nguyên nhân dẫn đến những xáo trộn lại không xuất phát từ công tác chuyên môn của ngành giáo dục mà lại từ cách “sửa sai” của UBND huyện Bảo Lâm.
Lời giải thích làm “đắng lòng” người làm giáo dục
Sau khi bài “Cần ứng xử nhân văn hơn với người làm giáo dục” phản ánh về trường hợp của một cô giáo có hơn 35 năm công tác ở vùng đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Bảo Lâm bị điều chuyển từ Hiệu trưởng xuống làm công tác giảng dạy, báo NB&CL liên tiếp nhận được nhiều phản ánh từ phía dư luận địa phương xung quanh cách ứng xử thiếu nhân văn đối với những người đã có nhiều cống hiến cho ngành giáo dục của UBND huyện Bảo Lâm.
Như đã thông tin, cô giáo Mai Thị Chính về công tác ở vùng đặc biệt khó khăn huyện Bảo Lâm từ năm1983; trải qua hơn 35 năm phấn đấu nỗ lực hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao từ vai trò giáo viên cho đến Hiệu trưởng. Thế nhưng chỉ còn hơn 10 tháng công tác trước khi nghỉ hưu, cô giáo Mai Thị Chính bị buộc phải quay trở lại điểm xuất phát của 35 năm trước. Sau 8 năm làm Hiệu trưởng, cô giáo đã có những đóng góp đưa trường Tiểu học Lộc Nam B và trường Tiểu học Lộc Nam A đạt được nhiều thành tích. Nhưng UBND huyện Bảo Lâm lại cho rằng cô giáo Mai Thị Chính “thiếu tiêu chuẩn” nên không được xem xét kéo dài thời gian làm hiệu trưởng thêm hơn 10 tháng cho đến tuổi nghỉ hưu theo quy định.
Huyện Bảo Lâm- Lâm Đồng.
Trước thắc mắc: vì sao sau 8 năm UBND huyện bổ nhiệm cô Chính làm Hiệu trưởng, đến khi xem xét kéo dài thêm vài tháng chờ đến tuổi nghỉ hưu UBND huyện mới xét đến tiêu chuẩn, Trưởng phòng Nội vụ huyện Bảo Lâm - ông Vũ Thanh Bảy cho rằng, trước đây bổ nhiệm vậy là “sai”, và đưa ra lý do “làm sai” khiến người làm giáo dục phải “đắng lòng”: Bổ nhiệm cô Chính là bởi... “thiếu người”(?).
Còn trước những nghi vấn bất thường: nhận “sai” sau 8 năm và muốn “sửa sai” theo đúng tiêu chuẩn, vậy tại sao Phòng Nội vụ và Phòng GD-ĐT huyện vẫn tổ chức Hội đồng sư phạm lấy phiếu tín nhiệm để kéo dài thời gian giữ chức vụ cho cô Chính; và sau khi có kết quả, cô Chính có đến 97,4% số tín nhiệm thì UBND huyện quay lại xét theo các tiêu chuẩn bổ nhiệm mới, ông Vũ Thanh Bảy không có giải thích hay đưa ra một lý do nào.
Giáo viên đã khó nay càng thêm khó
Từ đầu năm 2018, UBND huyện Bảo Lâm đã có văn bản truy thu tiền phụ cấp thu hút giáo viên vùng đặc biệt khó khăn do chi sai. Tuy nhiên, việc truy thu bằng cách trừ 1/3 số lương hằng tháng khiến đời sống, công tác của hàng trăm giáo viên nơi đây thêm khó khăn, xáo trộn.
Xáo trộn nhiều nhất có là vùng đặc biệt khó khăn - xã Lộc Nam, nơi có hơn một trăm giáo viên ở 3 cấp học nằm trong danh sách bị truy thu, với số tiền truy thu mỗi giáo viên từ vài chục triệu đến hơn 100 triệu đồng. Việc truy thu để “sửa sai” này của huyện Bảo Lâm khiến cho nhiều giáo viên lâm cảnh khó khăn, ngán ngẩm sau hàng chục năm bám trường bám lớp vùng đặc biệt khó khăn. Họ đã phải chịu nhiều thiệt thòi nay còn gánh thêm “nợ”.
Văn bản của UBND huyện Bảo Lâm trả lời phản ánh của một Hiệu trưởng đã có hơn 35 năm cống hiến cho ngành giáo dục địa phương.
Theo quy định, giáo viên vùng đặc biệt khó khăn được hưởng phụ cấp thu hút 70% mức lương cơ bản trong vòng 60 tháng. Thế nhưng nhiều trường hợp chưa được hưởng đủ 60 tháng phụ cấp thu hút theo quy định, đã bị UBND huyện Bảo Lâm truy thu. Nói là truy thu nhưng trên thực tế nhiều giáo viên tại trường Mầm non và trường Tiểu học xã Lộc Nam từ năm 2014 – 2016 không nhận được khoản chi trả này vào lương hằng tháng. Cho đến tháng 1/2018, sau khi UBND huyện Bảo Lâm có văn bản số 21 về việc “Xử lý kết quả kiểm tra thực hiện chế độ phụ cấp thu hút đối với ngành giáo dục” mới tiến hành truy lĩnh và truy thu. Đó cũng chính là lý do dẫn đến hiện tượng giáo viên mới đến công tác hơn 1 năm được truy lĩnh hơn 100 triệu đồng, còn ngược lại những giáo viên công tác 20 – 30 năm lại “mang nợ”.
UBND huyện Bảo Lâm khẳng định, toàn bộ số tiền truy thu đều được hoàn trả vào ngân sách nhà nước và cho biết sở dĩ có những “lùm xùm”, xáo trộn do chi sai phải truy thu, truy lĩnh là do xuất phát từ đặc điểm tình hình của địa phương. Cụ thể, trong khi đang thực hiện chi phụ cấp thu hút 40% lương cơ sở cho cán bộ viên chức ngành giáo dục đang công tác trên địa bàn vùng đặc biệt khó khăn thì năm 2006 Chính phủ ban hành Nghị định số 61 quy định chi phụ cấp thu hút 70% lương cơ sở cho giáo viên, cán bộ nhân viên ngành giáo dục chuyển từ vùng thuận lợi sang vùng đặc biệt khó khăn, với thời gian là 5 năm.
Trong quá trình thực hiện chi trả 70% phụ cấp thu hút theo Nghị định số 61 của Chính phủ, UBND huyện Bảo Lâm lại áp dụng phương thức cộng dồn cả thời gian trước khi Nghị định này có hiệu lực thi hành. Nghĩa là, trước đây (từ năm 1998 - PV) giáo viên, cán bộ nhân viên đã nhận phụ cấp 40% lương cơ sở thì tiếp tục được truy lĩnh thêm 30% cho đủ 70% lương cơ sở theo Nghị định số 61. Tuy nhiên, UBND huyện Bảo Lâm lại không xem xét đến quy định thời gian được nhận phụ cấp thu hút đối với những trường hợp này tối đa là 5 năm nên mới xảy ra tình trạng giáo viên càng có nhiều thời gian gắn bó với vùng đặc biệt khó khăn này càng “mắc nợ” nhiều hơn.
Thanh Hải (NB&CL)

Có thể bạn quan tâm