Kon Tum: Liên tiếp để xảy ra nhiều vụ khai thác gỗ trái phép

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Kon Tum liên tục xảy ra tình trạng khai thác gỗ trái phép. Sự việc trên, làm dư luận nghi ngờ về trình độ cũng như trách nhiệm của cán bộ quản lý rừng và các đơn vị có liên quan… Điều đáng nói, hầu hết các vụ khai thác gỗ lậu đều không truy ra đối tượng khai thác, nếu có cũng khẳng định “người dân đem về sửa chữa nhà Rông”.
Hiện trường nơi khai thác gỗ trái phép tại huyện Đăk Tô
Vào những ngày đầu tháng 3/2019, liên tục nhiều địa điểm khai thác gỗ trái phép tại huyện Đăk Tô và huyện Tu Mơ Rông bị phát hiện. Cụ thể, tại xã Đăk Rơ Nga, huyện Đăk Tô xảy ra tình trạng khai thác gỗ trái phép (vị trí khai thác là khu vực thuộc tiểu khu 276, 277 do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô quản lý). Còn tại huyện Tu Mơ Rông, địa điểm khai thác gỗ thuộc xã Đắk Na, thuộc sự quản lý của Hạt Kiểm lâm huyện Tu Mơ Rông.
Trước sự việc trên, lực lượng chức năng đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành vào cuộc điều tra, xác minh. Tại huyện Đăk Tô, vào ngày 1/3/2019, đoàn kiểm tra liên ngành bao gồm: Đại diện Cục Kiểm lâm ông Hoàng Văn Hương, ông Đỗ Hữu Dũng - kiểm lâm viên, đội kiểm lâm đặc nhiệm. Đại diện Chi cục Kiểm lâm tỉnh Kon Tum, ông Phạm Dục Tú, cán bộ phòng TTPC cùng đại diện Hạt Kiểm lâm Đăk Tô, ông Nguyễn Tấn Phát, Hạt trưởng và đơn vị chủ rừng là ông Nguyễn Thành Chung, Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô.
Đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra tại các vị trí tọa độ thuộc các khoảnh 7, 9 tiểu khu 277 và khoảnh 12 tiểu khu 276, phát hiện 34 gốc cây bị cưa hạ (các gốc chặt còn mới) có đường kính từ 20cm - 110cm và 23 lóng, hộp gỗ có khối lượng 13,298m3 (trong đó gỗ tròn 14 lóng có khối lượng 9,817m3, 9 hộp gỗ xẻ có khối lượng 3,481m3), chủng loại từ nhóm III đến nhóm VIII… Tại thời điểm kiểm tra, đoàn kiểm tra không phát hiện có người tại hiện trường rừng bị khai thác gỗ, không có người đến nhận là chủ của số gỗ đã kiểm tra. Đặc biệt, không phát hiện ra đối tượng khai thác. Kết thúc kiểm tra, đoàn kiểm tra không thu giữ bất cứ thứ gì tại địa điểm kiểm tra, không làm xáo trộn hiện trường khai thác gỗ.
Trụ sở Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô, là đơn vị chủ rừng nơi xảy vụ khai thác gỗ trái phép
Liên quan đến sự việc trên, chúng tôi đã liên hệ làm việc với ông Nguyễn Thành Chung, Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô (đơn vị chủ rừng), tuy nhiên vị lãnh đạo này bận lịch đi công tác Hà Nội. Còn ông Nguyễn Tấn Phát, Hạt trưởng Kiểm lâm huyện Đăk Tô khẳng định: “Qua kiểm tra hiện trường nơi phát hiện khai thác gỗ, cho thấy số gỗ trên là gỗ đã khai thác từ khoảng năm 2017 chứ không phải dấu vết khai thác mới”.
Nếu căn cứ vào biên bản kiểm tra ngày 1/3/2019 của đoàn liên ngành, nội dung khẳng định: “Đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra tại các vị trí tọa độ thuộc các khoảnh 7, 9 tiểu khu 277 và khoảnh 12 tiểu khu 276, phát hiện 34 gốc cây bị cưa hạ (các gốc chặt còn mới) có đường kính  từ 20cm - 110cm…” thì rất mâu thuẫn với lời của ông Nguyễn Tấn Phát.
Tiếp đến, vào lúc 16 giờ ngày 3/3/2019, tại Hạt Kiểm lâm huyện Tu Mơ Rông, đoàn kiểm tra liên ngành cũng đã lập biên bản kiểm tra, xác minh. Đại diện Cục Kiểm lâm, Chi cục Kiểm lâm vùng IV, Hạt Kiểm lâm Tu Mơ Rông và đại diện UBND xã Đăk Na, đoàn kiểm tra tại lô 35, khoảnh 8 và lô 46, khoảnh 9, tiểu khu 206, phát hiện tại hiện trường có 7 gốc cây bị chặt hạ với số lượng 11 lóng, hộp có khối lượng đo đếm được 8,371m3; chủng loại Kháo, Sao Cát, Dầu, Dẻ trắng thuộc nhóm III đến nhóm VII. Tất cả các cây bị chặt hạ bằng cưa xăng, dấu vết gốc chặt còn mới, tại hiện trường không có dấu vết phương tiện xe cơ giới và cũng không truy ra được đối tượng khai thác.
Biên bản kiểm tra, xác minh của đoàn kiểm tra liên ngành tại huyện Tu Mơ Rông
Trao đổi với ông Nguyễn Khắc Sương, Hạt trưởng Kiểm lâm huyện Tu Mơ Rông cho biết: “Tại vị trí phát hiện khai thác gỗ lậu là xã Đăk Na thì đơn vị có giao cho ông Nguyễn Quốc Phú, Phó Hạt trưởng cơ quan quản lý. Tuy nhiên, lực lượng cán bộ quá mỏng nên mới xảy ra tình trạng khai thác gỗ lậu… Theo nhận định ban đầu thì số gỗ bị khai thác là do người dân địa phương khai thác đem về sửa chữa nhà ở và nhà Rông”. Khi chúng tôi đặt câu hỏi về việc địa bàn mà Phó Hạt trưởng đơn vị quản lý mà để xảy ra tình trạng khai thác gỗ trái phép, thì ông Sương lại trả lời vòng vo… Thậm chí, đổ lỗi cho việc do lực lượng cán bộ quá mỏng.
Trên thực tế, nhiều vụ khai thác gỗ trái phép trên địa bàn tỉnh Kon Tum đều không truy ra được đối tượng khai thác. Chính vì điều này đang khiến cho dư luận bức xúc về trình độ cũng như trách nhiệm quản lý và bảo vệ rừng của các đơn vị có liên quan.
Trước thực trạng trên, đề nghị UBND tỉnh Kon Tum cần nhanh chóng vào cuộc chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành có liên quan vào cuộc xử lý dứt điểm, nhằm tránh những hệ lụy về sau, đồng thời xử lý nghiêm những đơn vị bảo vệ rừng để xảy ra tình trạng mất rừng.
Khuất Nguyên (Thanh tra)

Có thể bạn quan tâm