Già làng góp công xây dựng quê hương giàu mạnh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Bằng kinh nghiệm, uy tín trong cộng đồng, đội ngũ già làng các dân tộc Tây Nguyên đã phát huy tốt vai trò là nhân tố tích cực trong việc củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, là lực lượng nòng cốt trong các phong trào ở buôn làng, góp phần xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh, xây dựng quê hương ngày càng phát triển.
Giữ bình yên cho buôn làng
Bằng vốn kiến thức, kinh nghiệm tích lũy trong cuộc sống, già làng các dân tộc Tây Nguyên đã trở thành “cầu nối” đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với dân làng. Thông qua họp dân, các buổi sinh hoạt cộng đồng, đội ngũ già làng đã thường xuyên tuyên truyền, vận động nhân dân phát huy truyền thống đoàn kết, nỗ lực phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Ở những buôn làng có “điểm nóng”, có dấu hiệu bất ổn về an ninh trật tự, nhiều già làng đã không quản ngại khó khăn, gian khổ, đêm ngày đến từng nhà để tuyên truyền, vận động; kiên quyết đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề nhân quyền, dân chủ, dân tộc, tôn giáo gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc.
Thực hiện nội dung lời hứa thứ 4 trong Quyết tâm thư của già làng các dân tộc thiểu số Tây Nguyên, già làng Y Bhiu Mlô (thôn Tân Lập 4, xã Pơng Drang, huyện Krông Búk, tỉnh Đak Lak) cùng các già làng trong tỉnh đã tích cực hưởng ứng phong trào thi đua “Tuổi cao-Gương sáng”, phát huy tầm ảnh hưởng của mình trong việc tuyên truyền, vạch rõ âm mưu “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch chống phá sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc. Từ năm 2009 đến nay, ông đã tham gia tổ chức nhiều đợt tuyên truyền, vận động người dân chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước thu hút 8.242 lượt người tham dự; vận động được 74 đối tượng cá biệt yên tâm lao động sản xuất, ổn định cuộc sống.
Bà Phạm Thị Hải Chuyền-Chủ tịch Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam trò chuyện cùng các già làng về tham dự Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Quyết tâm thư của già làng các dân tộc thiểu số Tây Nguyên.              Ảnh: ĐỨC THỤY
Bà Phạm Thị Hải Chuyền-Chủ tịch Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam trò chuyện cùng các già làng về tham dự Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Quyết tâm thư của già làng các dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Ảnh: ĐỨC THỤY
Còn với già làng Điểu Gót (buôn Tu Soay, xã Đak NDrung, huyện Đak Song, tỉnh Đak Nông), nhận thấy nhiều người dân trong buôn vì nhẹ dạ, cả tin, nghe lời kẻ xấu xúi giục, lôi kéo đã vượt biên sang Campuchia, ông trực tiếp theo dõi, nắm bắt diễn biến tình hình để kịp thời báo cáo cấp trên. “Ngoài việc làm tốt công tác vận động quần chúng, tôi cùng với cán bộ tỉnh, huyện thường xuyên đi tuyên truyền, vận động từng người, từng hộ, đặc biệt là người cao tuổi có nhận thức cách mạng, thuyết phục họ khuyên bảo con cháu, người thân trong gia đình, dòng họ không nghe những lời kẻ xấu xuyên tạc nhằm chống phá Đảng, Nhà nước, chống nhân dân”-già làng Điểu Gót cho hay.
Trong khi đó, ngoài việc phối hợp với chính quyền địa phương tham gia giải quyết tốt các vấn đề phát sinh trong nội bộ đồng bào dân tộc thiểu số như tranh chấp đất đai, lấn chiếm đất rừng, già làng A Nhen (làng Đaktiêng Klah, xã Đak La, huyện Đak Hà, tỉnh Kon Tum) còn vận động người dân không di cư tự do, không tranh chấp đất đai, không nghe theo những luận điệu tuyên truyền của kẻ xấu. Nhờ đó, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn từng bước được ổn định. Trong làng không có người mắc các tệ nạn xã hội, không có người sử dụng và lưu hành văn hóa phẩm độc hại.
Nhân tố tích cực xây dựng nông thôn mới
Ngoài nỗ lực đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn, bằng uy tín và kinh nghiệm của mình, già làng các dân tộc Tây Nguyên còn tích cực tham gia phát triển kinh tế, hoạt động xã hội, góp phần làm thay đổi diện mạo các buôn làng quê hương. Già làng Ya Tin (thôn Ma Đanh, xã Tu Tra, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng) là một trong những người đi đầu trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi ở địa phương. Ông chuyển từ nuôi bò giống địa phương sang nuôi bò lai sin mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện ông có trên 15 con bò thịt và trang trại nuôi dê thương phẩm với tổng đàn hơn 40 con, 7 sào chanh dây cho thu nhập tổng cộng hơn 150 triệu đồng/năm. “Muốn dân làng thay đổi cách canh tác cũ thì trước tiên mình phải chủ động tìm ra mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả. Lúc đó, bà con mới tin và làm theo”-già làng Ya Tin khẳng định.
Khi địa phương triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, già làng Ya Tin cũng gương mẫu đi đầu thực hiện trách nhiệm của một người dân. Đồng thời, ông tích cực vận động bà con đóng góp tiền bạc, công sức xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống. Trong 3 năm qua, ông đã vận động bà con đóng góp gần 470 triệu đồng để cùng Nhà nước làm hơn 2 km đường bê tông xi măng, góp phần tạo thuận lợi cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa nông sản trong thôn. Diện mạo thôn Ma Đanh theo đó đã có nhiều khởi sắc, “sáng-xanh-sạch-đẹp” hơn. Thôn Ma Đanh cũng 3 năm liên tục đạt danh hiệu thôn văn hóa.
Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang tặng quà cho các già làng.  Ảnh: ĐỨC THỤY
Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang tặng quà cho các già làng. Ảnh: ĐỨC THỤY
Xác định xây dựng nông thôn mới sẽ làm cho các buôn làng “thay da đổi thịt”, đời sống người dân từng bước nâng lên, già làng các dân tộc Tây Nguyên đã tích cực vận động bà con tham gia phát triển kinh tế, tiếp thu khoa học kỹ thuật mới để áp dụng vào sản xuất, xóa bỏ tập quán canh tác lạc hậu. Từ đó, nhiều buôn làng ở khu vực Tây Nguyên nói chung, tỉnh Gia Lai nói riêng đã thực sự chuyển mình. Già làng Ksor Grik (làng Breng 1, xã Ia Dêr, huyện Ia Grai) cho biết: Thực hiện cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”, đến nay, làng Breng 1 đã có 12/36 hộ thoát nghèo.
Trong khi đó, nhiều năm qua, già làng KĐẹo (thôn BCọ, xã Lộc A, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng) không ngừng vận động bà con đoàn kết, chăm lo phát triển kinh tế-xã hội, thực hiện tốt 5 nội dung trong Quyết tâm thư của các già làng các dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Ngoài việc vận động nhân dân thực hiện định canh định cư, không phá rừng làm rẫy trái phép, ông còn hướng dẫn dân làng kinh nghiệm ghép cà phê, thực hiện thâm canh tăng năng suất cà phê. Năm 2014, 100% hộ dân trong làng đã thực hiện tốt việc ghép cà phê, đưa năng suất loại cây trồng này đạt gần 4 tấn/ha; 50% số hộ năng suất đạt trên 5 tấn/ha. Năm 2017-2018, ngoài thu hoạch cà phê, nhiều hộ trồng sầu riêng ở làng BCọ đã có thu nhập gần 200 triệu đồng/ha. Kinh tế phát triển, đời sống nhân dân ngày càng ổn định, hầu hết người dân đều làm nhà xây, không còn hộ ở nhà tạm; số hộ nghèo của thôn giảm nhanh, nay chỉ còn 6 hộ (chiếm 3,7%). Ngoài ra, ông còn tham gia vận động bà con trong làng đóng góp trên 70 triệu đồng, hơn 500 ngày công và hơn 1.000 m2 đất làm đường trong làng; vận động nhân dân tự giác xử lý, chôn lấp rác thải, bảo vệ môi trường. Hàng năm, nhân dân trong làng đóng góp hơn 10 triệu đồng ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” và Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, quỹ phòng-chống lụt bão của xã, của huyện…
Theo ông Đàm Hữu Đắc-Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam, Trưởng ban Tổ chức Trung ương tổng kết 10 năm thực hiện Quyết tâm thư của già làng các dân tộc thiểu số Tây Nguyên: Bên cạnh việc tích cực vận động nhân dân phát huy bản sắc, truyền thống của dân tộc, xóa bỏ những tập tục lạc hậu, già làng các dân tộc Tây Nguyên còn tích cực hưởng ứng đi đầu trong các phong trào thi đua yêu nước, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”, vận động đồng bào dân tộc thiểu số trong các tôn giáo sống “Tốt đời, đẹp đạo”. Thông qua đó, đội ngũ già làng đã góp phần xây dựng cơ sở chính trị ở cơ sở vững chắc, giữ vững quốc phòng-an ninh, xây dựng đời sống ấm no, nâng cao chất lượng phát triển toàn diện trong các buôn làng trên địa bàn.

Nhân Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Quyết tâm thư của già làng các dân tộc thiểu số Tây Nguyên, chiều 18-3, Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Ủy ban Dân tộc, UBND tỉnh đã tổ chức lễ dâng hoa, dâng hương Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP. Pleiku). 

Tham gia buổi lễ có bà Phạm Thị Hải Chuyền-Chủ tịch Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam; ông Đàm Hữu Đắc-Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam; bà Huỳnh Nữ Thu Hà-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh cùng 224 già làng tiêu biểu đại diện cho già làng các dân tộc thiểu số Tây Nguyên.

Trong không khí trang nghiêm, các đại biểu đã thành kính đặt vòng hoa, bày tỏ lòng biết ơn vô hạn đối với công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh-lãnh tụ thiên tài của dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới, người đã dành trọn đời mình đấu tranh cho nền độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam. 

Phan Lài
 MINH NGUYỄN

Có thể bạn quan tâm