Đăk Lăk: Nguy cơ hạn hán tại nhiều địa phương

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trước tình hình hạn hán có thể xảy ra trên địa bàn tỉnh Đăk Lăk trong mùa khô năm nay và để đảm bảo an toàn hồ đập trong mùa mưa lũ sắp tới, ngày 28/2 đoàn công tác của Tổng cục Thủy lợi do ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng cục Trưởng Tổng cục Thủy lợi làm trưởng đoàn đã làm việc với Sở NN-PTNT Đăk Lăk.
Ông Mai Trọng Dũng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Đăk Lăk cho biết: Hiện nay các công trình thủy lợi của tỉnh có tổng dung tích khoảng 650 triệu m3, đáp ứng tưới  trực tiếp cho 144.575ha, trong đó lúa 2 vụ trong năm là 85.000ha, cà phê 56.864ha, hoa màu trên 2.800ha. Các hồ chứa trên địa bàn tỉnh đến cuối năm 2018 cơ bản đạt cao trình thiết kế, tuy nhiên một số hồ tại phía Đông của tỉnh không đạt do lượng mưa thấp.
 
Ông Nguyễn Văn Tỉnh và đoàn công các của Tổng cục Thủy lợi đi kiểm tra hồ chưa nước Vụ Bổn, huyện Krông Păk đang bị thiếu nước nghiêm trọng
Đến thời điểm hiện tại mực nước tại các hồ chứa chỉ còn khoảng 50% so với dung tích thiết kế, đặc biệt đã có 9 hồ đập cạn kiệt. Do vậy dự báo đến cuối vụ ĐX, các huyện Ea Kar, Krông Bông, Krông Păk, Cư M’gar, Buôn Đôn, Ea Súp, Krông Ana có thể xuất hiện hạn hán trên diện rộng.
Theo ông Dũng, trong vụ ĐX năm nay người dân đã gieo sạ vượt kế hoạch lên tới 7.000ha (kế hoạch gieo trồng 32.000ha nhưng thực tế người dân xuống giống 39.000ha) nguyên nhân là do cuối vụ một số vùng có mưa nên người dân đã tự ý mở rộng diện tích, do vậy cuối vụ nguy cơ hán hán rất cao. Ngoài ra diện tích cà phê toàn tỉnh là 204.000ha nhưng mới chủ động nước được trên 56.000ha. Nếu hạn hán kéo dài thì sẽ ảnh hưởng nặng nề đến loại cây trồng này của tỉnh.
Trước tình hình El Nino gây hạn hán, Sở NN-PTNT Đăk Lăk tham mưu cho UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo các ngành, địa phương triển khai công tác ứng phó với hạn hán trong vụ SX ĐX với nhiều giải pháp. Theo đó tại những vùng có nguy cơ hạn hán, thiếu nước, các địa phương phải xây dựng phương án chống hạn cụ thể; Rà soát, cập nhập cân đối nguồn nước để xây dựng kế hoạch sản xuất phù hợp, trong đó ưu tiên nước cho sinh hoạt, nước cho gia súc, nước tưới cho cây trồng lâu năm. Đối với những diện tích không đủ nước thì chuyển đổi sang cây trông khác có nhu cầu ít hơn, diện tích không có nước thì tạm dừng gieo trồng; Khuyến khích áp dụng các công nghệ mới như tưới tiết kiệm.
Đối với biện pháp công trình, ngành nông nghiệp đã chủ động lắp đặt các trạm bơm dầu dã chiến tại các vị trí cống lấy nước để bơm từ dung chết của các hồ; vận hành tăng cường các trạm bơm điện cố định để chống hạn, sửa chữa kênh mương, đập dâng có quy mô nhỏ nhằm tăng khả năng trữ nước và dẫn nước thông thoáng từ đầu mối; Quản lý chặt chẽ, điều tiết hợp lý nguồn nước nhằm giảm thất thoát nguồn nước…
Theo ông Dũng, song song với công tác chống hạn trong mùa khô thì Sở NN-PTNT cũng đã chủ động xây dựng phương án đảm bảo an toàn hồ đập, hồ chứa thủy lợi nhằm chủ động ứng phó với mùa mưa lũ năm 2019. Theo đó kiểm tra, đánh giá hiện trạng an toàn hồ đập, hồ chứa trước mùa mưa lũ, xây dựng phương án tích nước hoặc không tích nước đối với các hồ chứa nước xung yến; Xây dựng, điều chỉnh bổ sung quy trình vận hành hồ chứa, lắp đặt thiết bị quan trắc đập, hồ chứa nước, quan trắc khí tượng thủy văn chuyên dùng…
Trước nguy có hạn hán có thể xảy ra tại nhiều địa phương của Đăk Lăk, ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng cục trưởng, Tổng cục Thủy lợi đã đánh giá cao tỉnh Đăk Lăk đã có chỉ đạo các sở ban ngành và các địa phương chủ động phương án chống hạn ngay từ đầu vụ. Với thực thế các công trình thủy lợi mới đáp ứng được khoảng 20% diện tích tưới cho cây trồng, còn lại 80% lấy nước từ ao hồ song suối và nước ngầm, do vậy để giảm thiểu thiệt hại do hạn hán gây ra, ông Tỉnh đề tỉnh tập trung sửa chữa, xây dựng các công trình mới, hoàn thiện hệ thống kênh mương để đưa nước về đồng ruộng.
"Bên cạnh đó Sở NN-PTNT phải thường xuyên bám sát tình hình, đặc biệt đối với những công trình thủy lợi giao cho địa phương quản lý thì chỉ đạo các bộ phận chuyên môn thường xuyên đến hiện trường để xem tình hình nguồn nước để giúp người dân chống hạn; Từ nay đến hết mùa khô phải chủ động khoanh vùng hạn, ưu tiên nước phục vụ sinh hoạt, nước phục vụ chăn nuôi, sau đó mới  đến các loại cây trồng và khi hạn hán xảy ra thì huy động tổng lực hệ thống chính trị vào cuộc để giúp người dân giảm thiểu thiệt hại. Đối với những vùng thiếu nước tưới thì tuyệt đối không trồng lúa mà chuyển sang các loại cây trồng cạn có giá trị cao hơn đồng thời khuyến cáo người dan sử dụng các biện phát tưới tiết kiệm, tiên tiến…", ông Tỉnh nói.
Đối với công tác an toàn hồ đập thì Đăk Lăk là địa phương có nhiều hồ chứa với 590 công trình lớn nhỏ, tuy nhiên điều lo ngại nhất hiện nay là gần 20% hồ chứa có nguy cơ mất an toàn rất cao. Do vậy địa phương này cần phải thường xuyên tổ chức kiểm tra về thực trạng an toàn hồ chứa để lên kế hoạch sửa chữa, nâng cấp, đảm bảo an toàn trước mùa mưa lũ 2019.
Cũng tại buổi làm việc với ngành nông nghiệp Đăk Lăk, đoàn công tác của Tổng cục Thủy lợi đã đi kiểm tra một số hồ chứa đang bị khô hạn và mất an toàn.
Mai Phương-Ngọc Thăng (Nông nghiệp Việt Nam)

Có thể bạn quan tâm