Chư Prông: Hỗ trợ cựu chiến binh phát triển kinh tế

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Khơi dậy tinh thần tự lực, tự cường và luôn hỗ trợ hội viên trong phát triển kinh tế là những việc làm thiết thực mà Hội Cựu chiến binh (CCB) huyện Chư Prông, Gia Lai thực hiện trong những năm qua. Nhờ đó, tỷ lệ hội viên CCB nghèo đã giảm rõ rệt.
Theo ông Mai Khắc Tuấn-Chủ tịch Hội CCB huyện Chư Prông, thời gian qua, diễn biến thời tiết thất thường, giá cả các mặt hàng nông sản giảm mạnh đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của hội viên. Để giúp hội viên vượt qua khó khăn, Hội đã chỉ đạo các Hội cơ sở tiếp tục tuyên truyền đến cán bộ, hội viên về việc đẩy mạnh chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững trên địa bàn huyện; đồng thời tiếp tục thực hiện nghị quyết chuyên đề “2 xóa, 3 giúp, 3 mô hình” của Ban Chấp hành Hội CCB tỉnh. Trong năm 2018, Hội đã tạo điều kiện cho hàng trăm cán bộ, hội viên tham gia lớp tập huấn về khuyến nông; tổ chức cho hội viên tham quan, học hỏi các mô hình trồng xen cây ăn quả trong vườn cà phê, nuôi gà trên đệm lót sinh học... Bên cạnh đó, Hội cũng duy trì việc kết nghĩa giữa Hội CCB huyện với làng Bạc (xã Ia Phìn) theo sự phân công của Huyện ủy và duy trì 9 chi hội người Kinh kết nghĩa với 9 chi hội dân tộc thiểu số, 24 hội viên người Kinh kết nghĩa với 24 hội viên dân tộc thiểu số để hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau về kỹ thuật, kinh nghiệm trong sản xuất, phát triển kinh tế.  
 Một số hội viên Hội Cựu chiến binh huyện Chư Prông đã mạnh dạn với mô hình nuôi động vật hoang dã. Ảnh: P.D
Một số hội viên Hội Cựu chiến binh huyện Chư Prông đã mạnh dạn với mô hình nuôi động vật hoang dã. Ảnh: P.D
Mặt khác, Hội cũng tạo điều kiện để hội viên tiếp cận nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách Xã hội thông qua 75 tổ vay vốn-tiết kiệm và vận động các cơ sở Hội xây dựng, duy trì có hiệu quả nguồn quỹ tại chỗ để giúp đỡ hội viên nghèo, hội viên khó khăn vay luân phiên với lãi suất thấp. Ông Mai Khắc Tuấn cho biết: “Hiện 21/21 cơ sở Hội đều duy trì có hiệu quả nguồn quỹ tại chỗ với tổng số tiền khoảng 3,8 tỷ đồng, giải quyết cho 125 hội viên nghèo vay. Ngoài ra, số tiền 97 triệu đồng từ phong trào “Nuôi heo đất” cũng đã phần nào giải quyết nhu cầu khó khăn của hội viên ngay tại cơ sở”.
Nhờ sự hỗ trợ kịp thời về khoa học kỹ thuật, nguồn vốn, nhiều hội viên đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cải tạo vườn tạp, tái canh cà phê... Nói về mô hình vườn-ao của gia đình, hội viên Lương Văn Hầu (xã Ia Vê) chia sẻ: “Năm vừa rồi, do ảnh hưởng của thời tiết, vườn hồ tiêu 2.000 trụ của gia đình bị chết mất vài trăm trụ, hơn 1 ha cà phê bị giảm năng suất khoảng 30%. Vì vậy, tận dụng 2 cái hồ trước giờ chỉ dùng vào mục đích trữ nước tưới cà phê, hồ tiêu, tôi quyết định nuôi thêm cá và vịt để cải thiện thu nhập”.
Cùng với đó, một số hội viên cũng mạnh dạn thử nghiệm những mô hình mới, cách làm mới như: nuôi hươu, nai lấy nhung; trồng xen mắc ca, sầu riêng trong vườn cà phê... Theo thống kê, toàn huyện có 90 trang trại, gia trại với tổng diện tích 800 ha cà phê, 424 ha hồ tiêu, 100 ha cao su, điều… do CCB làm chủ. Đặc biệt, các trang trại, gia trại này đã tạo việc làm ổn định cho 384 lao động là con em CCB, lao động địa phương với mức thu nhập bình quân 4-5 triệu đồng/tháng.
Với những giải pháp cụ thể, năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo trong hội viên CCB đã giảm rõ rệt. Cụ thể, toàn huyện hiện còn 122 hộ CCB nghèo (chiếm 3,88%, giảm 29 hộ so với năm 2017); 161 hộ cận nghèo (chiếm 5,12%, giảm 50 hộ so với năm 2017). Song song với đó, số hộ khá, giàu tăng 18 hộ so với năm 2017. Theo Chủ tịch Hội CCB huyện, đến nay, toàn huyện có 1.195 hộ hội viên khá, giàu (chiếm 37,65%).
Phương Dung

Có thể bạn quan tâm