Dân di cư đến các tỉnh Tây Nguyên đã giảm nhưng vẫn khó kiểm soát

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Theo ông Giàng A Chu, tình trạng này nếu để lâu sẽ càng phức tạp, tiềm ẩn nhiều hệ lụy, vì vậy cần phải có giải pháp căn cơ, quyết liệt.
Ngày 18/12, tại thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng), Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội phối hợp với Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam tổ chức Hội thảo “Đại biểu dân cử với chính sách, pháp luật về di cư”.
Hội thảo nhận định, di cư là xu hướng tất yếu bởi quá trình phát triển của mỗi quốc gia. Nếu trước năm 1990, việc di cư chủ yếu theo kế hoạch thì sau đó di cư chủ yếu là tự phát, với hàng chục ngàn hộ. Hơn 80% trong số này di cư tới Tây Nguyên. Hậu quả, đến nay vẫn còn hơn 22.000 hộ chưa được bố trí, sắp xếp ổn định.
Ông Giàng A Chu, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội nêu ý kiến tại Hội thảo
Ông Giàng A Chu, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội cho biết, tuy những năm gần đây, số lượng dân di cư tự phát đến địa bàn các tỉnh Tây Nguyên đã giảm, nhưng diễn biến lại khá phức tạp, khó kiểm soát, tác động xấu đến tình hình an ninh trật tự, gây nạn phá rừng và lấn chiếm đất rừng trái phép. Tình trạng này nếu để lâu sẽ càng phức tạp, tiềm ẩn nhiều hệ lụy, vì vậy cần phải có giải pháp căn cơ, quyết liệt.
“Việc xây dựng các dự án, triển khai các dự án để giải quyết tái định cư, đưa các hộ vào trong quy hoạch tuy có làm nhưng quy mô còn nhỏ, tiến độ lại chậm. Đời sống của đồng bào nhìn chung là khó khăn, vào phá rừng, chiếm dụng, rồi mua bán… gia đình nào gom được đất thì sản xuất và thu nhập được khá, còn phần lớn những việc khác thì chưa có, đường, điện, trường học đều thiếu. Chúng ta phải có một nghị quyết tổng thể về phát triển KT-XH miền núi, trong đó có giải quyết vấn đề dân di cư tự do hiện nay”, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đề nghị.
Nhằm tạo cơ hội để người di cư có điều kiện phát triển kinh tế gia đình, cải thiện cuộc sống, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 6, khóa XII, đã ra Nghị quyết số 21 về công tác dân số trong tình hình mới. Trong đó nêu rõ phải có chính sách cho người di cư được tiếp cận đầy đủ và công bằng với các dịch vụ xã hội cơ bản.
Để triển khai thực hiện có hiệu quả nghị quyết này, cũng như hoàn thiện pháp luật về quyền con người và đảm bảo an sinh xã hội, ngoài 7 tham luận được trình bày, hội thảo đã ghi nhận nhiều ý kiến về những bất cập, khó khăn, thách thức, định hướng quản lý di cư và hoạch định các chính sách.
Bà Nguyễn Thúy Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội của Quốc hội, cho rằng, các ý kiến tại hội thảo là những cơ sở quan trọng, giúp ích cho Ủy ban các vấn đề Xã hội của Quốc hội khi thẩm tra dự án Luật dân số và đề xuất các chính sách liên quan.
“Ủy ban về các vấn đề Xã hội của Quốc hội sẽ nghiên cứu, tổng hợp thông tin, kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền, đồng thời sẽ theo đuổi các kiến nghị này, cũng như chú trọng các nội dung trong quá trình thẩm tra dự án Luật dân số, thể chế hóa các nội dung có liên quan của Nghị quyết 21. Chúng tôi cũng lồng ghép các nội dung này trong quá trình đánh giá việc thực hiện các kế hoạch phát triển KT-XH và xem xét về ngân sách".
Quang Sáng (VOV.VN)

Có thể bạn quan tâm