Đắk Lắk: Đưa người chết vào danh sách nhận tiền bảo vệ rừng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trưởng buôn Ea Rông, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk đã lập khống danh sách để nhận tiền khoán bảo vệ rừng, trong đó có cả người đã chết.
Được người dân ủy quyền ký hợp đồng nhận khoán bảo vệ rừng với Vườn Quốc gia Yok Đôn, bà Lê Thị Thắm - Trưởng buôn Ea Rông, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk đã lập khống danh sách để nhận tiền. Trong đó, có cả những người không ở địa phương, thậm chí đã chết.
Bản danh sách khống.
Bản danh sách khống.
Dù không thuộc đối tượng được nhận khoán bảo vệ rừng, nhưng ông Trương Minh Thông ở buôn Ea Rông, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn vẫn được bà Lê Thị Thắm - Trưởng buôn buôn Ea Rông đưa vào danh sách, với số tiền đã ký nhận 1.200.000 đồng trong 6 tháng đầu năm 2018. Nhưng trong thực tế, ông Minh chỉ nhận 700.000 đồng và chữ ký trong danh sách bị giả mạo.
“Tôi đi làm bên Công ty du lịch, vợ thì đi dạy, nghèo thì cũng không nghèo, có lương đủ sống. Buôn họ bảo nhận khoán rừng, rồi đi phát rừng. Năm nào họ bảo đi phát rừng thì đi phát rừng. Năm rồi có nhận, năm ngoái có nhận”, ông Trương Minh Thông cho biết.
Năm nay, bà con buôn Ea Rông được Vườn Quốc gia Yok Đôn ký hợp đồng giao khoán bảo vệ hơn 767ha rừng đặc dụng. Được bà con trong buôn ủy quyền ký hợp đồng giao khoán với Vườn quốc gia, Trưởng buôn Lê Thị Thắm kê thêm tên nhiều chủ hộ, trong đó có cả người không ở địa phương, thậm chí đã chết để rút tiền giao khoán.
Rà soát danh sách do bà Thắm lập để rút tiền nhận khoán tiền bảo vệ rừng, Thượng úy Lê Thanh Dũng - Trưởng Công an xã Krông Na, huyện Buôn Đôn ngạc nhiên vì có những người đã chuyển hộ khẩu từ mấy năm trước, có người đã chết và có cả người… không biết là ai?
“Có một số trường hợp như ông Bùi Ngọc Vinh chuyển khẩu về Ea We, Buôn Đôn năm 2016. Ông Hà Quang Sảng thì chết rồi. Bùi Thị Hằng có khẩu ở đây nhưng không sinh sống ở đây. Ông Hà Trọng Tuân không biết người nào, không biết là ai?”, Trưởng Công an xã Krong Na nói.
Bản danh sách có chữ ký của những người đã chết hoặc đã chuyển đi.
Bản danh sách có chữ ký của những người đã chết hoặc đã chuyển đi.
Bà Lê Thị Thắm phân bua, sai sót là do điều chỉnh sổ hộ khẩu không được cập nhật, do bận nhiều việc nên chủ quan, không phối hợp với cán bộ Vườn Quốc gia Yok Đôn để điều chỉnh danh sách cho đúng thực tế. Còn trường hợp ông Hà Văn Sảng đã chết thì không nhận tiền: “Sai sót, thiếu sót là danh sách cũ đưa lên. Do chủ quan không điều chỉnh tính chính xác. Do tôi điều chỉnh, nhưng Vườn điều chỉnh không có đúng”.
Ông Y Thông Khăm Niê Kđăm - Chủ tịch UBND xã Krông Na, huyện Buôn Đôn khẳng định sẽ làm rõ vụ việc này: “Đơn kiện của buôn Ea Rông đến nay xã chưa nắm được. Nếu hộ đã chết có người ký thay, một là Trưởng buôn, hai là ông nào trong hệ thống chính trị đó thôi. Bây giờ, chúng tôi sẽ cho công an xã vào cuộc làm rõ vụ này”.
Tiếp nhận thông tin về việc bà Lê Thị Thắm - Trưởng buôn Ea Rông, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn lập danh sách khống để chiếm đoạt tiền nhận khoán bảo vệ rừng, ông Huỳnh Nghĩa Hiệp - Phó Giám đốc Vườn Quốc gia Yok Đôn cho biết, sẽ phối hợp với chính quyền địa phương xác minh cụ thể. Nếu tiền được cấp không đúng đối tượng hoặc danh sách khống, đề nghị địa phương thu hồi.
“Nếu trong quá trình làm Vườn phát hiện ra việc đó, Vườn sẽ báo cáo với xã và đề nghị xã cắt ngay. Đến bây giờ mà đã hình thành như vậy rồi thì mình sẽ làm văn bản đề nghị UBND xã để giải quyết những sự vụ đã xảy ra và đề nghị xã cố gắng thu hồi lại số tiền đó cho Nhà nước”, ông Huỳnh Nghĩa Hiệp khẳng định.
Trước việc làm khuất tất của Trưởng buôn Lê Thị Thắm, chính quyền và cơ quan chức năng của huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk cần xác minh, làm rõ. Kinh phí nhận khoán bảo vệ rừng là ngân sách Nhà nước, nhằm tạo sinh kế cho hộ nghèo có điều kiện cải thiện đời sống, tích cực tham gia bảo vệ rừng. Không để chủ trương đúng đắn này của Chính phủ bị một cán bộ ở địa phương lợi dụng chiếm đoạt.
Tuấn Anh (VOV.VN)

Có thể bạn quan tâm

Nghề rèn của người Mạ

Nghề rèn của người Mạ

Đời sống của người Mạ luôn gắn với núi rừng, nương rẫy. Để đáp ứng nhu cầu đời sống, sản xuất, các nghề thủ công truyền thống ra đời, trong đó có nghề rèn.