Làm rõ đường hàng chục tỉ đồng tan nát trước khi khắc phục

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Các tuyến đường tại Khu Kinh tế Cửa khẩu Bờ Y bị sụt lún, sụp đổ kéo dài. Ảnh: H.P
Các tuyến đường tại Khu Kinh tế Cửa khẩu Bờ Y bị sụt lún, sụp đổ kéo dài. Ảnh: H.P
Liên quan đến 3 tuyến đường I-1, D7 và D8 tại Khu kinh tế (KKT) Cửa khẩu Bờ Y (Kon Tum) bị sụt lún, sạt lở kéo dài, chủ đầu tư là Ban Quản lý KKT đề nghị UBND tỉnh Kon Tum chi hàng tỉ đồng khắc phục. Tuy vậy, theo Sở Kế hoạch - Đầu tư và Sở Xây dựng Kon Tum, cần làm rõ nguyên nhân do thiết kế sai, thi công ẩu hay do địa hình địa chất.
“Trôi” luôn 35 tỉ đồng ngân sách
Trong động thái mới nhất, Ban Quản lý KKT Kon Tum có tờ trình đề nghị UBND tỉnh Kon Tum bố trí kinh phí khắc phục hư hỏng 3 tuyến đường. Ban Quản lý cho biết sự khẩn thiết là: “Nhằm tránh nguy cơ sạt lở ngày càng gia tăng, gây thiệt hại lớn thêm”. Cả 3 tuyến I-1, D7 và D8 về nguyên tắc xây dựng đều có các đơn vị nhà thầu khảo sát, thiết kế, giám sát thi công... nhưng dễ dàng sạt lở, sụt lún kéo dài, trôi tuột hàng nghìn khối đất, mái taluy âm sụt xuống độ sâu hơn 10m.
Hồ sơ Ban Quản lý KKT Kon Tum cung cấp cho thấy đường I-1 hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng năm 2014 có vốn đầu tư là trên 3,4 tỉ đồng, thi công bởi liên danh Cty TNHH MTV Lộc Quý và Cty TNHH MTV Nguyên Bình, đơn vị giám sát thi công là Cty CP TVXD Bắc Hải Vân (77/Trần Phú, P.Trường Chinh, TP.Kon Tum). Đường D7 có vốn đầu tư hơn 5,7 tỉ đồng, được thi công bởi Cty TNHH Đức Minh, đơn vị giám sát thi công là Xí nghiệp TVTK xây dựng Hoàng Dương. Sau đó cùng với đường D9, tuyến D7 được rót thêm 12,1 tỉ đồng nâng cấp.
Đường D8 được đầu tư hơn 6,1 tỉ đồng, do Cty TNHH Đức Thành và Cty Nam Hải thi công, giám sát thi công là Cty tư vấn xây dựng giao thông Kon Tum. Sau thời gian, tuyến D8 này được đổ thêm 7,7 tỉ đồng nâng cấp thành đường bêtông-ximăng. Đáng chú ý, cả 3 tuyến đường với tổng vốn đầu tư và sau nâng cấp là 35 tỉ đồng bị sụt lún trên đều do một mình Cty CP Tư vấn xây dựng giao thông Kon Tum (địa chỉ (385/ Bà Triệu, P.Quang Trung, TP.Kon Tum) đảm trách khảo sát - thiết kế.
“Lo sợ sạt lở tiếp tục, thiệt hại lớn thêm” - Ban Quản lý KKT Kon Tum trong tờ trình số 43 đề xuất tỉnh Kon Tum bố trí 5 tỉ đồng khắc phục. Cùng tờ trình này, Ban Quản lý xin thêm luôn 15 tỉ đồng để khắc phục bồi lấp hồ chứa nước Lạc Long Quân và hồ Âu Cơ, tổng 20 tỉ đồng, nguồn vốn ngân sách. Chánh Văn phòng UBND tỉnh Kon Tum - Bùi Thanh Bình - nhấn mạnh: “Theo phân cấp và Luật Đầu tư, nếu sửa chữa theo quy mô lụt bão (thiên tai) thì chủ đầu tư chủ động khắc phục. Còn đầu tư, xây dựng mới thì thông qua Sở KHĐT hoặc UBND tỉnh phê duyệt, rồi mới thống nhất kinh phí”.
Trôi luôn cả trách nhiệm, sai phạm
Theo Sở Xây dựng Kon Tum: “Các khu vực có nền đất yếu, bắt buộc phải có khảo sát địa chất kỹ, để có biện pháp gia cố nền móng, đó là nguyên tắc”. Khi nhìn hình ảnh phóng viên cung cấp, phía Sở Xây dựng bất ngờ: “Mưa, thoát nước thế nào mà gãy hết toàn bộ đường”. Đơn vị này khuyến cáo: “Việc sạt lở đã phá vỡ kết cấu đất, bây giờ phải đào bỏ, lấy đất nơi khác đến, lu lèn, đầm chặt lại. Những nơi mà không có kè chắn sạt lở, việc khắc phục (đắp đất) rất nan giải, khó khăn. Số tiền 5 tỉ đồng xin tỉnh khắc phục sẽ không đủ”.
Cả 3 tuyến đường I-1, D7 và D8 có mục đích đầu tư là hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông và mở rộng qu¬ đất bố trí khu dân cư, các công trình công cộng ở KKT cửa khẩu Bờ Y. “Mỗi tuyến đường đều có mục tiêu đầu tư rất rõ ràng. Giờ bị sạt lở, công trình chắc chắn sẽ không đạt được mục tiêu đề ra, như lưu thông hành khách, vận tải và cả thu hút đầu tư” - một cán bộ Sở KHĐT Kon Tum (đề nghị giấu tên) nhấn mạnh. 
Theo đại diện Sở KHĐT Kon Tum: Công trình hư hỏng có thể là bão lũ, thiên nhiên thật, nhưng ở mức độ nào? Cần làm rõ lý do tại sao, do thiết kế sai, do thi công ẩu hoặc do địa hình địa chất. “Trước khi UBND tỉnh cho chủ trương (khắc phục) cần phải tìm ra nguyên nhân. Nếu không tìm ra nguyên nhân, làm lại sẽ tiếp tục bị sạt lở. Nếu vì địa hình, địa chất, anh đầu tư lại ngang như lần trước thì nguy cơ (sạt lở, sụt lún) lại rất cao” - vị cán bộ Sở KHĐT nói.
Ông Thái Thanh Bình - Giám đốc Cty Đầu tư phát triển hạ tầng KKT tỉnh Kon Tum thừa nhận: “Nhiều đoạn của 3 tuyến đường không có bờ kè chắn sạt lở”.
Đình Văn (LĐO)

Có thể bạn quan tâm