Lâm Đồng: Kiểm lâm bị thương nặng khi bắt xe chở gỗ lậu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Thấy lực lượng chức năng xuất hiện phía trước, 2 đối tượng bỏ lại xe chở gỗ trên đường, chạy vào rừng thoát thân. Chiếc xe tiếp tục trôi và va vào kiểm lâm khiến một người bị thương phải nhập viện cấp cứu.
Các đối tượng thường dùng xe máy
Các đối tượng thường dùng xe máy "độ chế", không biển số để chở gỗ lậu
Ngày 31/8, ông Nguyễn Ngọc Toán - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Đạ Huoai (Lâm Đồng) cho biết, nhận tin báo của người dân có xe chở gỗ lậu trên địa bàn xã Đoàn Kết, Đội 12 của huyện Đạ Huoai, trong đó có lực lượng kiểm lâm nhanh chóng đến hiện trường ngay trong đêm.
Phát hiện 2 chiếc xe máy chở 2 phách gỗ, các cán bộ Đội 12 ra hiệu dừng lại để kiểm tra. Hai đối tượng vội bỏ lại xe cùng tang vật rồi chạy trốn vào rừng. Theo quán tính, chiếc xe chở gỗ tiếp tục lao về phía trước, đụng vào người anh Nguyễn Tiến Phương, kiểm lâm viên Hạt Kiểm lâm Đạ Huoai.
Anh Phương được đưa vào Trung tâm Y tế huyện Đạ Huoai cấp cứu. Sau khi tiến hành chụp phim, thăm khám…, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị nứt xương đùi. Hiện vết thương bị sưng to khiến anh Phương không thể đi lại được, phải tiếp tục nằm điều trị tại bệnh viện.
Lực lượng chức năng đã đưa tang vật mà các đối tượng vứt bỏ tại hiện trường về tạm giữ tại trụ sở Hạt Kiểm lâm Đạ Huoai để xử lý. Tang vật gồm 2 xe máy không có biển số cùng 2 phách gỗ có khối lượng hơn 0,5 m3.
Cũng theo ông Toán, lợi dụng đêm tối và trời mưa, các đối tượng nhanh chân tẩu thoát vào rừng. Lực lượng chức năng đã truy tìm trong rừng và vào xã Đoàn Kết nắm tình hình nhưng chưa lần ra tung tích 2 đối tượng chở gỗ lậu.
Các phương tiện mà hai đối tượng sử dụng để chở gỗ lậu là loại xe độ chế (sườn xe này ráp với máy xe kia) và không có biển số, do đó việc tìm ra chủ sở hữu rất nan giải.
Vụ việc đang được cơ quan chức năng huyện Đạ Huoai tiếp tục điều tra làm rõ.
Kim Anh (TPO)

Có thể bạn quan tâm

Nghề rèn của người Mạ

Nghề rèn của người Mạ

Đời sống của người Mạ luôn gắn với núi rừng, nương rẫy. Để đáp ứng nhu cầu đời sống, sản xuất, các nghề thủ công truyền thống ra đời, trong đó có nghề rèn.