Đinh Y Yep: Viết tên mình lên xác xe tăng địch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tìm gặp ông Đinh Y Yep (SN 1937, làng Tơ Răh, xã Bar Măih, huyện Chư Sê, Gia Lai), nghe những câu chuyện của ông mới biết, ẩn trong vóc người nhỏ bé ấy là sự gan dạ, quả cảm. Đến giờ, người dân làng Tơ Răh vẫn chưa quên chuyện ông Yep từng viết tên mình lên xác xe tăng địch.
Kết nạp Đảng trên chiến trường
Trong bộ quân phục bạc màu, ông Yep đứng ngay đầu hè mỉm cười đón chúng tôi. Nhìn vóc người nhỏ nhắn khó có thể biết ông từng tham gia chỉ huy và chiến đấu cả trăm trận đánh lớn nhỏ trên khắp các chiến trường ở Gia Lai thời kỳ chống Mỹ. Trong nhà, bàn thờ Bác Hồ được đặt ở vị trí cao nhất, trang trọng nhất. Một bên vách phòng khách dày đặc những huy chương, huân chương, bằng khen, giấy khen được các cấp trao tặng. Rót nước mời khách, ông Yep đến ngồi bên cạnh tôi để dễ trò chuyện do một bên tai của ông bị ảnh hưởng quá nặng sau những lần tiêu diệt địch bằng súng chống tăng B40. 
Ông Đinh Y Yep (giữa)-người đã lập được nhiều chiến công trong kháng chiến chống Mỹ. Ảnh: P.L
Ông Đinh Y Yep (giữa)-người đã lập được nhiều chiến công trong kháng chiến chống Mỹ. Ảnh: P.L
Khẽ nhấp một ngụm nước, ông Yep lần hồi kể lại: Năm 1959, ông tham gia bộ đội tại Huyện đội K6 (Ban Chỉ huy Quân sự huyện Mang Yang hiện nay). Trải qua nhiều vị trí công tác khác nhau, đến năm 1969 ông là Phó Chỉ huy trưởng Huyện đội K6, mang quân hàm Thượng úy. Trong những năm tháng quân ngũ, ông đã chỉ huy và tham gia chiến đấu hơn 120 trận đánh, trong đó chỉ huy 9 trận cấp đại đội, 20 trận cấp trung đội. Từng con số cứ thế hiện lên rõ mồn một trong ký ức người cựu quân nhân nay đã hơn 80 tuổi này. Hỏi trận đánh nào đáng nhớ nhất, mắt ông sáng lên: “Trận Tết Mậu Thân 1968. Ngày mùng Một Tết, tôi được kết nạp Đảng trên chiến trường”.
Ký ức bất chợt ùa về khiến giọng kể của ông cũng trở nên nhanh hơn, thỉnh thoảng ông lại thêm vào một số từ Bahnar khiến tôi phải nhờ ông Rưk-cháu gọi ông Yep bằng cậu-dịch và sắp xếp lại. Ông Yep kể lại rằng, 4 giờ sáng mùng Một Tết Mậu Thân năm 1968, trung đội của ông đang nằm phục dưới giao thông hào tại ngã ba Diệp Kính (thị xã Pleiku). Lúc đó, Mỹ bố trí lực lượng quân cảnh canh gác dọc theo 2 tuyến quốc lộ 14 và 19 rất gắt gao. Đã có lệnh của cấp trên, và trong lúc các chiến sĩ còn dè chừng chưa dám tấn công thì ông đã quyết đoán xông lên, dùng khẩu súng trường karabin tiêu diệt 4 tên quân cảnh, tạo khí thế cho toàn trung đội tiến công. Đến khoảng 11 giờ trưa hôm ấy, thấy một chiếc trực thăng của địch bay rất thấp, được lệnh của chỉ huy ông liền dùng khẩu trung liên bắn rơi máy bay trước sự ngỡ ngàng của đồng đội. Nhờ chiến công ấy, ông đã được kết nạp Đảng ngay trên chiến trường đạn lửa. 50 năm đã qua đi nhưng cảm xúc vui mừng, tự hào ấy vẫn còn vẹn nguyên trong ông. Sau đó, ông Yep còn được trao tặng Huân chương Chiến công hạng ba.
Cũng trong trận đánh ngày mùng Một Tết Mậu Thân 1968, ông Yep nhìn thấy 2 bé gái khoảng 4-5 tuổi đang chạy đi tìm nơi trú ẩn giữa những làn đạn bỏng rát. Không kịp nghĩ ngợi, ông chạy tới, ôm quàng 2 đứa bé xuống giao thông hào. Trận đánh diễn ra suốt 3 ngày 3 đêm thì cũng chừng ấy thời gian ông vừa chiến đấu, vừa chăm sóc bữa ăn giấc ngủ cho 2 đứa trẻ tội nghiệp. “Vì còn phải tiếp tục chiến đấu, tôi đành gửi lại 2 cháu cho một nhà dân ở gần đó. Sau này tôi có quay lại để hỏi tung tích thì không tìm thấy đâu nữa…”-giọng ông Yep chùng xuống.
Viết tên mình lên xác xe tăng địch
Chuyện về người cựu chiến binh anh dũng ấy đã giúp chúng tôi hiểu rõ hơn không chỉ về một con người mà còn về lịch sử, mảnh đất hòa bình mà mình đang sống. Trong suốt câu chuyện, ông Yep luôn kể bằng nụ cười, bằng ánh mắt lấp lánh niềm vui, niềm tự hào.

Ông Trương Văn Hoàng-Chủ tịch UBND xã Bar Măih (huyện Chư Sê): “Ông Đinh Y Yep có rất nhiều đóng góp cho địa phương trong thời chiến cũng như thời bình. Với hơn 50 năm tuổi Đảng, hiện nay ông vẫn đều đặn tham gia các buổi sinh hoạt chi bộ, chấp hành tốt mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Ông Yep cũng luôn phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, nêu gương sáng cho con cháu, bà con dân làng cùng noi theo, chống lại các thế lực thù địch”.

Thật ra, tên thật của ông Yep là Đinh Boch. Cả làng, cả xã đều gọi ông là Boch. Năm 1966, ông kết nghĩa cùng một anh em người Ê Đê. 2 người cùng quyết định thêm họ của người kia vào tên mình để thể hiện tình cảm. Không chỉ thêm phần họ, ông Boch cũng đổi tên thành Yep. Và chính cái tên Đinh Y Yep đã giúp ông tránh khỏi sự truy lùng gắt gao của giặc sau trận đánh tại Bar Măih vào năm 1975. Trong trận đánh đó, ông cùng đồng đội là Rơ Lan Na bắn 4 quả B40 tiêu diệt 4 xe tăng thiết giáp của địch. Sau đó, ông lấy phấn viết thật to dòng chữ “Đinh Y Yep + Rơ Lan Guh (đổi tên Rơ Lan Na)” lên xác chiếc xe tăng. “Địch cho quân lính đến từng làng để tìm người tên Đinh Y Yep, nhưng bà con ai nấy đều lắc đầu nói “trong làng không có ai tên Yep cả”-ông Yep phá lên cười khi kể về chi tiết này.
Bắn rơi trực thăng, bắn tan xác xe tăng của địch…, những chiến công lừng lẫy ấy dưới giọng kể của ông Yep lại trở nên rất đỗi bình dị. Hăng đánh giặc nên nhiều người ví ông đi đánh giặc như... đi chợ. Cũng vì thế mà ông bị…ế! Mãi đến năm 1967, ông mới cưới được bà Đinh Xâu. Năm 1970, ông bà mới có với nhau đứa con đầu lòng. Năm ấy, ông đã 33 tuổi.
Đất nước thống nhất, ông Yep về tham gia công tác trong bộ máy chính quyền địa phương. Từ năm 1975 đến 1992, ông từng giữ các chức vụ: Xã đội trưởng xã Bờ Ngoong (huyện Chư Sê), Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Bờ Ngoong, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng Huyện ủy Chư Sê, Chánh án Tòa án nhân dân huyện Chư Sê… Nghe ông Yep kể chuyện, ông Đinh Hek-Trưởng thôn Tơ Răh-góp lời: “Ông Yep là người con của làng, lại từng là Bộ đội Cụ Hồ, là cán bộ địa phương nên tiếng nói rất có trọng lượng. Ông thường xuyên kêu gọi, vận động bà con ủng hộ cách mạng, không nghe theo FULRO, tham gia đóng góp xây dựng thôn làng. Việc gì khó nhưng có tiếng nói của ông Yep thì đều trở nên dễ dàng, bà con ai cũng nghe theo”.
 Không biết từ lúc nào, bà Xâu đã xuống bếp chuẩn bị một ghè rượu cần, một đĩa cua đồng rang, thịt heo xào lá é và một xoong cơm gạo rẫy chính hiệu để mời khách. Cùng ăn với mọi người một chén cơm nhỏ, xong, ông Yep đứng dậy vào giường nằm nghỉ. Bà Xâu nhìn theo rồi quay sang thì thầm với tôi: “Năm nay, ông ấy hay bị đau lắm, yếu đi nhiều rồi, không biết còn sống với bà được mấy năm nữa. Khi nào rảnh thì vào chơi, nói chuyện với ông bà nhé”. Ông Rưk-cháu của ông Yep cũng lo xa: “Những cái cháu ghi chép hôm nay nhớ gửi cho chú một bản, sau này còn có cái phúng điếu ông ấy”. Tuy rằng gạt đi “Sao chú lo xa thế”, nhưng lòng tôi cũng không khỏi lo lắng...
Phương Vi
-------------
Công ty TNHH một thành viên Xăng dầu Bắc Tây Nguyên tài trợ cuộc thi này.

Có thể bạn quan tâm