Người dân Ea Súp, Đăk Lăk làm giàu mùa giáp hạt nhờ cây sả

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nhờ trồng sả lấy tinh dầu, người dân xã Ya Tờ Mốt, Ea Súp, Đăk Lăk vươn lên thoát nghèo và làm giàu.
 Những cánh đồng sả đang giúp bà con xã Ya Tờ Mốt, huyện Ea Súp, Đăk Lăk vươn lên thoát nghèo.
Những cánh đồng sả đang giúp bà con xã Ya Tờ Mốt, huyện Ea Súp, Đăk Lăk vươn lên thoát nghèo.
Ea Súp là một trong những huyện khó khăn nhất của tỉnh Đăk Lăk, với khoảng 48% số hộ thuộc diện nghèo. Ở một số xã, tỷ lệ hộ nghèo lên tới hơn 70%. Để thoát khỏi tình trạng này, cùng với các chính sách đầu tư của Nhà nước, Ea Súp đang được sự hỗ trợ tích cực của Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên, thành lập nhiều nhóm cải thiện sinh kế (LEG).
Trong số các LEG được thành lập ở huyện, nhóm LEG trồng sả lấy tinh dầu ở xã Ya Tờ Mốt đạt hiệu quả khả quan nhất, không chỉ giúp các thành viên thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu, đóng góp một mô hình nông nghiệp mới, phù hợp với vùng đất bạc màu, đá sỏi, ở địa phương.
Với các cây trồng truyền thống như lúa, bắp, điều, thời điểm hiện nay đa số nông dân huyện Ea Súp tỉnh Đắk Lắk trong thời kỳ giáp hạt. Nhưng với nhiều nông dân ở các thôn 10, 11, 12, xã Ya Tờ Mốt thì đây lại là mùa có thu nhập cao, khi cây sả, nguồn thu chính của bà con đang trong giai đoạn năng suất nhất trong năm.
Trên cánh đồng sả vừa được cắt lá, vẫn thơm nồng nàn mùi tinh dầu, chị Đinh Thị Hằng, nông dân ở thôn 10, xã Ya Tờ Mốt huyện Ea Súp cho biết, tinh dầu sả đang được giá, cây sả lại cho thu nhập quanh năm, nên trở thành hướng sản xuất được người dân Ya Tờ Mốt mong chờ nhất hiện nay.
Theo ông Trần Văn Hoàng, Ban công tác mặt trận thôn 12, xã Ya Tờ Mốt, thôn 12 là nơi đầu tiên ở Ea Súp trồng cây sả lấy tinh dầu, sau khi tham khảo một mô hình của Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên.
Cây sả đã trở thành cứu tinh thoát nghèo.
Cây sả đã trở thành cứu tinh thoát nghèo.
Từ khi thử nghiệm năm 2015, đến nay cây sả đã trở thành cứu tinh thoát nghèo, là chủ lực kinh tế của các tổ nhóm cải thiện sinh kế ở xã, cho năng suất trung bình 250kg tinh dầu/ha/năm, lợi nhuận khoảng 80 triệu đồng, cao gấp gần 3 lần so với trồng lúa.
Ông Trần Văn Hoàng cho rằng, cây sả được ưa chuộng không chỉ vì lợi nhuận  đem lại, mà  còn vì nó rất phù hợp với vùng đất bạc màu Ea Súp, phù hợp với tình hình dân cư, nơi vẫn còn hơn 70% là hộ nghèo, rất khó khăn về vốn đầu tư.
Từ thôn 12, cây sả dần lan tỏa tới thôn 10, thôn 11 và đang tiếp tục được triển khai thành các mô hình giảm nghèo ở các thôn khác thuộc xã Ya Tờ Mốt.
Ông Phương Khánh Giang, Chủ tịch UBND xã Ya Tờ Mốt nhận định, đó là sự lan tỏa của thành công. Các nhóm cải thiện sinh kế ở xã đã có sự khởi đầu vững chắc khi đưa cây sả lấy tinh dầu vào trồng, và tính toán mức giá 250.000 đồng/lit đã có lãi. Nay giá tinh dầu lên tới 400.000 đồng/lit, các hộ đã có thể làm giàu. Đầu ra cho sản phẩm cũng đang rộng mở, không lo việc tăng nhanh diện tích khiến sản phẩm khó tiêu thụ.
Dù nghề trồng sả lấy tinh dầu đang thành công, nhưng chị Vi Thị Mai, Bí thư chi bộ thôn 12, xã Ya Tờ Mốt, người khai sinh mô hình này, cũng là người trồng sả nhiều nhất trong xã, vẫn chưa hết lo.
Chị Mai cho biết, dù có nhiều khách hàng lớn đến để hợp tác, bao tiêu sản phẩm, nhưng chị chưa dám ký hợp đồng. Chị lo rằng, với lò chưng cất tinh dầu thô sơ mà mình đang áp dụng, mỗi ngày chỉ xuất được khoảng 80kg sản phẩm, rất khó để đáp ứng việc chế biến khi diện tích sả nguyên liệu lên đến trăm héc ta.
Việc thu hoạch và chưng cất tinh dầu sả vẫn thực hiện thủ công.
Việc thu hoạch và chưng cất tinh dầu sả vẫn thực hiện thủ công.
Mặt khác, việc thu hoạch sả của nông dân vẫn hoàn toàn thủ công, tốn khá nhiều công lao động. Lợi nhuận từ cây sả sẽ thấp xuống rất nhanh nếu thị trường tinh dầu đi xuống và giá nhân công trở nên đắt đỏ. Chính vì thế, chị đang tìm hướng để hoàn thiện từ khâu trồng xả, đến thu hoạch, và chưng cất tinh dầu, đảm bảo loại cây này sẽ đem lại giá trị bền vững:
Vừa cẩn trọng vừa năng động, tích cực đổi mới, các nhóm LEG, gồm đa số là phụ nữ dân tộc thiểu số nghèo, ở xã Ya Tờ Mốt, huyện Ea Súp, tỉnh Đăk Lăk đã và đang hướng đến thành công. Họ cũng đang góp phần đưa vùng đất nghèo, khí hậu khắc nghiệt thành khu vực sản xuất nông nghiệp hiệu quả. Nếu xây dựng thêm thật nhiều những nhóm nông dân như thế, Ea Súp sẽ nhanh chóng giảm được tỷ lệ hộ nghèo và thúc đẩy nhanh chương trình xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Đình Tuấn/VOV-Tây Nguyên

Có thể bạn quan tâm