Tạo quỹ sinh kế cho người tham gia bảo vệ rừng ở Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Không những thực hiện giao khoán diện tích rừng cho người dân tham gia quản lý bảo vệ để hưởng lợi trực tiếp từ nguồn tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR), Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh cũng như UBND xã Kon Pne (huyện Kbang) còn hướng dẫn người dân hướng đến việc gây quỹ phát triển sinh kế, qua đó góp phần giúp các hộ gia đình khó khăn vay vốn phát triển sản xuất. 
Cộng đồng tham gia bảo vệ rừng
Xã Kon Pne hiện quản lý hơn 2.594 ha rừng cung ứng DVMTR thuộc lưu vực sông Sê San. Tất cả phần diện tích này được UBND xã Kon Pne hợp đồng giao khoán quản lý, bảo vệ với 359 hộ dân các làng: Kon Hleng, Kon Ktonh, Kon Kring để người dân hưởng lợi trực tiếp từ tiền chi trả DVMTR hàng năm. Mới đây, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh và UBND xã Kon Pne đã tổ chức chi trả tiền cho người dân. Với số tiền chi trả của quý I-2018 và bổ sung phần tăng thu so với kế hoạch của năm 2017, các hộ dân tại các làng này được nhận số tiền hơn 440 triệu đồng. Được biết, tổng số tiền chi trả cho người dân trong năm 2018 là 762 triệu đồng.
Chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng cho người dân làng Kon Hleng (xã Kon Pne, huyện Kbang). Ảnh: M.N
Chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng cho người dân làng Kon Hleng (xã Kon Pne, huyện Kbang). Ảnh: M.N
Được nhận tiền chi trả DVMTR kịp thời nên các hộ dân đều nâng cao trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ rừng, ngăn ngừa các hành vi xâm hại đến diện tích rừng nhận giao khoán. Theo đó, mỗi tuần, các tổ quản lý bảo vệ rừng ở các làng đều phân công thành viên thay nhau trực, tuần tra từ 2 đến 3 ngày trên khu vực rừng nhận quản lý, bảo vệ. Anh A Khúc (làng Kon Hleng)-một người dân tham gia bảo vệ rừng cho hay, các tổ bảo vệ rừng được “biên chế” thành nhóm 10-13 người tổ chức tuần tra xen kẽ nhau giữa các làng. “Vậy nên ngày nào cũng có người tuần tra trong rừng, nhất là tại những khu vực rừng có dấu hiệu bị xâm hại hoặc vùng giáp ranh với tỉnh Kon Tum”-anh Khúc nói. Anh Đinh Ủi (làng Kon Ktonh) cũng khẳng định: “Mình lập danh sách, thường xuyên tập trung mọi người tham gia đi tuần tra rừng. Người dân trong làng ai cũng có trách nhiệm tham gia bảo vệ rừng và nhận tiền hỗ trợ 150.000 đồng/ngày. Các thành viên trong tổ cũng tự theo dõi, giám sát, khi phát hiện rừng bị phá là báo ngay để chính quyền xử lý”.  
Trao đổi với P.V, ông Lê Văn Quang-Phó Chủ tịch UBND xã Kon Pne-cho biết: “Cùng với việc thành lập tổ quản lý bảo vệ rừng ở làng, UBND xã còn khuyến khích bà con tự kiểm tra, giám sát công việc của nhau. Trường hợp nào không thực hiện đúng cam kết sẽ bị đưa ra khỏi danh sách hoặc thông báo trước cộng đồng để các hộ tích cực thực hiện tốt hơn”.
Hướng đến việc gây quỹ sinh kế
Kon Pne là địa phương có diện tích rừng rất lớn thuộc vùng lõi của Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh và cũng là nơi giao thoa với Khu Bảo tồn Thiên nhiên Kon Chư Răng. Hiện toàn xã có 359 hộ dân người Bahnar nhận khoán quản lý bảo vệ rừng trên diện tích 2.594 ha theo mô hình cộng đồng làng cùng tham gia giữ rừng với đơn giá bình quân gần 300.000 đồng/ha/năm. Không chỉ ký kết hợp đồng giữ rừng với xã, người dân ở đây còn nhận ký kết hợp đồng giữ rừng với Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh. Nguồn thu nhập từ việc nhận giao khoán quản lý bảo vệ rừng trong thời gian qua đã góp phần đáng kể vào cuộc sống hàng ngày của bà con. Cũng từ đây, ý thức, trách nhiệm của cộng đồng được nâng lên, các vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng đã được hạn chế.
2  Anh Đinh A Phir-Trưởng làng Kon Hleng cho biết sắp tới trích một khoản tiền từ nguồn chi trả dịch vụ môi trường rừng để thành lập quỹ hỗ trợ sản xuất, cho người dân vay vốn chăn nuôi.  Ảnh: M.N
Anh Đinh A Phir-Trưởng làng Kon Hleng cho biết sắp tới trích một khoản tiền từ nguồn chi trả dịch vụ môi trường rừng để thành lập quỹ hỗ trợ sản xuất, cho người dân vay vốn chăn nuôi. Ảnh: M.N
Theo Trưởng thôn Đinh A Phir, từ nguồn chi trả DVMTR, sắp tới tổ quản lý bảo vệ rừng của làng Hleng sẽ trích ra một ít để hình thành “Quỹ Hỗ trợ phát triển sản xuất” dành cho những hộ gia đình khó khăn nhất trong làng. “Theo định hướng của cán bộ Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng và UBND xã, mỗi năm chúng tôi sẽ giữ lại khoảng 50 triệu đồng từ nguồn chi trả DVMTR làm quỹ để cho các hộ khó khăn vay phát triển sản xuất. Theo từng năm, nguồn quỹ này sẽ ngày càng tăng, suất cho vay sẽ nhiều hơn và số tiền cho người dân vay theo đó cũng được tăng lên. Ngoài ra, chúng tôi cũng có phương án mua bò giao cho các hộ dân nuôi đến khi sinh được bê con thì chuyển cho hộ khó khăn khác tiếp tục nuôi”-ông A Phir cho biết.
Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND xã Kon Pne thông tin thêm: Xã đang triển khai nhiều tiểu dự án sinh kế cho người dân, đặc biệt là dự án trồng sa nhân tím dưới tán rừng. Bên cạnh việc tham gia bảo vệ rừng, những người tham gia nhóm hộ còn tận dụng tán rừng thưa trồng sa nhân tím trên diện tích 22,5 ha. “Hiện dự án này đã bước sang năm thứ 2, dự kiến chỉ hơn 1 năm nữa là bắt đầu có thu hoạch, lúc đó sẽ mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân liên tục từ 5 đến 6 năm”-ông Lê Văn Quang cho biết.
Ông Nguyễn Văn Thưởng-Phó Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh: Từ khi có chính sách chi trả DVMTR, số hộ nhận khoán diện tích rừng giao khoán tăng lên, số vụ vi phạm giảm xuống hàng chục lần. Từ nguồn thu hàng năm theo quy định, qua hơn 5 năm, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh đã chi trả trên 300 tỷ đồng cho các đơn vị chủ rừng gồm: 19 Ban Quản lý Rừng phòng hộ, 11 Công ty Lâm nghiệp, 87 xã có rừng. Không chỉ giúp các chủ rừng giải quyết khó khăn về tài chính mà các đơn vị này còn tạo điều kiện mở rộng diện tích giao khoán cho dân hưởng lợi, gắn bó với rừng; qua đó góp phần nâng cao nhận thức của người dân sống gần rừng trong công tác quản lý, bảo vệ rừng.
Minh Nguyễn 

Có thể bạn quan tâm